Ngày Tết, không gian ấm cúng, sung túc nhất chính là ban thờ, nơi thể hiện rõ nhất cái tâm của chủ nhà đối với tổ tiên. Vậy mâm cúng gia tiên 4 ngày Tết cần có những gì và bài trí thế nào cho đúng?
Tục cúng gia tiên của người Việt Nam
Cúng gia tiên là cúng tổ tiên trong nhà, là nghĩa vụ thiêng liêng của con cháu để tỏ lòng nhớ ơn nguồn cội của mình "Cây có cội nước có nguồn".
Cúng gia tiên là một cái đạo "Đạo thờ cúng ông bà", gọi tắt là đạo ông bà. Đạo ở đây không phải là tôn giáo vì không có giáo chủ, môn đệ... .mà chỉ là "đạo làm người" trong gia đình, lấy tình cảm và sự liên hệ máu mủ ruột thịt trong gia đình làm chủ yếu.
Cúng gia tiên là thể hiện sự hiếu thảo và tình thương yêu của con cháu đối với người quá cố. Cúng gia tiên trong 3 ngày Tết bày tỏ lòng tri ân, thương nhớ của con cháu đối với tổ tiên nguồn cội. Việc cúng kính không chú trọng ở hình thức mâm cao cỗ đầy mà chú trọng ở nội dung, đó là tấm lòng thành kính tri ân thương nhớ và noi gương. Vua Hùng Vương thứ 6 không chọn cao lương mỹ vị để cúng gia tiên mà chọn bánh chưng bánh dầy là món đơn sơ giản dị nhưng hàm chứa nội dung ý nghĩa sâu sắc.
Khi cúng, gia chủ phải ăn mặc chỉnh tề, lên đèn, đốt hương, đánh chuông, hai tay chắp lại đưa lên ngang trán và khấn, khi khấn nêu ngày tháng, làng xã, tên mình, tên vợ con, tên người quá cố, lễ vật cúng, lý do cúng, cầu nguyện... rồi tùy theo vị trí lớn nhỏ của mình đối với người quá cố, nếu nhỏ thì lạy 4 lạy hoặc vái 4 vái. Việc cúng kính tùy thuộc vào đức tin và đời sống đạo đức của mình.
Trình tự cúng 4 ngày Tết
Tết Nguyên đán thường tổ chức 4 ngày và lễ cúng gia tiên cũng được trình tự cúng trong 4 ngày với những ý nghĩa khác nhau. Chiều 30 Tết có lễ cúng tất niên, tức là cúng trình với ông bà, tổ tiên năm cũ đã hết.
Đêm 30 cúng giao thừa, thời điểm chuyển tiếp năm cũ sang năm mới.
Sáng mùng 1 Tết là cúng Nguyên đán, nghĩa là cúng sáng sớm của một ngày đầu năm. Chiều mùng 1 Tết cúng Tịch điện, tức là cúng cơm chiều.
Ngày mùng 2 Tết có 2 lễ cúng, buổi sáng cúng mời tổ tiên gọi là Chiêu điện, buổi chiều cúng Tịch điện. Ngày mùng 3 là ngày cuối của tết, nên cúng Tạ Ông vải, với ý nghĩa 4 ngày tết đã đầy đủ.
Tuỳ từng hoàn cảnh kinh tế của mỗi gia đình mà các mâm cỗ cúng lớn nhỏ khác nhau, nhưng tựu chung đầy đủ 4 món cơ bản là: bánh chưng, thịt lợn, dưa hành và cơm tẻ.
Món bánh chưng tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở của muôn loài và con người mỗi năm một tuổi. Thịt lợn chế biến thuộc về âm, dưa hành thuộc về dương, âm dương hài hoà tượng trưng cho sự phát triển.
Cơm tẻ là lương thực hàng ngày, nên trong mâm cỗ có nếp, có tẻ cũng như có âm có dương đầy đủ lẽ sinh sôi.
Bát nước chấm đặt giữa mâm hình tròn với 4 bát cơm đặt 4 góc mâm, tượng trưng cho trời đất vũ trụ, mà con người dù ở cõi âm hay dương đều có cuộc sống trong đó.
Mâm cúng ngày Tết có những gì?
Mâm cơm đầu năm của của các gia đình thường được chuẩn bị rất công phu, kĩ càng. Thịt gà phải là thịt gà trống choai, được chọn lựa cẩn thận: mào gà, hình dáng gà, đặc biệt là cựa gà. Người Việt Nam quan niệm: cựa gà có đẹp thì cả năm mới sung túc, ấm no. Gà được thịt để cúng giao thừa, sau đó chia cho con cháu ăn hưởng lộc.
Thịt lợn phải chọn được miếng thịt lợn đầy đặn, có đủ nạc, mỡ (thường 1/3 mỡ, 2/3 nạc), dầy mình, vuông vắn. Giò có thể là giò nạc, giò lụa, miếng giò chắc, thơm ngọt. Giò được gói tròn. Trong mâm cơm có bánh chưng vuông tượng trưng cho đất, khoanh giò tròn tượng trưng cho trời, thể hiện sự hoà hợp, cân bằng giữa trời đất và con người. Âm dương cân bằng, gia chủ mới mạnh khoẻ, con cháu ngoan hiền, làm ăn phát đạt.
Mâm cơm đầu năm còn có đĩa xôi. Xôi đầu năm mới phải là xôi gấc hoặc xôi đỗ. Màu đỏ của gấc, màu vàng ruộm của đỗ thể hiện niềm tin, hi vọng của gia chủ vào một năm mới làm ăn thành công, gặp nhiều may mắn.
Trong mâm cơm ngày Tết không thể thiếu được đĩa dưa hành vàng óng, thơm lừng. Dưa hành không chỉ để ăn kèm với thịt luộc mà còn là một món ăn rất tốt cho sức khoẻ trong dịp Tết. Thông thường, trong dịp Tết, mọi người thường ăn rất nhiều thịt, đồ nếp, đồ ngọt vì vậy đĩa dưa hành chính là một món ăn rất tốt cho hệ tiêu hoá, đảm bảo cho cả gia đình có một năm mới khoẻ mạnh. Trong mâm cỗ ngày Tết có đầy đủ các vị: vị mặn của nước chấm, vị cay của ớt, vị chua của đĩa dưa hành, vị ngọt của bánh … tất cả tạo nên một mâm cơm sum vầy no đủ.
Tại sao phải có đủ bốn bát, bốn đĩa? Thực ra, con số bốn là con số tượng trưng cho sự vuông vắn, cân đối, đầy đặn, vững chãi. Ngoài ra còn có đĩa xôi (bánh chưng) và bát nước chấm là mười. Số mười tượng trưng cho sự tròn đầy, viên mãn. Mâm cơm đầu năm mới đã thể hiện tất cả những mong ước của gia chủ về một năm mới an lành, ấm no, thành công và hạnh phúc. Mâm cơm đầu năm mới trước để cúng thần linh, ông bà tổ tiên để xin lộc của thần linh, tiên tổ. Hết tuần hương, mâm cơm được dọn cho cả nhà cùng ăn, với ý nghĩa hưởng lộc của thần linh, tổ tiên phù hộ, cả năm không ốm đau, con cháu học hành tấn tới, làm ăn phát đạt, gia đình thuận hoà, tránh mọi tai ương.
Thu Hằng(T/h)