(ĐSPL) - Trong tháng 11, 12 năm 2016, Bộ Công Thương đã và đang tổ chức đoàn công tác làm việc với một số Bộ, ngành, địa phương về công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết.
Theo báo cáo sơ bộ, đến nay, đã có 21/63 tỉnh, thành phố có kế hoạch hoặc đã triển khai Chương trình bình ổn thị trường, giá cả cuối năm và Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017
Hà Nội chuẩn bị 23.500 tỷ đồng hàng hóa phục vụ Tết
Thông tin từ Sở Công thương Hà Nội, dự kiến, tổng lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán trên địa bàn Thủ đô đạt hơn 23.500 tỷ đồng. Trong đó, các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích dự trữ và dự kiến đưa ra thị trường lượng hàng hóa trị giá 4.500 tỷ đồng; DN SXKD bánh mứt kẹo, rượu bia, nước giải khát... dự trữ lượng hàng hóa trị giá hơn 9.000 tỷ đồng. Các làng nghề trên địa bàn thành phố SXKD các nhóm hàng hóa phục vụ Tết như nông sản thực phẩm, bánh mứt kẹo… với tổng giá trị gần 2.100 tỷ đồng.
Sở Công Thương sẽ chịu trách nhiệm điều phối lưu thông hàng hóa giữa DN sản xuất và phân phối hàng hóa; báo cáo UBND Thành phố xem xét tạo điều kiện cấp phép cho xe chở hàng hóa thiết yếu vào nội thành trong các ngày, giờ cao điểm, bảo đảm lưu thông hàng hóa thiết yếu phục vụ dân sinh; theo dõi sát diễn biến cung - cầu hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn; phối hợp với các sở, ngành để giải quyết những vướng mắc, khó khăn cho DN.
Theo Bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, dự báo diễn biến thị trường cũng như nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn thành phố sẽ tăng cao trong dịp Tết đối với các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, hàng nông, lâm sản khô, bánh mứt kẹo, rượu - bia - nước giải khát… Do đó, để bảo đảm lượng hàng hóa đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân, Sở Công Thương Hà Nội đã chủ động chỉ đạo, phối hợp các doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất, kinh doanh (SXKD) chuẩn bị lượng hàng hóa tăng khoảng 10% so với năm 2016.
TP. Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện Bình ổn thị trường theo hướng xã hội hóa
Ảnh minh họa. |
10 tháng đầu năm 2016, mặc dù kinh tế nói chung và thị trường hàng hóa chịu ảnh hưởng bởi sự biến động bất lợi của nền kinh tế thế giới nhưng TP HCM vẫn duy trì mức độ tăng trưởng tương đối ổn định.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 10 tháng đầu năm đạt 612.018 tỷ đồng, tăng 9,33% so cùng kỳ, loại trừ yếu tố giá tăng 10,2% (cùng kỳ năm trước loại trừ giá tăng 7,65%). Như vậy tỷ trọng tổng mức bán lẻ của Thành phố Hồ Chí Minh chiếm khoảng hơn 20% so với cả nước.
Đây là năm thứ 4 thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện Chương trình Bình ổn thị trường theo hướng xã hội hóa, không sử dụng vốn ngân sách cho cả 04 chương trình. Tổng số doanh nghiệp tham gia: 86 doanh nghiệp (42 doanh nghiệp lương thực, 15 doanh nghiệp Mùa khai trường, 14 doanh nghiệp dược phẩm, 05 doanh nghiệp sữa và 10 Ngân hàng).
Nguồn vốn các ngân hàng tham gia đăng ký hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn thực hiện bình ổn thị trường là 12.900 tỷ đồng, tăng 1.050 tỷ đồng (+8,9%) so năm 2015 với lãi suất tương đương năm 2015 từ 5,5-7%/năm trong ngắn hạn và 9-10% trong trung, dài hạn.
Theo báo cáo của Sở Công Thương thành phố, tổng giá trị hàng hóa chuẩn bị sản xuất, dự trữ cung ứng cho 02 tháng Tết là trên 17 nghìn tỷ đồng, tăng 860 tỷ đồng (+5,3%) so với nguồn vốn chuẩn bị Tết Bính Thân 2016 (16,2 nghìn tỷ đồng), trong đó giá trị hàng bình ổn thị trường là trên 6,8 nghìn tỷ đồng. Trong đó 01 tháng cao điểm phục vụ Tết từ ngày 29/12/2016 đến 27/01/2017 (từ 01 đến 30 tháng Chạp Âm lịch), tổng giá trị hàng hóa của các doanh nghiệp chuẩn bị khoảng 9,7 nghìn tỷ đồng, giá trị hàng bình ổn thị trường khoảng 3,7 nghìn tỷ đồng.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc của Bộ Công Thương với Ủy ban nhân dân TP HCM vào sáng ngày 29/11, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa đánh giá cao công tác Bình ổn thị trường và chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết của TP HCM. UBND thành phố đã sớm chỉ đạo Sở Công Thương và các Sở ngành liên quan tổ chức triển khai kế hoạch chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết tới từng Sở ban ngành, quận, huyên, doanh nghiệp.
Thứ trưởng cũng yêu cầu UBND TP HCM chỉ đạo Sở Công Thương thành phố tiếp tục đưa vào ứng dụng thực tế mô hình của Đề án "Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo ứng dụng công nghệ thông tin” tại nhiều quận, huyện trong thành phố với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp sản xuất, phân phối hơn nữa nhằm cung cấp thêm công cụ hỗ trợ cho người dân trong việc lựa chọn thực phẩm an toàn. Tiếp tục làm tốt công tác thông tin tuyên truyền về công tác chuẩn bị Tết, Chương trình bình ổn giá cả thị trường, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, các họat động hưởng ứng Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, các điểm bán hàng bình ổn để người dân có thể tiếp cận được nguồn hàng bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm với giá hợp lý.