+Aa-
    Zalo

    Cách chuẩn bị mâm cơm và văn khấn hóa vàng đầy đủ nhất, gia chủ không nên bỏ qua

    (ĐS&PL) - Theo quan niệm của người Việt Nam, vào ngày 30 tết các gia đình sẽ làm mâm cơm cúng và mời tổ tiên về ăn tết. Sau 3 ngày tết, con cháu sẽ lại làm mâm cơm cúng để tiễn ông bà đi và nghênh đón tài lộc và may mắn đến. Lễ cúng này được gọi là lễ hóa vàng, để lễ cúng thêm trọn vẹn thì không thể thiếu bài văn khấn.

    Tục hóa vàng và thời gian hóa vàng

    Theo quan niệm dân gian của người Việt, ngày 30 Tết, các gia đình sẽ làm mâm cơm tất niên để mời các cụ về ăn Tết. Hết 3 ngày tết, con cháu lại sửa soạn mâm lễ để tổng kết hết tết “tiễn ông bà”, đồng thời đón thần tài, thần lộc.

    Giải thích trên báo Lao động về tục hóa vàng của người Việt, GS Lê Văn Lan cho rằng tục lệ này dựa trên tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, vật hoá vàng thường gắn với đời sống thường nhật, để thấy con người ở thế giới bên kia sống gần với dương gian.

    cach chuan bi mam com va van khan hoa vang day du nhat gia chu khong nen bo qua

    Thời gian nào phù hợp để cúng để hóa vàng? Ảnh minh hoạ

    Trả lời trên báo Giao thông, theo chuyên gia phong thủy Tuấn Kiệt, công ty phong thủy Việt Nam, ngày tổ chức lễ hóa vàng không cố định mà tùy thuộc vào mỗi gia đình. Thường người ta thực hiện vào ngày mùng 3 Tết, tuy nhiên, lễ hóa vàng còn được tiến hành từ ngày mùng 4 đến ngày mùng 10 Tết.

    Nhiều gia đình cẩn trọng trong việc thờ cúng thì còn chọn ngày tốt để hóa vàng với mong muốn mang lại sự hanh thông, may mắn nhất cho gia đình mình trong năm mới.

    “Năm nay có ngày tốt đầu năm như mùng 2, mùng 6, mùng 8 các gia đình có thể lựa chọn hóa vàng vào những ngày đó. Lễ cúng thần linh gia tiên cầu nguyện cho các vị thần gia tiên mình được siêu thoát, đem lại may mắn cho gia đình mình" chuyên gia Tuấn Kiệt cho biết.

    Còn theo GS Ngô Đức Thịnh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam, các cụ ta vẫn có quan niệm người chết không phải là hết.

    Chính vì thế, tục đốt vàng mã là hành động mang tính nghi lễ, có cơ sở nhận thức. Tết sẽ bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp. Sau đó, các gia đình đi nhận mộ, mời Tổ tiên về ăn Tết cùng con cháu. Tiếp đó là lễ cúng Tất niên tại bàn thờ gia tiên chiều 30, cúng đêm giao thừa (sáng mồng 1 của năm mới) và kết thúc bằng lễ hóa vàng để tạm biệt tổ tiên sau những ngày Tết đầm ấm.

    Cách chuẩn bị mâm cỗ cúng hóa vàng đầy đủ

    Mâm cúng lễ hóa vàng cúng giống như mâm cúng thờ gia tiên. Tùy theo điều kiện, khả năng của từng gia đình mà mâm cơm cúng cũng sẽ có sự khác nhau. Bữa cơm cúng này không đòi hỏi quá nhiều sự cầu kỳ, gia chủ có thể làm mâm cúng mặn hay chay đều được.

    Đối với mâm cơm mặn ít nhất cần có gà trống, bát canh, giò, hay nem rán. Dù là mâm chay hay mặn cũng cần phải có hương, hoa, ngũ quả, trầu cau, rượu, trà, bánh chưng/ bánh tét, xôi. Ngoài ra, cũng cần có những lễ vật như: vàng mã, đèn, nến...

    Bài văn khấn hóa vàng dành cho gia chủ

    Dưới đây là bài văn khấn hóa vàng theo sách Văn khấn cổ truyền Việt Nam - NXB Văn hoá Thông tin:

    Nam mô A Di Đà Phật (3 lần)

    Con kính lạy chín phương trời, mười phương chư Phật, chư Phật mười phương

    Con kính lạy Hoàng thiên, Hậu thổ, Long mạch, Táo quân, chư vị tôn thần

    Con kính lạy Ngài Đương niên hành khiển, ngài Bản cảnh Thành hoàng, các ngài Thổ địa, Táo quân, Long mạch tôn thần.

    Con kính lạy các cụ Tổ khảo, Tổ tỷ, nội ngoại tiên linh.

    Hôm nay là ngày... tháng... năm Quý Mão

    Chúng con là... tuổi...

    Hiện cư ngụ tại...

    Thành tâm sửa biện hương hoa phẩm vật, phù tửu lễ nghi, cung bày trước án. Kính cẩn thưa trình: Tiệc xuân đã mãn, Nguyên đán đã qua, nay xin thiêu hóa kim ngân, lễ tạ tôn thần, rước tiễn âm linh trở về âm cảnh.

    Kính xin lưu phúc, lưu ân, phù hộ độ trì dương cơ âm trạch, mọi chỗ tốt lành, con cháu được bách sự như ý, vạn sự bình an, tài lộc song toàn, gia đạo hưng vượng.

    Lòng thành kính cẩn, lễ bạc tiến dâng, lượng cả xét soi, cúi xin chứng giám.

    Nam mô A Di Đà Phật (3 lần)

    Lưu ý: Khi hóa vàng, phần tiền vàng của gia thần phải hóa trước, tiền vàng, đồ dùng của tổ tiên hóa sau.

    Văn khấn hóa vàng theo Tập văn cúng gia tiên - NXB Văn hoá dân tộc:

    Hôm nay ngày...

    Tại: Thôn... xã/phường... huyện/quận... tỉnh/TP...

    Tín chủ là... cùng toàn gia kính bái.

    Nay nhân ngày lễ tạ.

    Kính cẩn sắm một lễ gồm..., gọi là lễ mọn lòng thành, kính dâng lên: Đông trù Tư mệnh Táo phủ thần quân, bản gia tiên sư, bản viên thổ công, liệt vị tôn thần.

    Trước linh vị của:

    Hiển:

    Hiển:

    Hiển:

    Và các vị Tổ bá, Tổ thúc, Tổ cô, cùng các vong linh phụng thờ theo tiên tổ.

    Kính cẩn thưa rằng:

    Tiệc xuân đã mãn

    Lễ tạ kính trình

    Rước tiễn tiên linh

    Lại về âm giới

    Buổi đầu năm mới

    Toàn gia mong đợi

    Lưu phúc lưu ân

    Kính cáo tôn thần

    Phù trì phù hộ

    Dương cơ âm mộ

    Mọi chỗ tốt lành

    Con cháu an ninh

    Vận hành khang thái

    Cẩn cáo!

    Một số lưu ý trong lễ cúng hóa vàng

    • Mâm cúng đồ mặn nên làm một con gà trống luộc (không được dùng gà trống thiến hoặc dị tật)
    • Đặt gà vào mâm cúng phải dùng đĩa to và sạch, bày đầy đủ các bộ phận từ lòng, tiết,...
    • Cúng ngoài trời khi đặt đĩa gà thì đầu gà phải hướng ra đường.

    Thục Hiền(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cach-chuan-bi-mam-com-va-van-khan-hoa-vang-day-du-nhat-gia-chu-khong-nen-bo-qua-a610244.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan