Trong một tuyên bố chung ngày 2/12 (giờ địa phương), 2 quốc gia ở Bắc Mỹ, Vương quốc Anh cùng Liên minh châu Âu (EU) đã công bố lệnh trừng phạt đối với Belarus, nói rằng họ đang "nhắm tới một số cá nhân và thực thể nhất định".
Động thái này là một phần của nỗ lực gây sức ép từ phương Tây lên Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko, người bị cáo buộc vi phạm nhân quyền và "dàn dựng" tình trạng di cư bất thường tại biên giới với EU.
Tuyên bố chung của các nước phương Tây nêu: "Chúng tôi vẫn cam kết ủng hộ nguyện vọng dân chủ của người dân Belarus và sẽ sát cánh cùng nhau để áp đặt một lệnh trừng phạt lên chế độ - và những người ủng hộ chế độ - trước những nỗ lực nhằm ngăn chặn tiếng nói của xã hội dân sự độc lập, truyền thông và tất cả những người Belarus đang tìm cách chia sẻ về những gì thực sự diễn ra tại đất nước họ".
Vương quốc Anh đã đóng băng tài sản của OJSC Belaruskali, một nhà sản xuất phân kali thuộc sở hữu nhà nước Belarus. Trong khi đó, Mỹ đã thắt chặt các biện pháp trừng phạt đối với công ty bị đưa vào "danh sách đen" hồi tháng 8 vừa qua. Washington cũng hạn chế các giao dịch tài chính trong các đợt phát hành trái phiếu mới thuộc công ty có chủ quyền Belarus.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết các lệnh trừng phạt nhằm vào chính phủ của ông Lukashenko vì đã đàn áp những người bất đồng chính kiến và vi phạm "các chuẩn mực quốc tế".
Ông Blinken phát biểu: "Các biện pháp này này cũng nhằm đáp trả việc Belarus nhẫn tâm lợi dụng những người di cư dễ bị tổn thương từ các quốc gia khác để dàn dựng hoạt động buôn người dọc theo biên giới với các nước EU".
Nói thêm về lệnh trừng phạt này, Ngoại trưởng Anh Liz Truss cũng cho biết: "Các biện pháp trừng phạt này tiếp tục nhắm vào các nguồn thu quan trọng của chính phủ ông Lukashenko và đặt ra nhiều hạn chế nghiêm trọng đối với những người có hành vi phản dân chủ tồi tệ ở Belarus".
Trong thời gian gần đây, các nước phương Tây đã đổ lỗi cho chính phủ Belarus về những cuộc khủng hoảng di cư ở khu vực biên giới nước này, tiếp giáp với các nước EU là Ba Lan, Lithuania và Latvia. Cụ thể, EU cáo buộc Minsk đã tạo điều kiện cho hàng nghìn người tị nạn, chủ yếu từ Trung Đông, đến biên giới của khối để đáp trả các lệnh trừng phạt của châu Âu đối với chính phủ ông Lukashenko. Tuy nhiên, phía Belarus đã bác bỏ các cáo buộc trên, gọi đó là điều "vô lý".
Vấn đề biên giới đã khiến hàng nghìn người tị nạn bị mắc kẹt trong tiết giời giá rét ở khu vực biên giới tiếp giáp EU. Ngày 2/12, Uỷ ban châu Âu (EC) đã đề xuất thêm một số biện pháp để thắt chặt quy định xin tại nạn tại các nước Ba Lan, Lithuania và Latvia.
Căng thẳng giữa chính phủ Belarus và phương Tây đã gia tăng từ tháng 8/2020 sau cuộc bầu cử tổng thống bị Mỹ tố là "gian lận", giúp ông Lukashenko tiếp tục tại vị thêm nhiệm kỳ thứ 6. Cuộc bầu cử trên đã thúc đẩy các cuộc biểu tình chống chính phủ hàng loạt ở Belarus.
Mỹ và các nước châu Âu đã áp đặt nhiều vòng trừng phạt đối với ông Lukashenko và chính phủ của ông trong năm qua.
Minh Hạnh (Theo Al Jazeera)