Biển báo giao thông được chia thành 5 nhóm tương đương với ý nghĩa của từng loại biển gồm: Biển báo cấm; Biển báo nguy hiểm; Biển hiệu lệnh; Biển chỉ dẫn; Biển phụ để thuyết minh bổ sung cho các loại biển nêu trên.
Một trong những biển báo quan trọng được quy định trong Quy chuẩn 41 là biển báo về tốc độ, người điều khiển phương tiện cần hết sức lưu ý điều chỉnh tốc độ di chuyển phù hợp vừa đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông vừa tránh bị xử phạt vi phạm hành chính nếu chạy quá tốc độ cho phép được ghi trên biển báo.
Biển báo giới hạn tốc độ cho phép
* Biển báo tốc độ tối đa
- Biển số P.127 “Tốc độ tối đa cho phép”.
Biển có hiệu lực cấm các loại xe cơ giới chạy với tốc độ tối đa vượt quá trị số ghi trên biển trừ các xe được ưu tiên theo quy định. Người điều khiển phương tiện cần căn cứ vào điều kiện cụ thể khác tại thời điểm di chuyển như khí hậu thời tiết tình trạng mặt đường, tình hình giao thông, phương tiện, điều kiện sức khỏe để điều khiển phương tiện với tốc độ phù hợp, an toàn và không di chuyển quá giá trị ghi trên biển.
- Biển số P.127a: Tốc độ tối đa cho phép về ban đêm;
Áp dụng biển số P.127a là biển đặc thù được áp dụng cho một số trường hợp qua khu đông dân cư vào ban đêm nhằm mục đích nâng cao tốc độ di chuyển khi đường ít xe chạy. Đúng như tên gọi, biển báo này chỉ có hiệu lực trong thời gian ghi trên biển và trong phạm vi từ vị trí đặt biển đến vị trí biển số R.421 “Hết đoạn đường qua khu đông dân cư”. Thông thường, biển báo này được đặt sau vị trí biển số R.420 “Đoạn đường qua khu đông dân cư”.
- Biển số P.127b: Biển ghép tốc độ tối đa cho phép trên từng làn đường;
Khi quy định tốc độ tối đa cho phép trên từng làn đường, nếu chỉ sử dụng biển đặt bên đường hoặc trên cột cần vươn hay giá long môn, sử dụng biển số P.127b. Xe chạy trên làn nào phải tuân thủ tốc độ tối đa cho phép trên làn đường đó.
- Biển số P.127c: Biển ghép tốc độ tối đa cho phép theo phương tiện, trên từng làn đường;
Khi quy định tốc độ tối đa cho phép theo phương tiện trên từng làn đường, sử dụng biển số P.127c. Các loại phương tiện phải đi đúng làn đường và tuân thủ tốc độ tối đa cho phép trên làn đường đó.
* Biển báo tốc độ tối thiểu được phép di chuyển
Biển số R.306: Tốc độ tối thiểu cho phép
Biển có giá trị báo cho người tham gia giao thông biết hiệu lực của biển số R.306 hết tác dụng, kể từ biển này các xe được phép chạy chậm hơn trị số ghi trên biển nhưng không được gây cản trở các xe khác.
Biển báo tốc độ tối thiểu là biển báo hiệu lệnh buộc người tham gia giao thông phải tuân thủ. Trường hợp cố tình vi phạm, tùy vào phương tiện vi phạm mà người tham gia giao thông sẽ bị phạt với các mức khác nhau.
Biển báo hết khu vực hạn chế tốc độ
- Biển số DP.134: Hết tốc độ tối đa cho phép;
Biển có giá trị báo cho người tham gia giao thông biết hiệu lực của biển số P.127 hết tác dụng. Kể từ biển này, các xe được phép chạy với tốc độ tối đa đã quy định trong Luật Giao thông đường bộ.
- Biển số DP.135 “Hết tất cả các lệnh cấm”
Biển có giá trị báo hết đoạn đường mà nhiều biển báo cấm cùng hết hiệu lực.
- Biển số DP.127 “Biển hết tốc độ tối đa cho phép theo biển ghép”
Biển này có giá trị báo hết đoạn đường tốc độ tối đa cho phép theo biển ghép. Kể từ biển này, các xe được phép chạy với tốc độ tối đa đã quy định trong Luật Giao thông đường bộ.
Lỗi vi phạm tốc độ cho phép trên biển báo bị xử lý như thế nào?
1. Mức phạt với ô tô
- Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 05 km/h đến dưới 10 km/h (Điểm a Khoản 3 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).
- Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 10 km/h đến 20 km/h (Điểm i Khoản 5 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi tại điểm đ Khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP).
Ngoài ra, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 đến 03 tháng (Điểm b Khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP);
- Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 20 km/h đến 35 km/h (Điểm a Khoản 6 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).
Ngoài ra, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 đến 04 tháng (Điểm c Khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 35 km/h (Điểm c Khoản 7 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).
Ngoài ra, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 đến 04 tháng (Điểm c Khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).
2. Mức phạt với mô tô, xe gắn máy
- Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 05 km/h đến dưới 10 km/h (Điểm c Khoản 2 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (được sửa đổi tại điểm k khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP)).
- Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 10 km/h đến 20 km/h (Điểm a Khoản 4 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (được sửa đổi tại điểm g khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP)).
- Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 20 km/h (Điểm a Khoản 7 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).
Ngoài ra, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 đến 04 tháng (Điểm c Khoản 10 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).
B.A