Cụm từ "Cách mạng Công nghiệp 4.0" ngày càng được sử dụng rộng rãi. Tuy nhiên, rất khó để hiểu hết khái niệm và tác động của nó đối với nền kinh tế toàn cầu với những cơ hội và thách thức.
Theo thông tin từ VnExpress, Cách mạng Công nghiệp 4.0 (hay Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư) xuất phát từ khái niệm "Industrie 4.0" trong một báo cáo của chính phủ Đức năm 2013.
Báo cáo này nhắc đến các khái niệm liên kết chiến lược công nghệ cao, điện toán hóa ngành sản xuất mà không cần sự tham gia của con người. Tháng 1/2015, cụm từ này liên tục được Thủ tướng Đức Angela Merkel nhắc tới tại Diễn đàn Kinh tế thế giới ở Davos.
Robot thông minh ngày càng phát triển và đang dần thay thế con người. Ảnh: Trí thức trẻ. |
Tuy nhiên, trên thực tế, Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã diễn ra từ những năm 2000 gọi là cuộc cách mạng số, thông qua các công nghệ như Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), tương tác thực tại ảo (AR), mạng xã hội, điện toán đám mây, di động, phân tích dữ liệu lớn (SMAC)... để chuyển hóa toàn bộ thế giới thực thành thế giới số.
Dễ hiểu hơn, cuộc Cách mạng Công nghiệp Thứ tư được kết hợp các công nghệ lại với nhau, làm mờ ranh giới giữa vật lý, kỹ thuật số và sinh học, Klaus Schwab, người sáng lập và chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế Giới chia sẻ.
Theo ông Klaus Schwab, tốc độ đột phá của Cách mạng Công nghiệp 4.0 hiện "không có tiền lệ lịch sử". Nó đang phá vỡ hầu hết ngành công nghiệp ở mọi quốc gia. Và chiều rộng và chiều sâu của những thay đổi này báo trước sự chuyển đổi của toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị.
Tri thức trực tuyến cho biết, Cách mạng Công nghiệp 4.0 diễn ra trên 3 lĩnh vực chính gồm Công nghệ sinh học, Kỹ thuật số và Vật lý.
Những yếu tố cốt lõi của Kỹ thuật số trong CMCN 4.0 sẽ là: Trí tuệ nhân tạo (AI), Vạn vật kết nối - Internet of Things (IoT) và dữ liệu lớn (Big Data).
Trên lĩnh vực công nghệ sinh học, Cách mạng Công nghiệp 4.0 tập trung vào nghiên cứu để tạo ra những bước nhảy vọt trong Nông nghiệp, Thủy sản, Y dược, chế biến thực phẩm, bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo, hóa học và vật liệu.
Còn trong lĩnh vực Vật lý, đó là robot thế hệ mới, máy in 3D, xe tự lái, các vật liệu mới (graphene, skyrmions…) và công nghệ nano.
Hiện nay, tại các nước phát triển như Mỹ, châu Âu, một phần châu Á, cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đã diễn ra đặt cho nhân loại nhiều cơ hội cũng như thách thức.
Những thách thức đã hình thành như sự ra đời của robot dần thay thế người lao động phổ thông thực hiện những công việc có tính chất lặp đi lặp lại. Tuy nhiên, nhu cầu về nguồn lao động có tay nghề cao, tư duy sáng tạo, thực hiện những công việc phức tạp, làm chủ máy móc lại tăng lên, Trí thức trẻ đăng tải. Hiện nay, nhiều nhà máy đã bắt đầu sử dụng robot nhằm tối ưu hóa hoạt động sản xuất bởi họ không còn chịu sức ép tăng lương, hưu trí hay các chế độ phúc lợi cho người lao động.
Như vậy, trong tương lai, máy móc, robot hoàn toàn có thể thay thế lao động chân tay. Thị trường lao động hoàn toàn có thể bị phá vỡ nếu không có sự chuẩn bị ngay từ thời điểm này.
[presscloud]252[/presscloud]
(Tổng hợp)