+Aa-
    Zalo

    Các Đại biểu Quốc hội lên tiếng về vấn đề Biển Đông

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Dư luận và cử tri cả nước đang từng ngày dõi theo diễn biến liên quan đến Biển Đông.

    (ĐSPL) - Dư luận và cử tri cả nước đang từng ngày dõi theo diễn biến liên quan đến Biển Đông. Nhiều ý kiến cho rằng, việc Trung Quốc ngang nhiên tiến hành các hoạt động cơi nới, xây dựng các công trình dân sự và quân sự trá hình tại khu vực quần đảo Trường Sa còn nghiêm trọng hơn việc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 cách đây một năm.

    Tại nghị trường Quốc hội, nhiều Đại biểu cũng không khỏi lo ngại về cách hành xử trên Biển Đông của Trung Quốc, đồng thời đề nghị Chính phủ báo cáo, Quốc hội tỏ rõ thái độ về vấn đề này. 

    Bên hành lang Quốc hội, PV báo ĐS&PL đã có cuộc trao đổi với Đại biểu Phạm Tất Thắng - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long) để làm rõ vấn đề trên.

    ĐBQH Phạm Tất Thắng.

    Hiện cử tri cả nước đang hết sức quan tâm đến vấn đề Biển Đông. Với tư cách là một Đại biểu Quốc hội theo ông, Quốc hội cần thể hiện quan điểm như thế nào?

    Vấn đề chủ quyền của đất nước luôn nhận được sự quan tâm của tất cả cử tri. Đương nhiên, đó cũng là sự quan tâm của các đại biểu của nhân dân – ĐBQH và cả Quốc hội. Như chúng ta đã biết, hiện nay, vấn đề Biển Đông đang diễn biến hết sức phức tạp do hành động đơn phương của Trung Quốc. Cử tri và các ĐBQH đang rất quan tâm xem chúng ta có những đối sách như thế nào để đảm bảo được chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Bên cạnh đó, vẫn phải giữ được hòa bình, quan hệ hữu nghị với các nước láng giềng. Tôi cho rằng, đây là câu hỏi lớn hiện nay.

    Trong các buổi tiếp xúc cử tri, người dân đặt rất nhiều câu hỏi với ĐBQH về vấn đề Biển Đông và mong muốn có được những quan điểm rõ ràng. Vậy, hiện nay, thông tin của ĐBQH về tình hình Biển Đông đã đầy đủ chưa, thưa ông?

    Hiện nay, các cơ quan thông tấn báo chí đã truyền tải thông tin Biển Đông rất nhanh và kịp thời. Tôi và các ĐBQH khác cũng có được các thông tin tương đối cập nhật. Tuy nhiên, đó chỉ là những thông tin qua “kênh” báo chí, còn thông tin riêng cho đại biểu về vấn đề này thì chúng tôi lại chưa có.

    Chính vì thế, ngay phiên trù bị trước kỳ họp này, đã có ý kiến của ĐB đề nghị Quốc hội cần tỏ rõ thái độ về vấn đề Biển Đông và cho cử tri cả nước biết. Ý kiến trên đã nhận được sự đồng tình của Quốc hội và lãnh đạo Quốc hội. Sau đó, chương trình kỳ họp đã được bổ sung nội dung Quốc hội nghe báo cáo tình hình Biển Đông hiện nay.

    Năm 2014, khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Quốc hội cũng đã ra tuyên bố về vấn đề này. Nhiều ý kiến cho rằng, tại kỳ họp lần này, Quốc hội cần đưa ra Nghị quyết riêng về Biển Đông. Xin ông cho biết quan điểm của mình về ý kiến này?

    Hai thời điểm đều liên quan đến vấn đề Biển Đông nhưng ở hai góc độ khác nhau. Thời điểm trước, Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào lãnh hải của nước ta, còn ở kỳ họp này, Trung Quốc ngang nhiên và có động thái đẩy nhanh việc nhân tạo hóa các đảo mà Trung Quốc chiếm giữ trái phép của Việt Nam. Đây là nội dung hết sức quan trọng, tôi nghĩ cần tiếng nói chính thức từ phía Nhà nước chúng ta.

    Tuy nhiên, tiếng nói ở mức độ nào thì lãnh đạo Quốc hội và Quốc hội sẽ cân nhắc, phụ thuộc vào tình hình ngoại giao cụ thể của đất nước. Chúng tôi tin rằng, Đảng, Nhà nước sẽ có quyết sách phù hợp, làm sao vừa thể hiện được thái độ của chúng ta, vừa đảm bảo hai yếu tố: Chủ quyền, độc lập, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước; vừa giữ được quan hệ hòa bình, hữu nghị với các nước trong khu vực.

    Thực tế, đây là bài toán khó nhưng tôi tin rằng lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cũng như Quốc hội sẽ có các quyết sách phù hợp.

    Việc ngư dân bám biển, vừa làm kinh tế vừa bảo vệ chủ quyền đất nước cũng rất được quan tâm. Mới đây, có ý kiến cho rằng nên thành lập riêng bộ Kinh tế Biển để việc quản lý tốt hơn. Quan điểm của ông về đề xuất này như thế nào?

    Mỗi phương án đều có ưu và nhược điểm riêng. Nếu đề xuất thành lập bộ Kinh tế Biển cũng không phải không có lý. Bởi đất nước chúng ta có chiều dài bờ biển, vùng thềm lục địa lớn... việc tập trung đầu tư và khai thác sẽ mang lại hiệu quả hơn. Thế nhưng, biển lại liên quan đến nhiều lĩnh vực khác: Quốc phòng an ninh, thủy sản, môi trường, thủy văn, hoạt động an sinh xã hội cho người dân vùng biển...

    Như vậy, việc thành lập bộ Kinh tế Biển và phối hợp với các ngành khác như thế nào lại là câu hỏi cần trả lời. Trước đây, chúng ta đã có bộ Thủy sản, và bây giờ trực thuộc bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn.

    Bộ Thủy sản trước đây không phản ánh được tính chất đa ngành như hiện nay, thế nên tôi cho rằng đây là bài toán về tổ chức cần giải quyết ở đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa tới.


    Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, đoàn đại biểu Quốc hội Hải Dương: Phải dựa vào luật pháp quốc tế

    Bên hành lang Quốc hội chiều 28/5 chia sẻ với PV, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, nguyên Thứ trưởng bộ Quốc phòng, đoàn đại biểu Quốc hội Hải Dương cho biết, Quốc hội cần phải nghe báo cáo của Chính phủ về Biển Đông trước, trên cơ sở đó sẽ cân nhắc có nên thảo luận về việc này hay không.

    “Chính phủ và Quốc hội phải có phương án thống nhất”, ông Rinh nói. Theo Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, những việc chúng ta làm trước hết phải dựa vào luật pháp quốc tế. Chủ quyền của Việt Nam là bất di bất dịch, nếu không kiện thì chủ quyền vẫn thuộc về Việt Nam. “Chúng ta có quyền khởi kiện, nhưng kiện như thế nào cần phải tính”, Tướng Rinh nói.

    ĐB Lê Nam – Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa: Trung Quốc đang muốn đóng những “cột mốc” vĩnh cửu trên Biển Đông

    Về vấn đề Trung Quốc tiến hành các hoạt động cơi nới, xây dựng các công trình dân sự và quân sự trá hình tại khu vực quần đảo Trường Sa, tôi đã nói về việc này đồng thời với lúc diễn ra câu chuyện về giàn khoan Hải Dương 981. Khi tôi nói đến câu chuyện Trung Quốc đang xây những bức trường thành trên Biển Đông, có vẻ như có một số người không đồng tình lắm.

    Nhưng thực tế gần đây lại càng cho thấy mưu đồ của Trung Quốc. Họ muốn đóng những “cột mốc” bằng việc xây dựng các công trình đồ sộ, trường tồn, vĩnh cửu trên Biển Đông chứ không phải công trình đơn giản. Và nếu để họ ngang nhiên xây dựng những công trình vĩnh cửu như vậy trên lãnh thổ Việt Nam thì có nghĩa chúng ta đang mất đi những phần lãnh thổ thiêng liêng của mình.

    Tôi rất đồng tình với quan điểm Quốc hội nên nghe báo cáo và thảo luận về vấn đề này. Còn việc có ra Nghị quyết hay không, tỏ thái độ thế nào, có biện pháp gì... thì tùy thuộc vào ý kiến của số đông ĐBQH. Theo ý kiến cá nhân, tôi thấy Quốc hội phải bày tỏ thái độ, bởi Quốc hội đại diện cho nhân dân, trong lúc cử tri bức xúc, nhân dân mong đợi thì Quốc hội nên có ứng xử phù hợp với mong muốn của cử tri. Đây là điều cần thiết vào lúc này.

    HƯƠNG ANH

    Xem thêm video:

    [mecloud]dugvkS8OeQ[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cac-dai-bieu-quoc-hoi-len-tieng-ve-van-de-bien-dong-a97376.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.