Hướng dẫn xác định tài sản công được dùng để kinh doanh, những thủ tục hành chính mới trong lĩnh vực dầu khí, điều kiện để trẻ mẫu giáo được hỗ trợ tiền ăn trưa, là những quy định mới có hiệu lực trong dịp nghỉ Tết Mậu Tuất 2018 (từ ngày 14 - 20/2/2018).
Điều kiện để trẻ mẫu giáo được hỗ trợ tiền ăn trưa
Nghị định 06/2018/NĐ-CP quy định chính sách hỗ trợ ăn trưa đối với trẻ em mẫu giáo và chính sách đối với giáo viên mầm non có hiệu lực thi hành từ ngày 20/2/2018.
Trẻ em thích thú với ông Đồ cho chữ tại trường Mầm non Hoa Sen, TP Vinh. Ảnh: Bích Huệ/TTXVN |
Theo đó, trẻ em đang học tại lớp mẫu giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non đảm bảo một trong những điều kiện sau được hỗ trợ tiền ăn trưa:
- Có cha mẹ hoặc có cha hoặc có mẹ hoặc có người chăm sóc trẻ em hoặc trẻ em thường trú ở xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
- Không có nguồn nuôi dưỡng được quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định 136/2013/NĐ-CP.
- Là nhân khẩu trong gia đình thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Cũng theo Nghị định này, trẻ em thuộc trường hợp nêu trên được hỗ trợ tiền ăn trưa bằng 10% mức lương cơ sở/trẻ/tháng (tương đương 130.000 đồng/trẻ/tháng) thời gian hỗ trợ tính theo số tháng học thực tế (nhưng không quá 9 tháng/năm học).
Hướng dẫn xác định tài sản công được dùng để kinh doanh
Thông tư 144/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính có hiệu lực từ ngày 15/2/2018 hướng dẫn một số nội dung của Nghị định 151/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật quản lý, sử dụng tài sản công.
Theo đó, khi xác định loại tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập được dùng để kinh doanh thì tài sản được xác định đáp ứng yêu cầu đúng mục đích được giao là những tài sản phục vụ cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đơn vị và tài sản phục vụ hoạt động hỗ trợ cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ đó.
Cụ thể, đối với đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực y tế: Tài sản phục vụ cho việc thực hiện nhiệm vụ của đơn vị gồm: hoạt động phòng bệnh; khám, chữa bệnh; nghiên cứu khoa học; đào tạo và các hoạt động khác; Tài sản phục vụ hoạt động phụ trợ, hỗ trợ trực tiếp cho việc thực hiện nhiệm vụ gồm: cung cấp dịch vụ ăn uống; trông, giữ xe cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cảu đơn vị, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, khách đến giao dịch, công tác; giới thiệu, trưng bày, kinh doanh, cung cấp các sản phẩm trong lĩnh vực y tế; giặt là; khử khuẩn; vệ sinh; dịch vụ lưu trú cho người nhà bệnh nhân.
Đối với đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề: Tài sản phục vụ cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đơn vị gồm: hoạt động giảng dạy, học tập, thực hành, nghiên cứu khoa học và các hoạt động khác theo quy định về chức năng, nhiệm vụ của đơn vị được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt; Tài sản phục vụ hoạt động phụ trợ, hỗ trợ trực tiếp cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ gồm: cung cấp dịch vụ ăn uống, trông, giữ xe cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên của đơn vị, khách đến giao dịch, công tác; giới thiệu, trưng bày, kinh doanh giáo trình, tài liệu tham khảo, sách, báo, ấn phẩm và các thiết bị đồ dùng học tập phục vụ cho việc học tập, nghiên cứu của giáo viên, học sinh, sinh viên; nhà lưu trú cho học viên.
Các thủ tục hành chính mới trong lĩnh vực dầu khí
Từ ngày 18/2/2018, Quyết định 94/QĐ-BCT về công bố thủ tục hành chính mới ban hành lĩnh vực Dầu khí thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Công Thương bắt đầu có hiệu lực.
Nhiều thủ tục hành chính mới lĩnh vực dầu khí sắp có hiệu lực. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN |
Theo đó, công bố 6 thủ tục hành chính mới sau đây: Thẩm định, phê duyệt kế hoạch thu dọn công trình dầu khí; Thẩm định, phê duyệt điều chỉnh Kế hoạch thu dọn công trình dầu khí; Phê duyệt báo cáo hoàn thành việc thu dọn công trình dầu khí; Chấp thuận điều chỉnh bổ sung Kế hoạch thu dọn công trình dầu khí đã được phê duyệt trong trường hợp đặc biệt; Chấp thuận hoãn thu dọn công trình dầu khí; Chấp thuận để lại công trình dầu khí.