Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP.HCM vừa hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát cùng cấp đề nghị truy tố bà Nguyễn Phương Hằng (Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam) cùng 4 đồng phạm về Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Trong bản kết luận điều tra còn ghi nhận yêu cầu bồi thường thiệt hại của 10 bị hại đối với bà Hằng. Trong đó, vợ chồng ca sĩ Thuỷ Tiên - Công Vinh yêu cầu bà Nguyễn Phương Hằng và đồng phạm bồi thường tổn thất về vật chất là 30,4 tỷ đồng; về tinh thần là 14,9 tỷ đồng. Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng cũng yêu cầu bồi thường thiệt hại về vật chất 43 tỷ đồng.
Trao đổi với PV Đời sống & Pháp luật, TS. Luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho rằng: Yêu cầu bồi thường thiệt hại với tổng số tiền 88 tỷ đồng trong một vụ án hình sự có lẽ là kỷ lục chưa từng có ở Việt Nam và rất khó có thể chứng minh mức thiệt hại như vậy.
Điều 584, Bộ luật dân sự năm 2015 quy định căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau: “Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác”.
Về nguyên tắc thì đương sự có quyền đưa ra yêu cầu nhưng cũng có nghĩa vụ phải chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp. Đó là nguyên tắc giải quyết các tranh chấp về dân sự, kể cả vấn đề dân sự trong vụ án hình sự.
Theo quan điểm của Luật sư, trong vụ án này, yêu cầu bồi thường thiệt hại sẽ được xác định là thiệt hại ngoài hợp đồng do danh dự, nhân phẩm bị xâm hại.
Theo quy định pháp luật, việc yêu cầu bồi thường thiệt hại, yêu cầu xin lỗi, cải chính công khai là yêu cầu chính đáng của những người bị hại, những người liên quan trong vụ án hình sự khi có hành vi gây thiệt hại xảy ra là căn cứ để xử lý hình sự đối với bị can. Nói cách khác việc đưa ra yêu cầu bồi thường thiệt hại là quyền của đương sự. Tuy nhiên, đương sự phải có nghĩa vụ chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và đúng pháp luật.
Nếu các bên có thoả thuận với nhau về mức bồi thường thì cơ quan tố tụng sẽ ghi nhận. Trường hợp yêu cầu bồi thường thiệt hại đưa ra mà các bên không thống nhất được với nhau thì toà án sẽ giải quyết trên cơ các quy định của pháp luật về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo quy định của Bộ luật dân sự.
Đối với yêu cầu thiệt hại bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì BLDS năm 2015 quy định các trường hợp bồi thường thiệt hại do: Tài sản bị xâm hại, tính mạng bị xâm hại, sức khỏe bị xâm hại và danh dự nhân phẩm bị xâm hại. Nội dung này được quy định tại Chương XX, cụ thể là điều 589, điều 590, điều 591 và điều 592 bộ luật dân sự.
Đối với bồi thường thiệt hại do danh dự nhân phẩm bị xâm hại mà các bên không thỏa thuận được với nhau thì tòa án sẽ quyết định mức bồi thường thiệt hại không quá 10 tháng lương cơ sở do nhà nước quy định đối với mỗi người bị hại, tương đương khoảng không quá 14.900.000 đồng.
Bởi vậy, chiếu theo quy định pháp luật nên trên, nếu toà án quyết định mức bồi thường thì căn cứ vào Điều 592 BLDS mức bồi thường thiệt hại về danh dự, nhân phẩm, uy tín của mỗi người bị hại sẽ không quá 10 tháng lương cơ sở, mức lương cơ sở hiện nay khoảng 1,49 triệu đồng/ 1 tháng.
Cũng theo quan điểm của Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp: Thực tế thì cái tôi của mỗi người khác nhau, danh dự, nhân phẩm, uy tín của con người không thể định giá được bằng tiền. Cùng một hành vi, cùng một sự việc nhưng mức độ tổn thương của mỗi người là khác nhau, ảnh hưởng đến đời sống tâm lý sức khỏe của mỗi người là khác nhau. Chính vì vậy khi danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm thì người xâm phạm và người bị xâm phạm có quyền thỏa thuận với nhau về mức bồi thường. Nếu không thỏa thuận được mà đưa ra pháp luật giải quyết thì tòa án sẽ giải quyết trên cơ sở quy định của bộ luật dân sự là mức bồi thường không quá 10 tháng lương cơ sở đối với danh dự nhân phẩm uy tín bị xâm hại.
Còn đối với yêu cầu bồi thường thiệt hại về tài sản bị xâm phạm, thực tiễn cho thấy thiệt hại có thể do tài sản bị hư hỏng thì rất dễ chứng minh trên cơ sở kết quả thẩm định giá. Còn đối với tài sản bị mất như cơ hội kinh doanh, cơ hội đầu tư thì rất khó chứng minh. Theo quy định của pháp luật thì đương sự có quyền đưa ra yêu cầu nhưng cũng có nghĩa vụ phải chứng minh cho yêu cầu của mình. Bởi vậy, nếu trong trường hợp đưa ra yêu cầu bồi thường thiệt hại về tài sản mà không chứng minh được thiệt hại đã xảy ra do lỗi trực tiếp của bị can, bị cáo thì Tòa án sẽ không chấp nhận và người có yêu cầu phải nộp án phí theo quy định pháp luật.
Cùng nêu quan điểm về nội dung này, Luật sư Trương Công Đức (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho rằng: Việc một số bị hại yêu cầu bị can Nguyễn Phương Hằng và các đồng phạm bồi thường hàng chục tỷ đồng về danh dự nhân phẩm uy tín bị xâm phạm là chưa có cơ sở để xem xét. Trong trường hợp giải quyết theo pháp luật, Tòa án có thể chấp nhận mức bồi thường cho mỗi người không quá 14,9 triệu đồng theo mức lương cơ sở hiện nay.
Còn với yêu cầu bồi thường thiệt hại vật chất, thiệt hại do tài sản bị hư hỏng rất dễ chứng minh dựa trên kết quả định giá. Còn với tài sản bị mất như cơ hội kinh doanh, cơ hội đầu tư thì việc chứng minh lại không hề đơn giản.
Bởi vậy, các chuyên gia pháp lý cho rằng, khi vụ án này được đưa ra xét xử thì tòa án sẽ làm rõ yêu cầu bồi thường thiệt hại "vật chất" theo nội dung kết luận điều tra là yêu cầu bồi thường thiệt hại về danh dự nhân phẩm uy tín ("thiệt hại khác" theo Điều 592 BLDS) hay yêu cầu bồi thường thiệt hại về tài sản theo Điều 589 BLDS. Với yêu cầu về danh dự nhân phẩm uy tín mà không được chấp nhận hoặc chỉ được chấp nhận một phần thì phần còn lại sẽ không phải nộp tiền án phí. Còn đối với yêu cầu bồi thường thiệt hại về tài sản mà không được chấp nhận thì người đưa ra yêu cầu phải nộp án phí theo quy định của pháp luật.
Tư Viễn