(ĐSPL) - Nhằm hỗ trợ người dân vùng lũ ổn định cuộc sống, lãnh đạo chính quyền địa phương phối hợp với cơ quan, đoàn thể trên địa bàn các tỉnh miền Trung nhanh chóng triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả sau lũ những nơi nước hạ.
Theo đó, tại các xã vùng trũng như huyện Quảng Điền, Phong Điền, Phú Vang, Phú Lộc, TX Hương Trà và Hương Thủy (Thừa Thiên - Huế), nhiều cơ quan, ban, ngành, đoàn thể đã tổ chức giúp dân dọn dẹp vệ sinh, khơi thông cống rãnh đường giao thông nông thôn nhằm ổn định cuộc sống cho bà con sau khi nước hạ.
Tính đến ngày 18/12, trên địa bàn tỉnh còn khoảng 2.500 hộ dân bị ngập; đặc biệt có 20 hộ dân tại khu vực có nguy cơ sạt lở bờ sông chợ Nọ thuộc xã Phú Dương, huyện Phú Vang buộc phải di dời khẩn cấp nay đã trở về nhà an toàn.
Đồng thời, tính đến hôm nay trên địa bàn toàn tỉnh có 4 người chết do mưa lũ, trường hợp tử vong mới nhất là ông Nguyễn Long B. (48 tuổi), trú tại thôn Bồn Trì, phường Hương An, thị xã Hương Trà (Thừa Thiên - Huế). Theo đó, vào khoảng 6h30 ngày 17/12, ông B. trong lúc đi đánh bắt cá thì không may bị lật ghe dẫn đến tử vong.
Nhiều cơ quan, đoàn thể trên địa bàn thị xã Hương Trà nhanh chóng triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả sau lũ tại xã Thủy Thanh. |
Được biết, đợt lũ này có hơn 8.180 ngôi nhà bị ngập từ 0,2-0,4m. Về nông nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh đã thiệt hại 100% mạ đã gieo, lúa giống ngâm ủ phục vụ gieo trồng 3.000ha và có khoảng trên 350ha hoa màu bị ngập trong nước, tróng đó có 20 lồng cá nuôi trên các sông Bồ và sông Ô Lâu của người dân huyện Phong Điền bị trôi. Hệ thống giao thông tại nhiều địa phương hầu như tê liệt hoàn toàn, người dân phải di chuyển bằng ghe, thuyền qua các vùng nước sâu và chảy xiết.
Do ảnh hưởng mưa lớn kéo dài, tại km 12+450 đường tránh TP Huế đoạn đi qua thuộc địa bàn phường Hương Hồ, thị xã Hương Trà đã xảy ra hiện tượng sạt lở nghiêm trọng khiến hàng trăm phương tiện giao thông lưu thông theo hướng Nam – Bắc và ngược lại bị ách tắc trong nhiều giờ.
Trong đợt lũ vừa qua, xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nhất của thị xã. Đến 17h ngày 17/12, các tuyến đường chính nối với trung tâm TP Huế và thị xã vẫn còn bị ngập sâu từ 0,5 – 0,8m; nhiều khu vực thấp trũng bà con phải di chuyển bằng ghe, thuyền.
Theo thống kê ban đầu, tại các thôn chuyên trồng hoa Tết trên địa bàn có hơn 1.000m2 hoa màu và 40.000 chậu cúc trong giai đoạn đoạn chuẩn bị thu hoạch bị ngập nước gây thiệt hại ước tính trên 1,8 tỷ đồng; nhiều tuyến đường và công trình thủy lợi bị hư hại nặng…
Trước đó, ông Lê Trường Lưu, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đến thăm và tặng quà cứu trợ cho người dân xã Phong Bình, huyện Phong Điền bị ngập nặng và nước lũ chia cắt. |
Do tình hình mưa lũ còn diễn biến phức tạp, nên lãnh đạo chính quyền địa phương phối hợp với cơ quan, đoàn thể trên địa bàn nhanh chóng triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả sau lũ những nơi nước hạ, nhằm hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống. Đồng thời, chủ động lên phương án di dời những hộ dân ở khu vực thấp trũng đến nơi an toàn đề phòng những đợt mưa lũ tiếp theo.
Mực nước các sông xuống chậm và dao động ở mức dưới báo động 2, nên các huyện vùng trũng tỉnh Thừa Thiên- Huế vẫn còn bị ngập và đi lại khó khăn. |
Hiện tại, mực nước các sông trên địa bàn tỉnh xuống chậm và dao động ở mức dưới báo động 2, một số tuyến đường thấp trũng của các huyện, thị như; huyện Quảng Điền, Phong Điền, thị xã Hương Trà và Hương Thủy vẫn còn bị ngập gây khó khăn trong việc di chuyển đi lại của người dân.
Tại Quảng Nam, đến ngày 17/12, số nhà bị ngập: 7.750.000 hộ/32.030 khẩu (huyện Đại Lộc: 300 hộ/1.200 khẩu tại các xã vùng B; TX Điện Bàn: 100 hộ/350 khẩu (đoạn đường từ Quốc lộ 1A đi các xã Gò Nổi); Hội An: 7.350 hộ/30.500 khẩu).
Hiện, một số nơi tại Hội An, nước đang rút dần. |
Tại Quảng Ngãi, đến chiều ngày 17/12, còn khoảng 4.281 nhà/3 huyện bị ngập. Trong đó, huyện Nghĩa Hành: 211 nhà; Đức Phổ: 570 nhà; Mộ Đức: 3.500 nhà. Hiện tại, huyện Sơn Tịnh, thành phố Quảng Ngãi nước đã rút, không còn ngập lụt; các huyện Nghĩa Hành, Mộ Đức, Đức Phổ và Tư Nghĩa, một số khu vực vẫn còn bị ngập.
Tại Bình Định, có 87 phường, xã/11 huyện, như TP Quy Nhơn, Tuy Phước, TX An Nhơn, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Ân, Hoài Nhơn, An Lão, Vân Canh, Tây Sơn, Vĩnh Thạnh bị ngập. Hiện, nước rút chậm.
Tỉnh Phú Yên, tính đến 15h00 ngày 17/12, đã có 25 thôn/10 xã đã bị ngập lũ, chia cắt 2.181 nhà/ 7.465 khẩu (ngập sâu từ 0,5 - 0,8m), trên địa bàn các huyện Tây Hòa, Đông Hòa, Đồng Xuân, Tuy An và TX Sông Cầu.
Phi Hoàng - Ngọc Linh