Để ra khỏi hang Tham Luang, các thợ lặn cùng các cầu thủ nhí phải đối mặt với vô vàn khó khăn khi vượt qua những đoạn đường nguy hiểm với tầm nhìn gần như bằng 0.
Các thợ lặn tham gia giải cứu đội bóng Thái Lan mắc kẹt. - Ảnh: Reuters. |
Theo thông tin mới nhất, tính đến ngày 9/7, 8 cậu bé thuộc đội bóng nhí Thái Lan đã được giải cứu an toàn với sự giúp đỡ của các thợ lặn chuyên nghiệp.
Các thiếu niên, tuổi từ 11 đến 16, đã phải đối mặt với hành trình nguy hiểm và đáng sợ trên đường thoát khỏi hệ thống hang động Tham Luang ngập nước.
Theo Dailymail, để đi tới được nơi đặt trụ sở của đội cứu hộ, các thợ lặn và thiếu niên phải lặn và đi bộ khoảng 4 km, trong đó có một đoạn dài khoảng 200 m với một nút thắt chỉ rộng khoảng 38 cm. Đây là một khe rất hẹp, phía trước là một dốc lên thẳng đứng, phía sau là một khúc cua hướng xuống.
Đặc biệt, trong điều kiện nước trong hang có chứa nhiều bùn đất, tầm nhìn tại đoạn đường đi lên và đi xuống nút thắt gần như bằng không. Khu vực này được đánh giá là ẩn chứa rất nhiều rủi ro ngay cả với những thợ lặn chuyên nghiệp, vì họ có thể bị kẹt lại do khe này.
Mỗi cậu bé được hai thợ lặn bơi kèm, một người phía trước và một người phía sau. Nhưng tại nút thắt ngập nước nói trên, nơi có một dốc đi lên, các em sẽ phải chui qua một mình.
Hai đồ họa mô tả quá trình các thợ lặn hộ tống các cầu thủ nhí đi qua nút thắt "tử thần" khoảng 38 cm. - Ảnh: Dân trí/ Dailymail |
Một phóng viên tại hiện trường mô tả đoạn nút thắt này "có đường kính gần như không dài hơn thước kẻ tiêu chuẩn hay to hơn đầu của bạn".
"Việc đi qua nút thắt là rất nguy hiểm ngay cả với các thợ lặn giàu kinh nghiệm", một thợ lặn nói với Reuters. “Việc này khá đáng sợ. Thợ lặn phải tháo bỏ ống dẫn khí sau lưng mới vừa người chui qua khe nứt hẹp. Khi làm vậy, tôi cảm thấy các rìa đá chạm vào lưng và ngực mình.”
Nhiều cậu bé thậm chí không biết bơi, và một số người đang kiệt sức vì suy dinh dưỡng. Lực lượng cứu hộ đã dành vài ngày qua để cố gắng dạy kỹ năng lặn và thở cơ bản cho các em. Các em phải đeo mặt nạ lặn, mặc bộ đồ lặn, đi bốt và đội mũ bảo hiểm khi vượt qua hang tối tăm và nguy hiểm.
Các em bám sát thợ lặn bơi trước nhờ một sợi dây buộc. Người thợ lặn này cũng mang cả bình oxy cho cậu bé. Ngay sau đó là một thợ lặn khác đi theo để đảm bảo an toàn cho người được giải cứu.
Khi hoàn thành đoạn đường phải lặn, các thành viên đội bóng sẽ được giao cho một nhóm cứu hộ thứ hai giúp đưa ra ngoài cửa hang cách đó 2 km. Một số đoạn leo lên trên cửa hang được trang bị dây thừng để các em bám vào, do nền hang trơn trượt.
Một nhà thám hiểm hang động từng vào Tham Luang mô tả hang như “mê cung”, khó định vị nhất trong số các hang ông từng đến.
Ngoài nút thắt tử thần, đoạn đầu tiên của hang (tính từ mỏm đá nơi các cậu bé đang ngồi) kéo dài gần 1km cây số và chìm trong bóng tối cũng được được cho là đoạn khó nhất, đòi hỏi phải lặn dài hơi, bò qua bùn và các mảnh vỡ trong nước, với một số khe chỉ đủ rộng cho một người.
Hiện chiến dịch giải cứu một lần nữa phải tạm ngừng để thay thế các bình dưỡng khí đọc dặt lối ra. Tối 9/7, Chỉ huy lực lượng cứu hộ đội bóng thiếu niên Thái Lan, ông Narongsak Osottanakorn nêu rõ công tác cứu hộ sẽ được nối lại trong khoảng 20 giờ đồng hồ nữa với mục tiêu đưa nốt 5 người còn lại ra khỏi hang.
NGUYỄN QUỲNH (T/h)