Mồ côi mẹ từ nhỏ, ca sĩ Lương Gia Huy sớm bươn chải, rời quê vào TP.HCM lập nghiệp với đủ nghề. May mắn gặp được ân nhân trên đường đời, Lương Gia Huy trở thành ca sĩ và được khán giả mến thương tặng cho biệt danh “vua nhạc sàn”. Hiện tại, dù sự nghiệp ổn định, sở hữu tài sản “khủng” nhưng nam ca sĩ luôn chạnh lòng khi không còn cơ hội phụng dưỡng cha mẹ.
Ca sĩ Lương Gia Huy |
Những ân nhân trong đời
Ca sĩ Lương Gia Huy quê ở Thái Nguyên, mồ côi mẹ từ nhỏ, hơn 10 tuổi đã rời quê vào miền Nam sinh sống. Tại TP.HCM, nam ca sĩ làm đủ mọi việc để mưu sinh, trong đó có nghề tiếp thị kem. Nghề tiếp thị yêu cầu anh phải rong ruổi khắp hang cùng ngõ hẻm Sài thành để giới thiệu sản phẩm. Dù vất vả nhưng anh tìm thấy niềm vui và có thời gian gắn bó đong đầy kỷ niệm với người bạn Lâm Vũ.
Thời điểm này, anh sống trọ ở quận Gò Vấp, TP.HCM. Lâm Vũ làm nghề hớt tóc, còn anh đi bán kem dạo. Đi làm vất vả, nhưng lòng đam mê ca hát vẫn luôn hiện diện, thôi thúc Lương Gia Huy tự mày mò, học hỏi bằng cách mua sách về tự học, xem và bắt chước các ca sĩ nổi tiếng, rồi tự tìm ra cái hay của bản thân.
Một lần vào quán “hát với nhau”, nam ca sĩ lên sân khấu hát với bạn bè thì được chủ quán đề nghị lần sau đến hát không phải tính tiền nước. Dần dà, anh tìm được các cơ hội hát ở nhiều sân khấu khác nhau và gặp được má nuôi danh hài Kim Ngọc. Chính má Kim Ngọc đã tạo nhiều cơ hội và dạy nam ca sĩ rất nhiều điều để giữ vững sự nghiệp trong làng giải trí vốn nhiều thị phi, cạm bẫy.
“Tôi từng chia sẻ, cuộc đời tôi mang ơn hai người má nuôi tên Ngọc. Thứ nhất, danh hài Kim Ngọc giới thiệu cho tôi hát ở sân khấu Trống Đồng, đồng thời bà đã dạy tôi sống có đức mặc sức mà ăn. Thứ hai, mẹ nuôi của anh Hoài Linh, má Ngọc bên California (Mỹ) khi chưa biết tôi là ai đã cho mượn mấy nghìn “đô” để phát hành album đầu tay Em có hiểu lòng anh. Từ album này, tên tuổi của tôi được nhiều người biết đến hơn và thăng hoa hơn trong sự nghiệp”, nam ca sĩ nhớ lại.
Ngoài ra, Ngọc Sơn chính là thần tượng, người thầy của ca sĩ Lương Gia Huy trong suốt nhiều năm qua. Ngọc Sơn rất kỹ tính trong việc chọn học trò nhưng sự kiên trì của Lương Gia Huy đã thuyết phục “ông hoàng nhạc sến”.
Khi còn làm nghề tiếp thị kem, lương ba cọc ba đồng, Lương Gia Huy vẫn nhịn ăn nhịn mặc mua vé xem ca sĩ Ngọc Sơn hát. Vì thế, khi vào nghề, nam ca sĩ có cơ hội gặp gỡ thần tượng nên quyết lòng nhận Ngọc Sơn làm thầy. Thời điểm ấy, bằng tài riêng, Lương Gia Huy đã làm mới lại hầu hết các ca khúc trữ tình, nhạc trẻ, nhạc đỏ, dân ca... bằng cách phối nhạc lại theo trào lưu nghe nhạc DJ, Remix của giới trẻ.
Anh đã tạo nên những album nhạc vừa lạ, vừa đúng chất theo cách riêng của mình đáp ứng đông đảo sự yêu thích của những người nghe nhạc. Kèm với giọng hát không hòa lẫn với bất kỳ ca sĩ nào khác, anh được khán giả yêu mến đặt cho biệt danh “vua nhạc sàn”.
Ngoài vai trò ca sĩ, Lương Gia Huy còn sáng tác nhạc. Các ca khúc Em có hiểu lòng anh, Kiếp độc thân, Chia tay sớm bớt đau khổ (song ca Nhật Kim Anh)... được khán giả vô cùng yêu thích. Anh luôn tạo ra những sự đột phá mới trong âm nhạc để khẳng định bản thân vẫn làm chủ dòng nhạc remix, nhạc sàn, khẳng định thương hiệu “vua nhạc sàn” đã được ấn định trong làng giải trí Việt.
Anh nhớ: “Cả hai liveshow gần đây của tôi, khán giả đều rất yêu thích. Họ nán lại đêm diễn rất lâu đến tận 2h sáng hôm sau. MC Phạm Thành Trung còn nói, chưa nghệ sĩ nào lập kỷ lục có đêm hát kéo dài nhiều giờ như tôi. Khán giả thương tôi bởi cái chất chân thật, sống giản dị, không màu mè, scandal để nổi danh. Ai cũng thấy tôi hát và sống bằng cái tâm nên cả show- biz và khán giả đều thương, không ganh ghét. Bản thân tôi cũng trau dồi rất nhiều mới đủ khả năng hát suốt thời gian dài mà không bị ảnh hưởng đến giọng hát”.
Tiếc nuối khi đã công thành danh toại
Từ những ngày đầu bước vào nghề, Lương Gia Huy cũng khá trăn trở khi tên tuổi bị đánh đồng với các ca sĩ hát hội chợ nhỏ lẻ, hội chợ lô tô... Anh nói: “Thật ra, ca sĩ hát được ở hội chợ, quán bar, vũ trường phải có sự nổi tiếng và đẳng cấp. Những ca sĩ hát ở quán bar, vũ trường phải hát được bằng nội lực, có bài hit và nổi tiếng thì mới được mời đến. Nhiều người hay đánh đồng giữa hội chợ thương mại cao cấp, hội nghị, event... với hội chợ quê, hội chợ lô tô. Tôi hát ở các hội nghị, hội chợ thương mại cao cấp, chứ đâu phải hội chợ lô tô. Nơi tôi hát thường rất sang trọng”.
“Với xuất thân từ miền quê nghèo, hồi nhỏ cũng phải đi chăn trâu, lại mồ côi mẹ từ nhỏ nên tôi luôn chắt chiu sự nổi tiếng. Tôi sống mộc mạc và giữ hình ảnh của mình thật đẹp trong lòng khán giả. Tôi tự hào với biệt danh “vua nhạc sàn”. Biệt danh này có từ năm 2010, thời điểm tôi cover khá nhiều bài hát.
Hiện tại, tôi đang nỗ lực tìm kiếm bài hát cho riêng mình để thêm một lần nữa khẳng định biệt danh “vua nhạc sàn” mà khán giả ưu ái dành tặng. May mắn, tôi sống được lòng cả show- biz nên ai cũng thương, cũng quý. Con đường ca hát của tôi nhờ vậy cũng ý nghĩa và trọn vẹn hơn”, ca sĩ Lương Gia Huy chia sẻ.
Trong showbiz, Lương Gia Huy gắn bó, chơi thân với các ca sĩ Quang Hà, Tuấn Hưng, Lâm Vũ... Anh nhớ nhất những ngày còn rong ruổi với đủ nghề mưu sinh và kiếp sống trọ với ca sĩ Lâm Vũ. Hay, những ngày mới chập chững vào nghề, tiền cát-xê không đủ sống, anh phải chạy sang nhà của ca sĩ Quang Hà “ăn ké” từng gói mì tôm. Lúc Lương Gia Huy mới tập tành đi hát, Tuấn Hưng đã nổi tiếng. Thế nhưng, Tuấn Hưng không có sự phân biệt tên tuổi lớn hay nhỏ, không mắc bệnh ngôi sao.
Khi còn trẻ, Lương Gia Huy không ngại tha hương để lập nghiệp, theo đuổi niềm đam mê. Thế nhưng, ở thời điểm đã có tất cả, anh lại thấy chạnh lòng khi không còn cha mẹ cạnh bên cùng vui.
Năm 2018, nam ca sĩ rơi nước mắt khi hát trên quê hương Thái Nguyên mà cha của mình không còn sống để thưởng thức. Anh lại nhớ đến những ngày còn khỏe mạnh, cha anh thường khoe với bà con về cậu con trai làm ca sĩ nổi tiếng. Anh ước ao trong đêm nhạc đó, cha mẹ của anh ngồi bên dưới nghe anh hát và vỗ tay tán thưởng.
“Bất kỳ người con nào cũng hiểu được cảm giác thành công mà không còn cha mẹ ở cạnh bên sẽ buồn đến thế nào. Tôi cũng như thế. Bản thân không còn cơ hội phụng dưỡng cha mẹ, không thể lo lắng những điều tốt đẹp để bù đắp lại những gì đấng sinh thành hy sinh cho mình. Trong tôi, ngay bây giờ, khi nhớ về cha mẹ, hình ảnh của hai người thật đẹp, thật lung linh. Thế nhưng, tôi không còn được nắm tay họ nữa”, nam ca sĩ tâm sự.
Không còn cha mẹ, nam ca sĩ dồn hết tình cảm cho các anh chị em trong gia đình. Anh hỗ trợ mọi người bằng cả tấm lòng. Ngoài ra, anh còn mở lòng mình ra với nhiều công tác thiện nguyện, san sẻ yêu thương với những hoàn cảnh khó khăn, mảnh đời bất hạnh. Có lẽ, với những việc làm đó, anh mới vơi đi một phần nỗi nhớ về cha mẹ, thấy cuộc đời ý nghĩa hơn.
Ngọc Lài
Bài viết đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 183