+Aa-
    Zalo

    Các cựu binh Không quân Mỹ kể về cuộc chạm trán với MiG-29

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Tiêm kích đa năng thế hệ thứ tư MiG-29 là câu trả lời đối với việc F-15, F-16 của Mỹ ra đời và là mối hiểm họa đáng ngại đối với những phi công phương Tây.

    Tiêm kích đa năng thế hệ thứ tư MiG-29 là câu trả lời đối với việc F-15, F-16 của Mỹ ra đời và là mối hiểm họa đáng ngại đối với những phi công phương Tây. Thông tin này do The Aviation Geek Club chia sẻ.

    Ảnh: Ramil Sitdikov/RIA Novosti

    Trong số các nước từng sử dụng MiG-29, có cả Đông Đức. Những máy bay này tiếp tục phục vụ sau khi nước Đức thống nhất, thậm chí không chỉ trong thành phần các lực lượng phản ứng nhanh, mà còn với vai trò kẻ địch giả định tại những cuộc tập trận của các nước NATO.

    Những tiêm kích phương Tây đầu tiên chạm trán với các máy bay Liên Xô trong trận không chiến huấn luyện là F-16 của Phi đội tiêm kích 510 thuộc Không quân Mỹ.

    Theo lời đại uý Mike McCoy, một trong số phi công của phi đội, những đặc điểm chính của MiG-29 là khả năng bay lượn tốt ở tốc độ thấp và hệ thống chỉ dẫn mục tiêu tích hợp mũ phi công.

    Viên phi công Mỹ lưu ý rằng, trận chiến với MiG giống như với F-18 Hornet, tuy nhiên chiếc tiêm kích Liên Xô có một ưu thế quan trọng – nó nhanh và mạnh hơn F-18. Cả hai chiếc đều có thể bay lượn ở tốc độ thấp, tuy nhiên F-18 phải hạ độ cao để lấy lại tốc độ, và vào thời điểm đó, kẻ địch có cơ hội tiếp cận vị trí thuận lợi hơn.

    Ngoài ra, phi công của MiG có thể phóng tên lửa R-73 nhằm vào mục tiêu ở góc tối đa 45 độ theo trục dọc của máy bay.

    Ảnh: Andrei Alexandrov/RIA Novosti

    Hệ thống chỉ dẫn mục tiêu tích hợp trên mũ phi công cũng gây ra những vấn đề cho người Mỹ. McCoy nhớ rằng hệ thống này nguy hiểm hơn người ta tưởng.

    “Mỗi lần, khi tôi tiến sát tới MiG-29, tôi phải phóng ra các bẫy để tránh khỏi R-73”, phi công này tuyên bố. Thêm một phi công F-16 – thượng tá Gary West, cựu chỉ huy Phi đội 510 cũng đồng tình với điều này.

    “Một vài phi công của chúng tôi nghĩ rằng kính ngắm được gắn trên mũ phi công MiG-29 sẽ đặt dấu chấm hết cho một trận cận chiến bay lượn cơ động”. Tuy nhiên, sau này đã xác định được rằng ở tốc độ cao, các phi công F-16 có nhiều cơ hội chiến đấu với MiG hơn ở tốc độ thấp.

    McCoy và các phi công Mỹ khác có được cơ hội cất cánh cùng với MiG-29, trong quá trình bay họ đã nhận thấy một vài khiếm khuyết của chiếc máy bay. “Tầm nhìn từ buồng lái cần phải được cải thiện, và yếu điểm này đã mang lại cho chúng tôi ưu thế thực sự”, ông nói.

    Đại uý Michael Raubbah, từng là phi công MiG-29, đã khẳng định sự chính xác của ý kiến này: “Tầm quan sát của chúng tôi không tốt như trên F-15 và F-16. Theo lời sĩ quan này, điều đó không hỗ trợ khả năng nhìn trực diện và vecto nâng tối ưu cùng lúc. “Điều này có thể là vấn đề thực sự, đặc biệt trong trận chiến với máy bay không lớn như F-16”, phi công người Đức nói chắc nịch.

    Thêm một sĩ quan Đức, đại uý Oliver Prank giải thích rằng, MiG-29 không được tạo ra để triển khai cận chiến, mặc dù nó được Không quân Đông Đức sử dụng với vai trò máy bay đánh chặn.

    “Chiếc máy bay được thiết kế để đạt tới độ cao cần thiết, tăng tốc siêu thanh, phóng tên lửa và trở về nhà”, phi công này nhấn mạnh. Và lưu ý rằng, giá treo các bình nhiên liệu phụ hạn chế khả năng của chiếc máy bay – khi mang chúng, MiG-29 không thể đạt được vận tốc siêu thanh.

    Bất chấp những khiếm khuyết này, MiG-29 là đối thủ đáng gồm, theo đại uý Mike McCoy. “Kinh nghiệm đã khẳng định những gì tôi biết – MiG-29 có khả năng quay đầu và triển khai không chiến trong không gian hẹp. Tuy nhiên sự run sợ trước nó đã biến mất sau chuyến bay đầu tiên”, phi công Mỹ hồi tưởng.

    Cả thượng tá Gary West cũng có ý kiến tương tự. “Khi các phi công phương Tây lần đầu tiên chạm trán với MiG, họ, thông thường, nhìn nó với sự cung kính, thay vì chiến đấu với nó. Họ khâm phục chiếc máy bay do Liên Xô sản xuất, thứ mà họ mất nhiều thời gian để nghiên cứu. Tuy nhiên, sau cuộc gặp đầu tiên, cảm giác này sẽ trôi qua. Họ biết làm thể nào để chiến đấu với nó và trong tình huống nào có thể rơi vào khó khăn. Bạn không biết được điều đó nếu chỉ đọc các báo cáo”, sĩ quan này nhấn mạnh.

    NAM HIẾU (Theo rg.ru)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cac-cuu-binh-khong-quan-my-ke-ve-cuoc-cham-tran-voi-mig-29-a284806.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan