Các nhà khoa học Trung Quốc đã trồng và thu hoạch thành công một giống lúa đặc biệt trong sa mạc của Dubai với công nghệ tận dụng nước mặn.
Một nhóm các nhà khoa học, đứng đầu là “cha đẻ” của công nghệ lai lúa giống của Trung Quốc, Yuan Longping, đã bắt đầu thử nghiệm trồng cây trong nước biển pha loãng tại phòng thí nghiệm và hiện đã đưa kỹ thuật này đến Trung Đông - nơi nguồn nước ngọt quá khan hiếm.
Theo một báo cáo của cơ quan thông tấn xã Xinhua, vụ thu hoạch lúa đầu tiên ở ngoại ô thành phố Dubai vượt xa sự mong đợi của các nhà khoa học.
Với năng suất đạt 7.500kg/ha so với mức trung bình toàn cầu là 3.000kg/ha là khởi đầu thuận lợi, đồng thời khuyến khích các nhà nghiên cứu mở rộng dự án. Hiện nay, họ dự định thành lập một trang trại thử nghiệm rộng 100 ha vào cuối năm 2018, đưa vào canh tác thường xuyên trong năm 2019 và mở rộng sau năm 2020.
Buổi thu hoạch lúa thử nghiệm tại ngoại ô thành phố Dubai - Ảnh: SCMP |
Mục tiêu của dự án là giúp cung cấp 10% nhu cầu lương thực của các Tiểu vương quốc Ả Rập, bao gồm thực hiện thâm canh trên diện tích 83.600km vuông.
Tân Hoa Xã cho biết đây là kết quả hợp tác giữa trung tâm nghiên cứu sử dụng nước mặn trong nông nghiệp của Trung Quốc với Văn phòng riêng của Sheikh Saeed Bin Ahmed Al Maktoum - một thành viên tỷ phú trong gia đình Hoàng gia Dubai.
Hiện nay, các quốc gia đang phải đối mặt với vấn đề thiếu nước nông nghiệp như Israel hay Australia đã phát triển các kỹ thuật khử mặn nhằm chuyển hóa nước biển thành nước ngọt. Trung Quốc đã nghiên cứu công nghệ này trong bốn thập kỷ qua.
Dự án tại Dubai mới chỉ thành công ở bước thử nghiệm nhưng tại quê nhà Trung Quốc, công nghệ này đã trở thành dịch vụ thương mại khá phổ biến ở các vùng thâm canh.
Thu Phương(Theo SCMP)