Những con số buồn
Kể từ khi những trường hợp mắc COVID-19 đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam từ năm 2020 tới nay, đã có nhiều đợt bùng phát dịch bệnh nghiêm trọng khiến các nhà hàng ăn uống phải tạm thời đóng cửa để phòng chống sự lây lan.
Đặc biệt, theo thông báo mới nhất của UBND TP.Hà Nội, kể từ 12h ngày 25/5, sẽ tạm dừng hoạt động nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn, uống tại chỗ,chỉ cho phép bán hàng mang về, khiến nhiều cơ sở kinh doanh không khỏi lao đao.
Chia sẻ với phóng viên Đời sống & Pháp luật, Anh Nguyễn Minh Trung, chủ quán cà phê, bánh ngọt Le JUS - The Fresh Vibes tại Hà Nội, chia sẻ: “Sau khi nhận được thông báo của UBND thành phố, từ sang 25/5, cửa hàng của mình đã không phục vụ khách tại chỗ mà chỉ bán cho khách mang về. Ngay cả trước đó, do lo ngại dịch bệnh khiến người dân hạn chế ra đường nên cửa hàng cũng gần như mất hẳn doanh thu. Doanh thu ròng hàng ngày giảm tới 60%”.
Trong khi đó, anh Đặng Việt Anh, chủ nhà hàng Fin BBQ – Buffet Lẩu Nướng, cũng bày tỏ những khó khăn tương tự. Anh Việt Anh tâm sự: “Đợt dịch này ảnh hưởng tính đến thời điểm hiện tại chưa nghiêm trọng bằng đợt trước. Hiện 2 cơ sở lẩu/nướng của mình mới phải đóng cửa 8 ngày do chỉ đạo của Phường. Đợt trước thì phải đóng cửa 1 tháng. Tuy nhiên diễn biến của dịch khó lường nên chưa nói trước được gì tính đến thời điểm hiện tại”.
Việc phải đóng cửa nhà hàng ăn uống đã kéo theo nhiều thiệt hại đáng kể bao gồm giảm doanh thu. Trong đó, 2 cơ sở kinh doanh của anh Việt Anh giảm tới 70-80%.
Các chủ nhà hàng tìm đường tồn tại
Trước những khó khăn và thiệt hại do dịch bệnh gây ra, không ít nhà hàng nhỏ lẻ đã phải đóng cửa hoàn toàn vì không đủ năng lực tài chính. Trong khi đó, một vài nơi vẫn đang loay hoay tìm cách vượt qua từng “làn sóng” dịch.
Chia sẻ về những giải pháp tạm thời của mình, anh Việt Anh cho biết: “Để trang trải tiền thuê nha, nhân công tạp vụ. Anh đã tổ chức cắt giảm nhân sự tương ứng với mức sụt giảm doanh thu. Tuy nhiên do cầu của toàn thị trường sụt giảm rất lớn nên biện pháp này chỉ mang tính chất bù lỗ tiền thuê nhà”.
Anh Trung, một chủ nhà hàng, cũng bày tỏ quan điểm tương tự. Anh cho biết giống như nhiều cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống khác, quán cà phê của anh đã đẩy mạnh bán hàng online thông qua mạng xã hội Facebook, Zalo, các app bán đồ ăn online như Now, Grap,… thậm chí điện thoại tư vấn, giao hàng đến tận nhà cho khách nhưng có vẻ như cũng không hiệu quả.
“Mặc dù mở bán online nhưng số lượng đơn rất ít, thậm chí có ngày không có đơn nào. Kinh doanh mùa dịch chỉ có chi phí là tăng. Tiền mặt bằng, tiền lương cho nhân viên cùng nhiều khoản chi tiêu khác. Nhiều anh chị em kinh doanh cùng lĩnh vực với tôi đã phải sang nhượng cửa hàng vì vừa mới gồng gánh qua đợt giãn cách xã hội chưa kịp hồi phục thì lại tiếp tục dịch bệnh khiến họ chán nản, kiệt quệ”, anh Trung chia sẻ.
Liên quan tới việc tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, Tiến sẽ Lê Đăng Doanh (SN 1942), nguyên là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, cho biết: "Việc quan trọng đầu tiên cần làm lúc này là ủng hộ chính phủ kiểm soát dịch bệnh trước. Còn dịch bệnh COVID-19 chắc chắn sẽ làm cho các lĩnh vực kinh tế-xã hội thay đổi. Tôi nghĩ cần có một sự xem xét, phân tích và đánh giá rằng kinh tế tương lai sẽ thay đổi như thế nào; các lĩnh vực sẽ chuyển qua kinh doanh online và thương mại điện tử ra sao? Có thể làm theo cách này thì giảm sút, nhưng theo mô hình khác lại phát triển lên”.
Theo đó, trong khi nhiều nhà hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống theo hướng nhỏ lẻ thường lựa chọn các giải pháp tạm thời để chống chọi với dịch bệnh thì trường hợp của anh Chu Nguyễn Hoàng Long, chủ quán cà phê Hầm trú ẩn, lại có phần “lạc quan” hơn.
Anh chia sẻ: “Là lần thứ 2 đối đầu với COVID-19, mặc dù có ảnh hưởng nghiêm trọng hơn lần đầu tuy nhiên đối với Hầm, chúng mình lại có sự chuẩn bị khá ổn. Kiểu đã sống quen với lũ, việc chuẩn bị thích nghi cũng tốt hơn, khách của Hầm cũng không bỡ ngỡ với việc yêu cầu đeo khẩu trang, ngồi giãn cách hay sát khuẩn tay nữa”.
Theo đó, anh Long cho rằng khó khăn lớn nhất đối với các cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ có lẽ nằm ở việc vượt qua sự khao khát về lợi nhuận mà đảm bảo lượng khách đúng quy định, từ chối khách sao cho khéo léo để khách không phật lòng khi quán đã đông, bảo đảm nguyên tắc phòng chống dịch.
Ngoài ra, anh nhận xét tình trạng này vốn đã được dự báo từ trước, nên bản thân anh và những nhân viên của cửa hàng cũng có sự chuẩn bị sẵn sàng để đương đầu với dịch bệnh.
Anh chia sẻ: “Với các hệ thống ở quy mô vừa và nhỏ như chúng mình, việc sắp xếp, tính toán và điều chỉnh giờ làm từng ca sao cho phù hợp là cực kì quan trọng. Tối ưu số nhân viên cho từng khung giờ để tránh tình trạng lúc vắng thì nhiều nhân sự còn khi đông lại chẳng đủ người không xảy ra”.
Ông chủ quán cà phê Hầm còn có chiến lược chi tiêu rõ ràng, tiết kiệm tối đa các chi phí từ điện, nước... cho đến các vật dụng như ống hút, giấy ăn... Mua nguyên vật liệu ở thời điểm này cũng cần có sự tính toán kĩ lưỡng hơn, không nhập ồ ạt như trước mà nhập vừa đủ, hợp lý theo ngày một để tránh việc đồ bị hỏng, vừa tốn tiền mà đồ lại không đạt chất lượng tốt nhất.
Anh Long nhận xét: “Nhiều chủ cửa hàng thường cho rằng chỉ vài trăm đồng không đáng là bao nhưng bản chất không phải như vậy. Mỗi đơn vị chúng ta tiết kiệm vài trăm, vài nghìn đồng thì mỗi ngày chúng ta tiết kiệm hàng trăm nghìn, thậm chí tiền triệu trên tất cả các cơ sở”.
Bích Thảo – Nguyễn Quỳnh – Minh Hạnh
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ