Nước đá
Nước đá không giúp hạ nhiệt mà còn gây ra viêm họng và bệnh hô hấp. Uống lúc cơ thể đang nóng, tiết mồ hôi nhiều khiến bạn mất nước và mau khát hơn, các mạch máu trong dạ dày và ruột co thắt lại dễ dẫn đến đau bụng cấp. Nhiều người có thói quen uống một lúc thật nhiều nước khiến cơ thể bị sốc, quá tải.
Khi đi nắng về, bạn nên uống một cốc nước mát để cơ thể sẽ hạ nhiệt từ từ và có thời gian thích nghi với nhiệt độ mới.
Uống nước giải khát có gas
Nhiều người lầm tưởng uống nước giải khát có gas sẽ giúp đánh tan cơn khát nhưng thực sự lại không phải thế, thậm chí còn làm mất nước và ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe. Nước ngọt có gas thường chứa hàm lượng cafein nhất định. Chất này không những gây kích thích, nghiện hay tăng lực cho người uống mà còn là chất lợi tiểu.
Vì thế, cơ thể của bạn rất dễ mất nước khi uống nhiều. Nước ngọt có gas chứa nhiều chất trong đó chất ngọt nhân tạo, nếu uống hết một chai nước ngọt có gas vào mỗi ngày tức là bạn đã tăng thêm một lượng đường vào cơ thể và nguy cơ mắc đái tháo đường, tim mạch và sức khỏe răng miệng.
Thêm vào đó, khi thận phải làm việc nhiều hơn để bài tiết nước ngọt có gas sẽ dễ bị tổn thương hơn. Các hóa chất cũng như chất ngọt trong loại nước này cũng làm thận dễ bị oxy hóa và tổn thương.
Chất ngọt, cafein là những chất gây hại cho da, tình trạng oxy hóa khiến da dễ bị viêm, mụn trứng cá, lão hóa, sạm, da không đều màu. Quá nhiều chất ngọt và cafein còn gây khó ngủ, khiến mắt quầng thâm, nhiều nếp nhăn.
Nước tăng lực
Caffeine trong nước tăng lực cũng đóng vai trò như chất lợi tiểu và khiến bạn mất nước nghiêm trọng, đặc biệt nếu bạn đang tập thể dục và đổ mồ hôi nhiều, nhất là khi thời tiết nắng nóng.
Không chỉ có caffeine, các loại nước tăng lực thường chứa nhiều đường. Khi uống nước tăng lực, mọi người đều không có thói quen uống nhấm nháp, nhâm nhi từng ngụm hay từng hớp mà sẽ uống một lượng lớn, và vì thế cơ thể sẽ phải “chấp nhận” một lượng lớn caffeine và đường. Lượng caffeine lớn chính là lý do gây nên những hệ lụy xấu với hệ thần kinh, gây bất ổn về tâm lý, mất ngủ, tăng huyết áp, khiến cho nhịp tim thất thường hoặc gặp phải những rắc rối về dạ dày.
Uống nhiều nước lạnh đóng chai chứa đường
Hầu hết các loại nước ép trái cây đóng hộp, đóng chai sẵn hoặc đồ uống ướp lạnh đều chứa hàm lượng đường rất lớn. Lượng đường này có thể tạm thời làm tăng mức độ năng lượng của cơ thể nhưng cũng có thể làm giảm năng lượng nhanh chóng sau đó. Vì vậy, thay vì uống nước ép trái cây đóng chai/hộp sẵn, chúng ta nên ăn trái cây tươi hoặc tự dùng nước ép trái cây tươi và hạn chế tối đa đường.
Trà và cà phê
Nếu có thói quen uống trà hay cafe nhiều mỗi ngày, nên cố gắng hạn chế uống vào mùa hè. Như trên đã phân tích, đồ uống chứa cafein sẽ làm mất nước nhiều hơn. Ngoài cafein, trong trà và cà phê còn có tanin và carbon sẽ làm cơ thể nóng hơn.
Dù sử dụng cafe hay trà có đá hoặc không có đá, đặc hay loãng đều có thể làm tăng nguy cơ mất nước.
Các chất cafein, tanin, carbon trong cafe và trà đều là những chất gây hại cho da. Hơn nữa, các chất này gây kích thích, khó ngủ. Vì thế làn da không được tái tạo, phục hồi đúng thời điểm tốt nhất trong giấc ngủ, sẽ dẫn đến quầng thâm ở mắt, nám sạm, lão hóa...
Nên uống nước như thế nào để giải nhiệt khi trời nắng nóng?
Khi khát nước, nhiều người có xu hướng uống từng ngụm lớn với lượng lớn nước một lúc để thỏa cơn khát. Mặc dù cơ thể có cơ chế cân bằng, nhưng nếu uống nhiều nước, đặc biệt là nước lọc cùng lúc sẽ dẫn đến tình trạng nhược trương. Tức là cơ thể sẽ bị thiếu natri, dẫn đến cảm giác khó chịu, buồn nôn và mệt hơn.
Giải pháp tốt nhất là phải uống nước đều đặn và uống trước khi thực sự có cảm giác khát. Nước giải khát lý tưởng nhất là nước lọc, nước đun sôi để nguội.
Ngoài ra, có thể sử dụng thêm các loại nước thanh nhiệt (rau má, nước vối), nước ép từ rau hoặc trái cây, chè đậu đen, đậu xanh.
Với các loại quả, nên chọn các loại quả ít đường như dưa (hấu, chuột, gang), chanh, mướp đắng, lê, cam, quýt...
Như Quỳnh(T/h)