Theo thông tin từ ca sĩ Kim Tuyến, ca sĩ Giang Tử đã trút hơi thở cuối cùng lúc 15 giờ 35 phút (giờ Mỹ) ngày 16/9 tại Bệnh viện LBJ Houston, Texas.
Ca sĩ Giang Tử. |
Ca sĩ Giang Tử tên thật Nguyễn Văn Giang, sinh năm 1942 tại Hải Phòng, cùng tuổi với cố NSƯT Thanh Nga, ca sĩ Bạch Yến, Bích Chiêu, danh thủ Phạm Huỳnh Tam Lang, Diễn viên điện ảnh Trần Quang, ca sĩ Trúc Mai, ca sĩ Nhật Trường…
Ông sinh ra trong một gia đình kinh doanh có tám người con, là con cả nên ba mẹ rất tin tưởng ông sẽ nối nghiệp gia đình. Thế nhưng, ông lại thích sống phiêu bạt từ nhỏ và nghệ danh Giang Tử cũng hàm nghĩa là "giang hồ lãng tử". Năm 12 tuổi, ông được cha cho theo nhạc sĩ Y Vân học hát, sau đó được thêm người anh là ca sĩ Duy Trác chỉ dẫn kinh nghiệm sân khấu.
Năm 1969 ông ký độc quyền thu âm cho Hãng đĩa Dư Âm, sau đó độc quyền cho Hãng Việt Nam. Bà Sáu Liên – chủ Hãng đĩa Việt Nam kể: “Chúng tôi thấy Giang Tử là giọng ca triển vọng nên quyết định lăng - xê ca sĩ này, để anh song ca với nhiều nữ ca sĩ thời đó: Hương Lan, Trang Mỹ Dung, Yến Linh, Giáng Thu... Dẫu sớm khẳng định tên tuổi nhưng Giang Tử không kiêu căng, ỷ lại mà cần mẫn làm việc. Mỗi khi thu âm xong một ca khúc đều lắng nghe ý kiến của "đàn anh" trong nghề”.
Ca sĩ Giang Tử tham gia hầu hết các đoàn ca nhạc thời đó, ông gắn bó lâu nhất với ba đoàn: Kịch nói Kim Cương, Hương Miền Nam, Xiếc Tuổi Trẻ. NSND Kim Cương cho biết: “Thời đó, trước khi diễn kịch đều có thêm những tiết mục ca nhạc. Giang Tử được khán giả yêu thích với nhiều ca khúc của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu: Thư tình cuối mùa thu, Anh ở đầu sông em cuối sông….Vĩnh biệt một người bạn, một người em đã gắn bó với chúng tôi như người thân trong gia đình”.
Ngoài những ca khúc trên, tên tuổi Giang Tử còn gắn với: Hàn Mặc Tử, Yêu người như thế đó, Cô hàng xóm, Đập vỡ cây đàn, ..., Ông còn được yêu mến với những ca khúc tiền chiến của các nhạc sĩ: Đoàn Chuẩn – Từ Linh, Hoàng Giáp, Văn Phụng, Lê Trọng Nguyễn, Phạm Đình Chương...