Báo Vietnamnet dẫn nguồn tin ngày 27/1 cho biết, UBND tỉnh Cà Mau vừa có công văn gửi Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về việc không nhận hỗ trợ gạo cứu đói trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Lý do được đưa ra là bởi địa phương đã cân đối, đảm bảo việc hỗ trợ cho các hộ dân nên xin không nhận hỗ trợ gạo và trân trọng đề nghị Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chấp nhận.
Trước đó, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội có công văn về việc rà soát, đánh giá nhu cầu hỗ trợ gạo cho người dân gặp khó khăn và công văn của Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Tây Nam Bộ về việc nhu cầu cứu trợ, hỗ trợ gạo dự trữ quốc gia năm 2023.
Trên cơ sở đó, ngày 11/12/2023, UBND tỉnh Cà Mau có công văn gửi Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về việc báo cáo nhu cầu hỗ trợ gạo trong dịp Tết Nguyên Đán Giáp Thìn.
Trong đó, tỉnh Cà Mau đề nghị hỗ trợ 1.037,505 tấn gạo cho 18.085 hộ với 69.167 nhân khẩu, với định mức 15 kg/khẩu/tháng, thời gian hỗ trợ 1 tháng, theo báo Tiền Phong.
Thông tin trên báo VnExpress, theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, đến giữa tháng 1 có 16 tỉnh xin cấp gần 14.200 tấn gạo cứu đói dịp Tết Giáp Thìn và giáp hạt năm 2024 cho hơn 181.000 hộ dân với 935.460 nhân khẩu.
So với Tết 2023, danh sách ít thay đổi, gồm các tỉnh: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Bắc Kạn, Bình Định, Bình Phước, Cao Bằng, Cà Mau, Đăk Lăk, Đăk Nông, Gia Lai, Hà Giang, Kon Tum, Nghệ An, Ninh Thuận, Quảng Bình, Quảng Trị.
Tuy nhiên, 2 tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị sau đó đã xin rút khỏi danh sách nhận gạo cứu đói. Cụ thể Quảng Bình xin không nhận 1.757 tấn gạo để cấp cho 10.500 hộ dân; Quảng Trị xin không nhận 991,5 tấn cấp cho 13.634 hộ dân.
Lý giải việc xin rút, ông Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch tỉnh Quảng Trị, cho biết sau khi rà soát, tỉnh nhận thấy có thể tự cân đối nguồn lực để đảm bảo đời sống cho người dân dịp Tết. Thông qua chương trình "Nối vòng tay nhân ái" vừa qua, tỉnh đã kêu gọi được 18-20 tỷ đồng, tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ người nghèo.
"Hộ nghèo thì vẫn còn nhiều, nhưng chưa đến nỗi thiếu đói. Cả nước còn nhiều nơi khó khăn hơn nên tỉnh nhường lại phần hỗ trợ cho địa phương khác", ông Đồng nói. Sau khi có danh sách hộ dân cần hỗ trợ gạo dịp Tết, tỉnh sẽ bố trí ngân sách thực hiện, đảm bảo không để người dân nào thiếu đói.
Ông Hồ An Phong, Phó chủ tịch tỉnh Quảng Bình, cho biết tỉnh xin rút khỏi danh sách nhận hỗ trợ bởi có thể tự chủ nguồn ngân sách đảm bảo người dân có Tết ấm no. Tổng kinh phí chăm lo Tết cho hộ nghèo, gia đình chính sách của tỉnh khoảng 37 tỷ đồng.
"Quan điểm của tỉnh là không để ai bị đói, đứt bữa. Chỗ nào còn xảy ra tình trạng này, chính quyền phải quan tâm kịp thời, hộ nghèo phải có Tết", ông Phong nói. Từ năm 2022 đến nay, tỉnh đã thực hiện nghị quyết về đối tượng và mức thăm, tặng quà cho người có công, hộ nghèo dịp Tết hàng năm. Tết Giáp Thìn, hộ nghèo sẽ được hỗ trợ một triệu đồng.
Năm 2023, thu ngân sách của 2 tỉnh đều hụt so với kế hoạch. Quảng Bình thu 5.700 tỷ đồng (hụt thu 1.300 tỷ), bằng 80% kế hoạch dự toán của địa phương và bằng 63,5% so với cùng kỳ. Quảng Trị thu 3.800 tỷ đồng, đạt 94% dự toán của địa phương (hụt thu 250 tỷ), bằng 80% so với cùng kỳ. Trong nhiều năm liền, cả hai tỉnh đều nằm trong danh sách được Trung ương hỗ trợ gạo cứu đói dịp Tết và giáp hạt.
Vân Anh(T/h)