UBND tỉnh Cà Mau vừa có văn bản đề nghị Trung ương hỗ trợ hàng trăm tỷ đồng để xử lý khẩn cấp 8 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm.
Báo Dân trí đưa tin, ngày 23/9, tin từ Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh này vừa có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hỗ trợ kinh phí xử lý khẩn cấp các vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm trên địa bàn.
Theo UBND tỉnh Cà Mau, qua rà soát cho thấy có 8 điểm đang xảy ra tình trạng sạt lở đặc biệt nguy hiểm, gồm: Cửa biển Rạch Gốc; cửa biển Vàm Xoáy; cửa biển Hốc Năng; đoạn từ kênh Năm đến kênh Chùm Gọng; đoạn từ kênh Chốn Sóng đến kênh Năm Ô Rô; đoạn từ kênh Năm ô Rô đến kênh Năm (huyện Ngọc Hiển); khu dân cư thị trấn Năm Căn (huyện Năm Căn); cửa biển Hố Gùi (huyện Đầm Dơi và huyện Năm Căn).
Nhiều điểm ở ven biển Cà Mau đang xảy ra sạt lở rất nghiêm trọng. Ảnh minh họa |
Hiện tại, các điểm nói trên đang sạt lở với tốc độ rất nhanh, bình quân mỗi tháng lấn sâu vào bên trong khoảng 20m, thậm chí có những điểm trên 50m/tháng.
Nhiều khu vực cửa biển, bờ biển sạt lở diễn biến phức tạp, đai rừng phòng hộ trung bình một năm mất từ 80m-100m, một số vị trí sạt lở đã khoét sâu, hở hàm ếch vào phía trong, làm mất từng mảng diện tích rừng rất lớn (có nơi trong 10 năm mất hàng trăm ha rừng).
Tình trạng sạt lở diễn ra đặc biệt nguy hiểm và liên tục, nhất là vào mùa mưa bão thì sạt lở càng nghiêm trọng, uy hiếp trực tiếp các cửa biển, gây ảnh hưởng đến các cơ quan hành chính, khu dân cư, công trình giao thông, trạm y tế, trường học, đường quốc lộ, hệ thống điện,
UBND tỉnh Cà Mau cho biết, tổng chiều dài 8 điểm sạt lở là hơn 26,7km và cần số vốn đầu tư hơn 947 tỷ đồng. Tuy nhiên, địa phương này cũng đang còn khó khăn về nguồn vốn.
Trước đó, để đảm bảo an toàn tài sản của Nhà nước và tính mạng của nhân dân, UBND tỉnh Cà Mau đã quyết định ban bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ biển Đông và sạt lở bờ sông trên địa bàn tỉnh Cà Mau nhằm thực hiện thủ tục đầu tư các công trình khẩn cấp theo thứ tự ưu tiên.
Theo Vnexpress, 11 năm qua sóng biển cuốn trôi hơn 8.800 ha đất, rừng ở địa phương. Trong đó, 57 km bờ biển Tây bị xói lở; nhiều đoạn có nguy cơ vỡ đê bất cứ lúc nào. Riêng bờ biển Đông có 48 km bị xâm thực, làm mất 80 - 100 m đất rừng phòng hộ mỗi năm.
Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, sạt lở, nước biển dâng thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã chi gần 1.000 tỷ đồng từ nhiều nguồn vốn khác nhau để xử lý khắc phục 28 km xung yếu, chủ yếu trên tuyến biển Tây.
Hồi đầu tháng 8, sóng biển dâng cao, kết hợp mưa giông đã gây hư hỏng hơn 360 m thân đê biển Tây; hàng nghìn căn nhà bị ngập, thiệt hại 32 tỷ đồng.
Minh Khôi (T/h)