Để xây dựng lên thương hiệu xà bông "Cô Ba", đại gia Trương Văn Bền đã áp dụng những cách làm thương hiệu “vô tiền khoáng hậu” trong những năm đầu thế kỷ 20.
Chắc hẳn trong tiềm thức của nhiều người lớn tuổi tại Việt Nam vẫn còn nhớ đến thương hiệu xà bông “Cô Ba” nức tiếng một thời. Thương hiệu xà bông này từng có thời điểm đánh bật những thương hiệu xà bông nổi tiếng nước ngoài nhập khẩu vào thị trường Việt Nam, trở thành một “thương hiệu Việt” có tiếng nhất thời bấy giờ.
Cũng giống như cục xà bông “Cô Ba” với hình ảnh người phụ nữ Việt có gương mặt phúc hậu in trên bao bì từng gây tiếng vang nhiều người cũng nhớ được đại gia Trương Văn Bền, ông chủ giàu có nắm giữ thương hiệu nổi tiếng này.
Ông Trương Văn Bền (1883 - 1956) sinh tại Chợ Lớn (Sài Gòn) trong một gia đình có truyền thống làm nghề thủ công. Năm 25 tuổi, ông Trương Văn Bền lập nhà máy ép dầu dừa, rồi nhà máy xay lúa, đồn điền cao su cỡ nhỏ và công ty khai khẩn ruộng ở Đồng Tháp Mười.
Những năm 1940, ông Bền chuyển sang làm ngành xà bông và lập Công ty Trương Văn Bền và các con – Dầu và Xà Bông Việt Nam (Truong Van Ben & fils - Huilerie et Savonnerie Vietnam), tại 40 Kim Biên, quận 5, TP.HCM.
Trụ sở công ty dầu và xà bông Cô Ba. Hình ảnh cô Ba vẫn còn lưu lại (trong vòng tròn). Ảnh: Vietnamnet |
Được biết, xà bông Cô Ba làm từ dầu dừa, xưởng của ông ở Chợ Lớn, mỗi tháng sản xuất khoảng 1.500 tấn dầu dừa và khoảng 600 tấn xà bông.
Ở Sài Gòn vào những năm thập niên 40-50, nhãn hiệu Xà bông Cô Ba rất nổi tiếng, không có đối thủ trên thị trường nội địa. Khi ấy, hình ảnh bánh xà bông in hình người phụ nữ Việt đẹp phúc hậu trở thành thương hiệu đình đám khắp cả nước, nổi danh trong vài thập niên và đánh bật hàng loạt thương hiệu ngoại thời bấy giờ. Không chỉ vậy, xà bông Cô Ba còn được dùng rộng rãi ở Lào, Campuchia, xuất khẩu qua Hong Kong, Tân Đảo và một số nước châu Phi càng làm cho nhãn hiệu này càng thêm nổi tiếng.
Điều khá ấn tượng là ông chủ của hãng xà bông này đạt được thành công lớn trên thương trường nhưng lại không hề trải qua trường lớp, cho dù ông Trương Văn Bền có đi Pháp nhiều lần. Đương thời, ông Trương Văn Bền là một trong những người được đánh giá có đầu óc kinh doanh, tháo vát, nhiều sáng kiến.
Trên thương trường, ông Bền chủ trương luôn cải tiến chất lượng và sản phẩm phải hợp với túi tiền người tiêu dùng. Ông nhìn xa thấy rộng, không theo lối ăn xổi ở thì. Mặc dù có địa vị cao trong xã hội, nhưng ông Bền không tự mãn.
Nhắc tới sự thành công của ông chủ thương hiệu xà bông “Cô Ba” không thể không nhắc tới cách làm thương hiệu “vô tiền khoáng hậu” của của ông chủ hãng xà bông này trong những năm đầu thế kỷ 20.
Trong ký sự “Một tháng ở Nam Kỳ” (1918), ông Phạm Quỳnh có nhắc đến ông Trương Văn Bền như sau: “Ông Trương Văn Bền là một nhà công nghiệp to ở Chợ Lớn, năm trước cũng có ra xem hội chợ ở Hà Nội, đem xe hơi ra đón các phái viên Bắc Kỳ về xem nhà máy dầu và nhà máy gạo của ông ở Chợ Lớn.
Xem qua cái công cuộc ông gây dựng lên, đã to tát như thế mà chúng tôi thấy hứng khởi trong lòng, mong mỏi cho đồng bào ta ngày một nhiều người như ông, ngõ hầu chiếm được phần to trong trường kinh tế nước nhà và thoát ly được cái ách người Tàu về đường công nghệ thương nghiệp….”.
Ông Trương Văn Bền, chủ hãng xà bông Cô Ba nổi tiếng một thời. Ảnh: VnExpress |
Những việc Trương Văn Bền làm được, là những việc nằm ngoài sức tưởng tượng của nhiều nhà tư sản Việt và cả những người Pháp ở Đông Dương. Công ty Trương Văn Bền và các con ra đời với mục tiêu chính là trở thành nhà máy nấu xà phòng lớn nhất Đông Dương.
Tận dụng nguyên liệu có sẵn, ứng dụng kỹ thuật mới, Công ty Trương Văn Bền và các con đã đưa ra những sản phẩm chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế, giá cả phải chăng. Thêm vào đó, ông lại rất chú trọng đến việc quảng cáo và khuếch trương thương hiệu.
Trên hộp xà bông của hãng là hình một trong những mỹ nhân nức tiếng Sài Gòn lúc bấy giờ - cô Ba. Xà bông cô Ba xuất hiện trên khắp các báo chí với lời kêu gọi: “Dùng xà bông xấu, mục quần áo” và “Người Việt Nam nên xài xà bông của Việt Nam”.
Đặc biệt trong các cuộc triển lãm, gian hàng của công ty luôn tạo ấn tượng cho khách bởi mô hình cục xà bông khổng lồ và giá cả sản phẩm rẻ hơn bình thường.
Sau năm 1975, hãng xà bông của ông Trương Văn Bền vẫn được giữ lại dưới hình thức công tư hợp doanh có tên Nhà máy xà bông Việt Nam. Cho đến trước năm 1995, bóng dáng của “Cô Ba” vẫn bao trùm cả miền Nam lẫn miền Bắc.
Khi liên doanh với tập đoàn P&G, Nhà máy xà bông Việt Nam buộc phải bỏ tất cả những sản phẩm cũ. Chỉ xà bông Cô Ba được duy trì nhưng sau một thời gian cũng phải ngừng hoạt động. Mới đây, một doanh nghiệp đã chính thức sản xuất lại sản phẩm này, phân phối cả trong siêu thị lẫn các đại lý bên ngoài.
Nhân Văn (T/h)