+Aa-
    Zalo

    Các phương pháp cơ bản xác định dấu vết tội phạm giết người

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Từ hiện trường vụ án, các chuyên viên giám định sẽ truy tìm dấu vân tay, vết máu... để có thể nhanh chóng tìm ra kẻ giết người.

    Từ hiện trường vụ án, các chuyên viên giám định sẽ truy tìm dấu vân tay, vết máu... để có thể nhanh chóng tìm ra kẻ giết người.
    Vào sáng 7/7, dư luận bàng hoàng về vụ án 6 người trong cùng một gia đình gồm cả trẻ em bị thảm sát dã man ở Bình Phước, chỉ duy nhất một em bé 18 tháng tuổi (con út nạn nhân) may mắn sống sót. Nhận được tin báo, ngay lập tức, công an đã bao vây, phong tỏa hiện trường án mạng để tìm manh mối điều tra hung thủ gây án.
    Có thể nói, mỗi vụ án xảy ra, hiện trường là đầu mối quan trọng nhất để truy tìm hung thủ. Từ những dấu vết để lại tưởng chừng như vô tri vô giác, các cảnh sát sẽ lần theo đó để truy tìm ra manh mối, bắt kẻ thủ ác phải lên tiếng.
    Vậy những phương pháp xác định dấu vết kẻ giết người đó là gì và những phương pháp nào giúp manh mối đó phải lên tiếng? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
    1. Dấu vân tay "biết nói"
    Nhìn thoáng qua, không ít người cho rằng, vân tay của bạn và người bên cạnh có vẻ không mấy khác nhau. Nhưng thực ra, dấu vân tay của mỗi người đều có những nét riêng biệt, đặc trưng cho từng cá thể như nơi kết thúc của đường vân tay, đường vân lớn hay bé, thiên về bên trái hay bên phải...

    Khi đến tuổi làm chứng minh thư, mọi người đều phải lăn các ngón tay để lại dấu vân tay trong tàng thư lưu trữ của cảnh sát, việc này sẽ giúp cơ quan giám định hình sự có thể xác định dấu vân tay hung thủ một cách nhanh, chính xác.
    Theo Tom Mauriello - giáo sư tội phạm học thuộc ĐH Maryland (Mỹ): "Dấu vân tay là bằng chứng vật chất thông thường nhất mà chúng ta có thể tìm thấy ngay tại hiện trường vụ án và chúng có thể tiềm ẩn khắp nơi”.

    Bởi vậy, giới khoa học luôn nghiên cứu để tìm ra phương pháp xác định dấu vân tay hiệu quả nhất. Thông thường, đội giám định sẽ rắc bột lên những bề mặt nghi vấn có dấu vân tay. Bột bám dính vào lớp mỡ do tay để lại, lớp bột thừa sẽ bị quét sạch và cuối cùng thu được dấu vân tay - giúp cảnh sát tìm ra đối tượng điều tra.
    Tuy nhiên, việc quét bỏ phần bột thừa có thể làm mờ dấu vân tay vốn rất mờ nhạt. Mặt khác, đối với những bề mặt thô hay xốp thì kỹ thuật này trở nên kém hiệu quả.
    Do đó, các chuyên gia Anh đã sử dụng mạt sắt cùng lớp keo đổ lên bề mặt hay tấm phim polymer tĩnh điện không dính để xác định dấu vân tay.
    Phần mạt sắt thừa bị lấy đi bằng nam châm và để lại dấu vân tay mà không làm hư hỏng. Còn tấm phim sẽ tạo hình trên bề mặt kim loại và đổi màu khi có một dòng điện chạy trên bề mặt đó.
    2. Vết máu - vật chứng thầm lặng
    Cùng với dấu vân tay, những vết máu khô đọng lại từ hiện trường vụ án cũng là dấu hiệu không thể bỏ qua của các nhân viên giám định.

    Theo đó, các vết máu thường được kiểm tra thông qua một hóa chất có tên là luminol. Hóa chất này sẽ phản ứng hóa học với nguyên tố sắt trong máu - hemoglobin (loại protein vận chuyển oxy của hồng cầu).
    Nhờ đó vết máu dù đã bị khô cũng sẽ phát quang ánh sáng xanh mà ngay cả trong đêm tối bạn cũng có thể nhìn thấy. Lúc này, các chuyên viên giám định sẽ thu thập vết máu và tiến hành xét nghiệm DNA để tìm ra chủ nhân thực sự của vết máu.

    Tuy nhiên, nhược điểm của việc sử dụng chất hóa học luminol là chúng có thể làm vết máu bị loãng, gây khó khăn cho việc xác định AND của nạn nhân.
    Do đó, các chuyên gia Mỹ đã chế tạo ra một chiếc camera có khả năng phóng tia hồng ngoại (IR), xác định hình ảnh của vật thể sau khi thu nhận ánh sáng phản chiếu bật trở lại ống kính. Một màng lọc chuyên dụng được đặt trước ống kính camera có thể làm cho vết máu đổi màu và nổi rõ trên màn hình.
    3. ADN - "nhà thám tử" đại tài
    Vào năm 1984, nhà di truyền học Alec Jeffreys tại ĐH Leicester (Anh) đã phát minh ra kỹ thuật nhận diện bằng ADN, mở ra phương pháp giám định mới cho công nghệ truy tìm tội phạm.

    Chính bởi cách sắp xếp rất đa dạng của những nucleotide trong ADN (Acid Deoxyribo Nucleic) khiến không một cá thể nào giống nhau về cấu trúc di truyền DNA và bạn trở nên "độc nhất vô nhị", trừ khi bạn có anh/chị em sinh đôi cùng trứng. Và nhờ đó, ADN trở thành "nhà thám tử" đại tài - một công cụ tiềm năng to lớn chống lại tội ác.
    Cấu trúc ADN không thay đổi trong suốt cuộc đời và có thể thu thập từ các mô đã bị hủy hoại, bị cháy bỏng nặng, xác thối rữa chôn lâu… Chỉ cần một sợi tóc, một cọng lông, mẩu da nhỏ, tàn thuốc lá, vết dính nước bọt, chất dịch… cũng đủ để xét nghiệm ADN.

    Khi các nhà điều tra đã tìm ra bằng chứng, họ sẽ đặt chúng vào một chiếc túi giấy hoặc phong bì và luôn được giữ ở nhiệt độ phòng, tránh ánh sáng Mặt trời hay nền nhiệt cao có thể làm hỏng bằng chứng.
    Những chiếc túi này sẽ được dán nhãn, ghi đầy đủ thông tin như vật liệu, nơi được tìm thấy và địa điểm được chuyển đến. Những thủ tục này sẽ đảm bảo mẫu bằng chứng sở hữu đầy đủ tính pháp lý để bắt đầu tiến hành phân tích.
    Sau khi có kết quả phân tích mẫu ADN thu thập tại hiện trường, nhà điều tra sẽ đối chiếu với mẫu ADN của đối tượng tình nghi để loại trừ nghi phạm hay đưa ra căn cứ buộc tội. Có thể nói, ADN là một công cụ đắc lực đối của những nhà điều tra khi có thể giúp họ phá án và tóm gọn hung thủ.
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cac-phuong-phap-co-ban-xac-dinh-dau-vet-toi-pham-giet-nguoi-a101247.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.