(ĐSPL) - Trong quá trình can thiệp để điều trị bệnh cho cháu bé, một cơn tim nhanh đã đột ngột xuất hiện khiến cháu bị trụy mạch, không còn huyết áp.
Nếu trong điều kiện bình thường, cháu đã tử vong nhưng do đang trong quá trình can thiệp điều trị nên các bác sỹ bệnh viện Nhi Trung ương (TƯ) đã kịp thời có những biện pháp cứu cháu thoát khỏi lưỡi hái tử thần.
Khám u máu phát hiện cơ tim giãn và suy tim nặng
Mặc dù đã điều trị cho nhiều bệnh nhi sơ sinh mắc bệnh nhịp tim nhanh ở Việt Nam, tới giờ, bác sỹ Nguyễn Thanh Hải, khoa Tim mạch, bệnh viện Nhi TƯ vẫn không khỏi hồi hộp khi kể lại quá trình điều trị cho cháu Lưu Đình Đức K., 6 tháng tuổi ở Sóc Sơn, Hà Nội.
Điểm đặc biệt ở chỗ, sau khi phát hiện ra bệnh, tiến hành điều trị, cháu K. là trường hợp bệnh nhi nhỏ tuổi nhất và có cân nặng thấp nhất từ trước đến nay ở nước ta, cũng là một trong ít các trường hợp nhỏ nhất trên thế giới được điều trị thành công bằng phương pháp đốt điện.
Theo chia sẻ của bác sỹ Nguyễn Thanh Hải, căn bệnh nhịp tim nhanh ở trẻ em không phải là hiếm. Con số thống kê của nhiều chuyên gia y khoa quốc tế thể hiện, tỉ lệ trẻ em mắc bệnh này vào khoảng 1/1000 trẻ. Tuy nhiên, ở Việt Nam việc chẩn đoán bệnh nhịp tim nhanh rất khó khăn, do dễ bị nhầm lẫn với các triệu chứng của bệnh khác.
Hơn nữa, đội ngũ bác sỹ hiện nay có rất ít kinh nghiệm trong lĩnh vực này nên dễ dẫn tới tình trạng bỏ sót bệnh trong quá trình khám và điều trị bệnh. Trường hợp của cháu K. cũng là một ví dụ tương tự.
Gia đình cháu K. cung cấp thông tin, khi chào đời, cháu hoàn toàn bình thường, ngoại trừ có một cục u máu nhỏ ở vùng trán. Tuy nhiên, khi cháu được 5 tháng tuổi thì cục u máu phát triển bất thường nên gia đình lo lắng đưa cháu tới bệnh viện Nhi TƯ để khám, vào khoảng đầu tháng 7/2015.
Quá trình khám, bác sỹ phát hiện, từ khi cháu K. được 4 tháng tuổi đã có triệu chứng của bệnh suy tim như: Người mệt mỏi, biếng ăn hay quấy khóc, thở nhanh, da tái... và đặc biệt là cháu bị tụt cân rất nhanh. Tiến hành các xét nghiệm cần thiết, các bác sỹ phát hiện tim của cháu bị giãn to, chức năng co bóp kém và kết luận là cháu bị suy tim trái nặng.
Bác sỹ Nguyễn Thanh Hải trong ca làm thủ thuật điều trị cho cháu K. |
Thời điểm làm điện tim cho cháu K., bác sỹ phát hiện, tim bất thường. Kết quả điện tim này là của hội chứng Wolff Parkinson White (WPW) - hội chứng gây ra nhịp tim nhanh. “Nếu không phát hiện ra dấu hiệu này, thông thường, bác sỹ chẩn đoán cháu bị bệnh cơ tim giãn với tiên lượng tử vong lên tới 70 – 80\%. Tuy nhiên, nhờ phát hiện điện tim bất thường, chúng tôi đã tìm ra nguồn gốc gây bệnh cơ tim giãn ở cháu K. và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. Nhưng đây là một ca bệnh rất nguy kịch, cháu bé có thể bị đột tử hoặc tử vong bất cứ khi nào nếu có cơn tim nhanh xuất hiện”, bác sỹ Nguyễn Thanh Hải cho biết.
“Nín thở” cứu bệnh nhi khỏi tay thần chết
Sau khi đã chẩn đoán chính xác bệnh của cháu K., đội ngũ bác sỹ của khoa Tim mạch cũng vẫn đưa ra những tiên lượng xấu về sức khỏe của cháu. Bác sỹ Nguyễn Thanh Hải phân trần: “Chúng tôi gần như phải chuẩn bị tất cả các phương án để đối phó với trường hợp xấu nhất xảy ra. Hiện nay, trên thế giới, có hai cách điều trị là dùng thuốc và phẫu thuật.
Tuy nhiên, mỗi một phương pháp đều có ưu, nhược điểm riêng. Nếu dùng thuốc thì trong trường hợp cháu K., tỉ lệ tử vong lên tới 50\% do không giải quyết triệt để được vấn đề. Còn nếu tiến hành phẫu thuật hoặc làm thủ thuật can thiệp, nguy cơ biến chứng cũng rất cao. Sau rất nhiều bàn bạc, thảo luận chuyên môn cũng như trao đổi với gia đình bệnh nhi K., chúng tôi quyết định tiến hành làm thủ thuật điều trị cho cháu bằng phương pháp đốt điện”.
Theo bác sỹ Hải thì, nguyên nhân dẫn tới bệnh nhịp tim nhanh là những xung nhịp tim nhanh do những mô tim bất thường gây nên. Vì thế, muốn điều trị tận gốc bệnh này thì phải triệt tiêu các mô tim bất thường đó bằng phương pháp phẫu thuật cắt bỏ hoặc đốt cháy gây tổn thương vĩnh viễn chúng.
Ở người trưởng thành, trái tim lớn nên việc điều trị sẽ dễ dàng hơn nhưng ở trẻ em, nhất là trẻ mấy tháng tuổi, cân nặng thấp thì trái tim nhỏ, thành tim mỏng, việc can thiệp có thể gây tổn thương cho tim. Đó là chưa kể, nếu trong quá trình làm thủ thuật mà một cơn tim nhanh ập đến thì nguy cơ tử vong cho bệnh nhi còn cao hơn gấp bội. Và, những tiên lượng của các bác sỹ đã xảy ra.
Ngày 3/9 vừa qua, tại trung tâm Can thiệp tim mạch và điện sinh lý, thuộc bệnh viện Nhi TƯ, một nhóm bác sỹ thuộc các chuyên khoa rối loạn nhịp, tim mạch, gây mê hồi sức và chẩn đoán hình ảnh đã tiến hành làm thủ thuật điều trị cho cháu K.
Nhưng, sự cố bất ngờ xảy đến, khi đang tiến hành làm thủ thuật, một cơn tim nhanh trên thất nguy kịch trên 200 lần/phút xuất hiện, gây trụy mạch với huyết áp gần như về không. Trong trường hợp bình thường, bệnh nhi chắc chắn sẽ tử vong nhưng do đang trong quá trình làm thủ thuật nên các bác sỹ đã có những biện pháp kịp thời để dập tắt cơn tim nhanh đó bằng một kích thích tim vượt tần số, đưa nhịp tim và huyết áp trở về bình thường.
Chia sẻ về tâm trạng cháu K. khi đang ở lằn ranh giữa sự sống và cái chết, bác sỹ Nguyễn Thanh Hải nói: “Thực ra trước khi tiến hành làm thủ thuật cho bệnh nhi K., chúng tôi đã đưa ra rất nhiều tình huống và đưa ra nhiều biện pháp để đối phó với tình huống không mong muốn xảy đến.
Vì thế, khi cơn tim nhanh xảy đến, chúng tôi dù rất căng thẳng nhưng không hề bất ngờ, vì nó đã nằm trong sự tiên lượng. Thậm chí, chúng tôi cũng đã chuẩn bị đến trường hợp phẫu thuật trực tiếp, nếu những biện pháp kia không hiệu quả. Rất may, sau khi dập tắt được nhịp tim nhanh, huyết áp cháu K. đã trở lại và quá trình làm thủ thuật đã diễn ra thành công”.
Cuối cùng, những vất vả, căng thẳng của đội ngũ bác sỹ, gia đình cháu K. trong suốt quá trình làm thủ thuật cũng được đền đáp. Sau khi làm thủ thuật, cháu K. gần như trở thành một đứa trẻ khỏe mạnh bình thường, ăn uống tốt, da dẻ hồng hào và không còn quấy khóc như trước nữa.
Sau đó, tiến hành siêu âm tim, điều khiến cho ngay cả các bác sỹ cũng rất ngạc nhiên là tim của cháu đã gần như trở lại bình thường, không còn giãn to như trước nữa. “Thông thường, với những trường hợp như thế này, nếu sau ba tháng bệnh không tái phát, bệnh sẽ khỏi hẳn.
Do đó, trong ba tháng tới, bệnh nhi sẽ được chúng tôi tiếp tục theo dõi và điều trị để xử lý những tình huống phát sinh. Bản thân chúng tôi cũng không ngờ, việc điều trị lại có thể mang lại hiệu quả ngay lập tức như vậy. Và, điều quan trọng hơn cả là chúng tôi đã giúp được cháu K. có một trái tim khỏe mạnh để tiếp tục sống”, bác sỹ Hải tự hào chia sẻ.
Tỉ lệ thành công trong điều trị bệnh nhịp tim nhanh bằng thủ thuật đốt điện lên tới 95\% Theo chia sẻ của bác sỹ Nguyễn Thanh Hải thì hiện nay, bệnh viện Nhi TƯ là đơn vị đi đầu trong cả nước về can thiệp điều trị rối loạn tim nhanh ở trẻ em. Mặc dù, kỹ thuật điều trị rối loạn tim nhanh bằng phương pháp đốt điện (hay còn gọi là phương pháp điều trị bằng năng lượng sóng cao tần) mới được triển khai tại bệnh viện từ năm 2012 nhưng cho đến nay, hầu hết các rối loạn tim nhanh đều đã được thực hiện thường quy với số lượng bệnh nhi gia tăng theo từng năm, tỉ lệ thành công trong điều trị can thiệp là trên 95\%. Đặc biệt đối với can thiệp ở trẻ nhỏ dưới 15kg, gần 30 trẻ đã được các bác sỹ của khoa Tim mạch điều trị thành công và an toàn. |
Phạm Thiệu
Xem thêm video tin tức:
[mecloud]DkmO1QTT0Y[/mecloud]