Các doanh nghiệp đã có công văn gửi cơ quan hải quan và hãng tàu từ chối nhận các container phế liệu với lý do người xuất hàng gửi nhầm cho doanh nghiệp.
Sau thời gian phân loại và gửi thông báo đến chủ nhân các lô hàng phế liệu đang lưu tại cảng khu vực TP.HCM, nhiều doanh nghiệp từ chối là chủ nhân của các lô hàng trên.
Đa số hàng hóa này là phế liệu nhựa được nhập về cảng Cát Lái mấy tháng đầu năm. Chỉ trong tháng 6 và tháng 7, Tân cảng Sài Gòn đã phát đi thông báo tìm chủ nhân cho hơn 2.500 container đang tồn đọng tại cảng Cát Lái quá 90 ngày. Tuy nhiên, đến ngày 20/7, chỉ có 358 container được doanh nghiệp đến nhận về, còn lại từ chối hoặc không có hồi âm.
Thông tin từ Cục Hải quan TP.HCM cho hay, có những phản hồi rằng, doanh nghiệp không mua hàng phế liệu nhựa đó, không ký hợp đồng mua bán, người gửi có thể gửi nhầm tên doanh nghiệp… dù trên các vận đơn gửi hàng ghi rõ tên và địa chỉ công ty này. Có những doanh nghiệp có tên trong danh sách nhận gần 450 container phế liệu nhưng vẫn từ chối vì… không phải hàng của mình.
Ngoài ra, có những trường hợp từ chối nhận hàng vì chưa “chạy” được giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp nên cũng “lơ” đẹp hàng trăm container phế liệu tại cảng trong đợt này.
Cả ngàn container phế liệu bị doanh nghiệp từ chối nhận do "gửi nhầm". Ảnh: VnExpress |
Quan điểm của hải quan TP.HCM là nếu phế liệu không đạt tiêu chuẩn, buộc tái xuất ra khỏi lãnh thổ Việt Nam vì “không thể cho phép rác thải đổ vào Việt Nam dưới bất kỳ hình thức nào”. Trước đó, trong công văn trả lời Cục Hàng hải về việc phối hợp xử lý hàng container chậm luân chuyển tại các cảng biển, Tổng cục Hải quan cũng đã báo cáo và đề nghị Cảng vụ Hàng hải không cấp phép cho các phương tiện từng chở hàng hóa không người nhận, buộc tái xuất vì vi phạm pháp luật nhưng chủ phương tiện lại không vận chuyển hàng ra khỏi lãnh thổ Việt Nam theo luật định.
Trên thực tế, tình trạng chối bỏ container hàng phế liệu diễn ra ngày càng tăng. Trao đổi với VnExpress, lãnh đạo Hải quan Cát Lái cho hay, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu về cảng nhưng không được cấp “Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất” nên đã từ chối nhận hàng. Hiện có hơn 10 doanh nghiệp gặp phải tình trạng này.
Báo cáo cũng cho thấy, tại cảng Cát Lái đang tồn khoảng 9.000 teus (tương đương 4.500 container) phế liệu giấy và nhựa, chiếm gần 20% sức chứa của cảng Cát Lái, gây ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động bốc xếp hàng hóa của cảng.
Hiện, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 phối hợp với các đơn vị liên quan phân loại, xử lý. Nếu phế liệu không đạt tiêu chuẩn chất lượng nhập khẩu sẽ bị buộc tái xuất.
Trao đổi với Dân trí, Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Hải quan Mai Xuân Thành cho biết, rất khó để phát hiện được doanh nghiệp nào là doanh nghiệp thực sự được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu nguyên liệu phế liệu để sản xuất và doanh nghiệp nào giả mạo, nhập hàng về, vì hải quan chỉ là cơ quan thực thi công vụ.
Theo ông Thành, hiện cơ quan hải quan chỉ có bản sao chứng thực doanh nghiệp đủ điều kiện nhập phế liệu và bản phô tô giấy mua bán lô hàng trong quá trình kiểm tra nên không đối chiếu được theo Thông tư 41/TT-BTNMT về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu để làm đối chứng xác định doanh nghiệp đó có vi phạm nhập phế liệu hay không.
Vũ Đậu (T/h)