Thông tin sẽ điều chỉnh lộ trình các tuyến xe ra khỏi nội đô Đà Nẵng khiến dư luận quan tâm. Về phần mình, các doanh nghiệp cuống cuồng cầu cứu, xin giữ tuyến cũ.
Nhiều âu lo
Mới đây, đồng loạt 9 doanh nghiệp vận tải tham gia hoạt động trên 5 tuyến xe buýt liền kề không trợ giá giữa Quảng Nam và Đà Nẵng, đã cùng ký nhiều bản kiến nghị lên các ngành chức năng 2 địa phương. Sự việc mà họ trình bày là 9 doanh nghiệp đã được hoạt động ngót nghét mấy mươi năm trời, trải qua bao đổi thay, những tuyến xe buýt đi đi về về giữa 2 địa phương đã phục vụ tốt nhu cầu đi lại của cán bộ, người dân, công nhân, học sinh, sinh viên của 2 tỉnh.
Thế nhưng, ngày 15/11, sau những buổi làm việc giữa ngành giao thông 2 địa phương, sở GTVT TP.Đà Nẵng có Báo cáo số 5645-BC/GTVT gửi UBND thành phố về việc điều chỉnh lộ trình các tuyến xe buýt liền kề giữa tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng theo hướng không đi vào khu vực nội đô thành phố. Thời gian áp dụng kể từ ngày 1/1/2019.
Các đơn vị vận tải xe buýt liền kề Quảng Nam - Đà Nẵng cho rằng, thay đổi lộ trình không vào nội đô Đà Nẵng thì hoạt động có nguy cơ chấm dứt. |
“Hơn 20 năm qua, lộ trình của các tuyến đều vào trung tâm Đà Nẵng, đi qua hoặc gần các địa điểm quan trọng như khu công nghiệp, cảng cá để phục vụ đúng nhu cầu đi lại của mọi người. Giờ có thông tin này, các doanh nghiệp vận tải hết sức hoang mang vì phải đối mặt với nguy cơ chấm dứt hoạt động. Lộ trình sau điều chỉnh chỉ dừng lại ở vùng ven Đà Nẵng, hành khách không đến được những nơi cần đến nữa. Muốn đi, họ lại phải bắt thêm các phương tiện khác, tốn công, tốn sức và tốn thêm tiền. Người dân của cả 2 địa phương khó chấp nhận”, ông Văn Dũng, Giám đốc xí nghiệp Giao thông vận tải Quảng Nam giãi bày.
Theo tài liệu chúng tôi thu thập được, thay vì đi vào trung tâm như trước, 5 tuyến buýt với khoảng 100 đầu xe nói trên sẽ phải dừng lại ở các vùng ven phía Nam, phía Tây TP.Đà Nẵng. Trên thực tế, hành khách hầu như không có nhu cầu đến các điểm dừng mới (vùng ven) này mà họ đều muốn vào trung tâm Đà Nẵng. Nếu được áp dụng thì vô hình trung các tuyến buýt này trở nên “vô dụng”. Người dân muốn đi tiếp vào trung tâm phải đón một tuyến xe hoặc phương tiện khác. Điều này, được cho là sẽ làm phức tạp thêm việc đi lại của người dân.
“Mỗi ngày tôi có 12 xe buýt với tần suất 32 chuyến/ngày giữa Đà Nẵng và Tam Kỳ. Tính rộng ra, 9 đơn vị vận tải mỗi ngày đưa đón hàng ngàn lượt khách. Sự ra đời của xe buýt trợ giá cộng với xe dù hoành hành trong thời gian qua khiến hoạt động vận tải hết sức chật vật. Năm nay, doanh thu của chúng tôi chỉ bằng 50 - 60% so với trước. Sắp tới mà lộ trình không vào nội thành nữa thì chỉ có ngưng hoạt động. Xe buýt mà không cho vào nội thành, chỉ đi đến rìa thành phố thì không còn là xe buýt nữa, vì nó hạn chế sự lưu thông của người dân. Chúng tôi thấy cần có sự xem xét, điều chỉnh phù hợp”, ông Hồ Tấn Ba, Giám đốc HTX vận tải kinh doanh tổng hợp TP.Tam Kỳ kiến nghị.
Lắm bất cập
Theo ý kiến của một chuyên gia, việc quản lý dịch vụ vận tải rất phức tạp. Ở Đà Nẵng có 2 loại xe buýt chủ lực là loại xe buýt mới trợ giá và loại không trợ giá (loại hình lâu năm của 9 doanh nghiệp trên). Thời gian qua, có thể thấy loại xe buýt trợ giá rất vắng khách dù xe đẹp, dịch vụ tốt, trong khi loại hình kia thì khách tấp nập. Rõ ràng cần xem lại, bởi nguyên nhân sâu xa của vấn đề không nằm ở chuyện loại này “thâm niên” hơn loại hình kia mà vì lộ trình. Khách nhìn lộ trình để đi và đến theo nhu cầu chứ không ai chọn xe đẹp mà chẳng đúng điểm đến.
Sơ đồ hệ thống xe buýt tại Đà Nẵng dày đặc, chồng chéo, nhưng thực tế hiệu quả mang lại chưa cao, đặc biệt là hệ thống xe buýt trợ giá. |
Một số ý kiến cũng nhận định rằng, hiện, Đà Nẵng đã có rất nhiều tuyến xe buýt hoạt động do đó các lộ trình giao thông công cộng trong nội đô Đà Nẵng của các tuyến trên trùng lặp, chồng chéo là điều không thể tránh khỏi. Nếu áp dụng lộ trình mới, mỗi tuyến buýt sẽ có một không gian hoạt động, phục vụ riêng và phục vụ lẫn nhau. Tuy nhiên, điều trước tiên không phải thay đổi lộ trình, đưa một số tuyến buýt ra khỏi nội đô mà cần đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng trạm dừng nghỉ ở các quy hoạch. Hạ tầng nên đi trước, hoàn thiện để hành khách bắt nhịp rồi mới thay đổi lộ trình. Khác với di chuyển nội đô, người di chuyển giữa Đà Nẵng – Quảng Nam sẽ mang nhiều hàng hóa hơn, vất vả hơn nên cần đầu tư các điểm dừng nghỉ hợp lý.
Theo ghi nhận của PV, cũng xuất phát từ việc hoạt động từ nhiều năm trước và đã quen với việc đi lại của người dân nên một số doanh nghiệp vận tải giữa Quảng Nam - Đà Nẵng có tâm lý tỏ ra sơ sài trong việc nâng cao chất lượng phục vụ. Nhiều tuyến xe chạy ẩu, chạy vượt đón khách khiến người dân bức xúc. Chờ “nước đến chân mới nhảy”, khi nghe thông tin ngành chức năng Đà Nẵng đề xuất thay đổi lộ trình thì họ mới vội vàng cam kết xin đầu tư xe mới, nâng cao chất lượng để khai thác hiệu quả, phục vụ khách tốt hơn.
Được biết, cách đây không lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu đã ký văn bản gửi UBND TP.Đà Nẵng đề nghị trước mắt tạm dừng, chưa thực hiện việc điều chỉnh hành trình các tuyến xe buýt liền kề Quảng Nam – Đà Nẵng. Văn bản cũng đề xuất giao cho sở GTVT 2 địa phương rà soát lại để điều chỉnh quy hoạch các tuyến xe buýt này hợp lý hơn, được đi vào nội thành Đà Nẵng.