Sáng 5/9, cảnh sát Áo cho biết chỉ trong vài giờ, khoảng 2.500 - 3.000 người di cư đã từ Hungary vào Áo sau khi Hungary cho phép các xe buýt chở người di cư từ thủ đô Budapest tới biên giới. Trước đó, chính phủ Áo và Đức đã tuyên bố chấp nhận tiếp đón thêm hàng nghìn người di cư.
Phát biểu với hãng tin Press Agency của Áo, Cảnh sát trưởng bang Burgenland Hans Peter Doskozil cho biết, dòng người di cư vẫn đang tiếp tục đổ tới, cơ quan chức năng dự kiến phải huy động khoảng 17 - 18 xe buýt 2 tầng mới có thể đưa hết người di cư tới thủ đô Vienna, và có thể tiếp tục sang Đức.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Áo Sebastian Kurz tuyên bố dòng người di cư đổ về Áo ngày hôm nay là "hồi chuông cảnh tỉnh" đối với toàn châu Âu. Ông Kurz cũng chỉ ra rằng quyết định "mở cửa" Hungary ngày 4/9 để giải tỏa tình trạng ùn tắc hàng nghìn người di cư tại nhà ga đường sắt chính của thủ đô nước này chỉ là giải pháp tình thế cho một vấn đề rất cấp bách. Theo ông, không một nước nào có thể tự cho mình đứng bên ngoài vấn đề này.
Trong động thái bày tỏ sự chia sẻ với chính sách tiếp đón người di cư, Thủ tướng Phần Lan Juha Sipila tuyên bố sẵn sàng nhường lại ngôi nhà ngoại ô của mình để đón tiếp những người di cư. Ông hy vọng sẽ cổ vũ được thêm nhiều người khác cùng sẻ chia gánh nặng của cuộc khủng hoảng di cư hiện nay. Phần Lan dự kiến sẽ nhận khoảng 30.000 đơn xin nhập cư trong năm nay, cao hơn tới bảy lần so với năm ngoái.
Trước đó, ngày 4/9, Tổ chức Olympic Quốc tế (IOC) tuyên bố sẽ lập một quỹ hỗ trợ giải quyết khủng hoảng di cư tại châu Âu trị giá 2 triệu USD. Chủ tịch IOC Thomas Bach cho biết, trong bối cảnh những cuộc khủng hoảng kinh khủng đang bao trùm rộng khắp khu vực Trung Đông, châu Phi và châu Âu, giới thể thao và IOC muốn đóng góp phần mình vào việc cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho người tị nạn.
Trong khi hàng chục nghìn người di cư ồ ạt đổ về các nước cửa ngõ Liên minh châu Âu (EU) gây ra sự hỗn loạn cũng như lúng túng trong biện pháp xử trí, EU còn phải đối mặt với sự chia rẽ giữa các nước thành viên về giải pháp hiệu quả cho vấn đề khủng hoảng này. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker đề xuất đưa ra hạn ngạch bắt buộc cho các nước thành viên phải tái định cư cho tổng cộng 160.000 người tị nạn, bất chấp kế hoạch 40.000 trước đó đã vấp phải sự phản đối kiên quyết. Hiện Đức và Pháp ủng hộ đề xuất hạn ngạch bắt buộc trên, song ngày 4/9, Hungary, Séc, Ba Lan và Slovakia đã ra tuyên bố chung từ chối chấp nhận bất kỳ hạn ngạch nào.
Các ngoại trưởng và bộ trưởng Tư pháp EU sẽ nhóm họp khẩn cấp về vấn đề di cư vào ngày 14/9 tới đây tại Brussels (Bỉ).
Theo TTXVN
[mecloud]KVMGELhSFY[/mecloud]