+Aa-
    Zalo

    Cà Mau: Nhiều quan xã dùng bằng giả để giữ “ghế” và "leo" cao

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Nhân dân bức xúc phản ánh, việc cán bộ chủ chốt thuộc các ngành đoàn thể ở một số xã tại tỉnh Cà Mau dùng bằng tốt nghiệp THPT giả chuẩn hóa trình độ theo quy định Nhà nước...

    (ĐSPL) - Liên tục những ngày qua, đường dây nóng báo Đời sống và Pháp luật tiếp nhận nhiều cuộc điện thoại do nhân dân bức xúc phản ánh, việc cán bộ chủ chốt thuộc các ngành đoàn thể ở một số xã tại tỉnh Cà Mau dùng bằng tốt nghiệp THPT giả chuẩn hóa trình độ theo quy định Nhà nước, để củng cố "ghế" và "leo" cao hơn.

    "Tôi không biết là bằng giả(?!)"

    Từ tin phản ánh, PV nhanh chóng có mặt tại địa phương để tìm hiểu sự thật. Hai "nhân vật chính" trong vụ lùm xùm này là ông Lê Thanh Cương (SN 1971, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Tân Hưng, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau) và ông Ngô Hùng Cường (SN 1970, thường trực Đảng ủy xã Tân Hưng) bị "tố" sử dụng bằng THPT giả nhiều năm nhưng không bị phát hiện.

    (bgiay)Cà Mau: Cán bộ lãnh đạo chủ chốt một số xã dùng bằng giả đ

    Ông Cường (bên trái) và ông Hắng đang trao đổi cùng PV.

    Tại buổi trao đổi với PV, ông Cường khẳng định, bằng tốt nghiệp THPT (mang số hiệu: 01436720, số vào sổ: 6726, hội đồng thi: THPT Hồ Thị Kỷ, khóa thi ngày 2/6/2010, được tiến sỹ Thái Văn Long, Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Cà Mau cấp ngày 1/3/2011) mình đang dùng là thật, không có chuyện giả mạo. Đồng thời, vị cán bộ này cũng phủ nhận việc mình sử dụng bằng cấp giả.

    Tìm hiểu thêm, PV được biết, bản sao bằng tốt nghiệp THPT của ông Cường được phô tô công chứng với con dấu của UBND xã Tân Hưng do ông Nguyễn Văn Hắng (Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hưng) chứng thực, được trường đại học Mở TP.HCM chuyển về Sở Giáo dục & Đào tạo Cà Mau nhờ xác minh. Cùng ngày, qua kiểm tra, đối chiếu hồ sơ lưu trữ tại Sở Giáo dục & Đào tạo Cà Mau, số vào sổ cấp bằng, số hiệu bằng, không thấy có tên học viên Ngô Hùng Cường dự thi.

    (bgiay)Cà Mau: Cán bộ lãnh đạo chủ chốt một số xã dùng bằng giả đ

    Danh sách của trường đại học Mở TP.HCM có tên ông Ngô Hùng Cường gửi Sở Giáo dục & Đào tạo Cà Mau nhờ thẩm tra văn bằng (khoanh tròn).

    Đặc biệt, theo sự thống nhất của Sở Giáo dục & Đào tào Cà Mau, phần "Nơi sinh" không ghi tên xã, chỉ ghi tên huyện, tỉnh hoặc chỉ ghi tỉnh. Ngược lại, tấm bằng tốt nghiệp THPT của ông Cường lại được đánh máy luôn cả xã (cụ thể là nơi sinh: Tân Hưng, Cái Nước, Cà Mau). Từ những cơ sở bất thường này, Sở Giáo dục & Đào tạo Cà Mau kết luận bằng tốt nghiệp THPT của ông Ngô Hùng Cường là hoàn toàn giả mạo và sẽ trả lời phản hồi cho trường đại học Mở TP.HCM trong thời gian tới.

    Lý giải vấn đề này, ông Hắng nói: "Đối với xã Tân Hưng, cho đến thời điểm hiện tại chưa có trường hợp cán bộ công chức nào sử dụng bằng giả và đã có báo cáo đầy đủ gửi Phòng Nội vụ huyện. Đến nay, không có trường hợp nào bị xử lý do sử dụng bằng giả. Việc chứng nhận sao y cho ông Cường dựa trên cơ sở của công chứng viên đã kiểm tra, đối chiếu. Việc bằng giả hay thật thì chúng tôi không có nghiệp vụ để nhận dạng".

    Tương tự, cũng tại xã Tân Hưng, PV tiếp tục phát hiện bằng Tốt nghiệp THPT của ông Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Lê Thanh Cương (số hiệu: 01436715, số vào sổ: 6715, hội đồng thi: THPT Hồ Thị Kỷ, khóa thi ngày 2/6/2009, do tiến sỹ Thái Văn Long - Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Cà Mau cấp ngày 1/3/2010) cũng được Sở Giáo & Đào tạo Cà Mau xác nhận là giả. Mặc dù trước đó, PV đã liên hệ với ông Cương để đăng ký làm việc, nhưng vẫn không gặp được.

    Liên quan đến việc này, ông Hắng cho biết, hôm nay ông Cương vắng mặt cơ quan vì có việc đột xuất, con bệnh. Ngay sau đó, PV liên lạc qua số điện thoại cá nhân của ông Cương nhưng ông không nghe máy. Một nghịch lý khác, ông Hắng nêu: "Năm 2014, ông Lê Thanh Cương có dự thi tốt nghiệp THPT, tuy nhiên ông Cương lại có bằng năm 2010"?!

    Dùng bằng giả để giữ ghế?

    Theo tìm hiểu của PV, chuẩn trình độ cán bộ cấp xã hiện nay, tối thiểu phải tốt nghiệp THPT. Để giữ "ghế", sau khi có được trong tay tấm bằng tốt nghiệp THPT, ông Cường tự tin đăng ký học đại học tại trường đại học Mở TP.HCM (theo hình thức đào tạo từ xa) và không ngờ rằng khâu tuyển sinh của họ rất chặt chẽ, phải được kiểm chứng bằng tốt nghiệp THPT trước khi nhập học.

    Theo Sở Giáo dục & Đào tạo Cà Mau, hằng năm, hầu hết các trường cao đẳng, đại học đều thông qua sở gửi bằng tốt nghiệp THPT về cơ quan nhờ xác minh văn bằng học viên. Kết quả, năm nào cũng phát hiện rất nhiều trường hợp sử dụng bằng tốt nghiệp THPT giả để tiếp tục học lên cao nhằm củng cố địa vị. Cũng theo sở Giáo dục & Đào tạo Cà Mau, trong những năm gần đây, tình trạng cán bộ công chức ở một số xã trên địa bàn tỉnh sử dụng bằng tốt nghiệp THPT có chiều hướng tăng. Vì vậy, Sở Giáo dục & Đào tạo Cà Mau luôn có đầy đủ hồ sơ lưu trữ của tất cả kỳ thi tốt nghiệp THPT hằng năm, việc thẩm tra văn bằng giả hoặc thật không có gì là khó.

    Mới đây (ngày 29/10), Đảng ủy xã Khánh An (huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) có yêu cầu gửi Sở Giáo dục & Đào tạo Cà Mau nhờ thẩm tra văn bằng THPT đối với ông Mai Văn Hướng (SN 1977, Đảng ủy viên, Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Khánh An). Cùng ngày, Sở Giáo dục & Đào tạo Cà Mau có văn bản số 170/SGDĐT-KT trả lời bằng tốt nghiệp THPT (hệ bổ túc) mang số hiệu 0641245, vào sổ số 0051, của ông Mai Văn Hướng không có tên trong danh sách tốt nghiệp khóa thi ngày 18/8/2008 và ra quyết định thu giữ vào ngày 30/10/2014.

    (bgiay)Cà Mau: Cán bộ lãnh đạo chủ chốt một số xã dùng bằng giả đ
    Liên quan đến bằng tốt nghiệp THPT (hệ bổ túc) của ông Mai Văn Hướng bị Sở Giáo dục & Đào tạo Cà Mau ra Quyết định thu giữ.

    Trước đó, PV có buổi làm việc với ông Cao Minh Hồng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Cà Mau về nội dung cán bộ địa phương lưu hành bằng tốt nghiệp THPT giả, thì được vị lãnh đạo này nhiệt tình hỗ trợ cung cấp thông tin. Qua trích lục tại bộ phận lưu trữ, từ năm 2008 đến năm 2013, tại Sở Giáo dục & Đào tạo Cà Mau không cấp phát bằng tốt nghiệp Bổ túc trung học có số hiệu A0089139 mang tên Trần Hoàng Là do tiến sỹ Thái Văn Long - Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Cà Mau ký. Vì vậy, trường hợp ông Trần Hoàng Là (SN 1966, ngụ huyện Đầm Dơi) "bỗng dưng" có bằng cấp ba là hoàn toàn giả mạo.

    Việc này, được ông Là thú nhận dùng bằng giả nhằm hoàn chỉnh hồ sơ nộp tại trung tâm Bồi dưỡng Chính trị huyện Đầm Dơi.

    Bà Lê Thị Xuân Mai - Chủ tịch UBND xã Trần Phán cho biết: "Việc ông Trần Hoàng Là (nguyên Trưởng Công an xã Trần Phán, đang đảm trách chức Trưởng ban nhân dân ấp Chà Là, xã Trần Phán, hiện là Đảng viên) dùng bằng giả để qua mặt cơ quan chức năng, gian dối trong xét tuyển vào học lớp Trung cấp Chính trị thì chúng tôi chưa nghe báo cáo. Nếu thật sự đúng như những gì phản ánh, thời gian tới UBND xã sẽ tham mưu Đảng ủy, thành lập đoàn kiểm tra, đồng thời xử lý những ai sai phạm đúng với quy định pháp luật".

    Xem video:

    Cách chức Chủ tịch xã sử dụng bằng giả

    Sử dụng bằng giả là vi phạm pháp luật

    Theo luật sư Phạm Văn Phúc, Văn phòng luật sư Phúc và Cộng Sự, Nghị định số 34/2011/NĐ-CP quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức thì hành vi sử dụng giấy tờ không hợp pháp tùy theo mục đích sử dụng. Cụ thể, các đối tượng dùng bằng giả để được tham gia đào tạo, bồi dưỡng; được dự thi nâng ngạch công chức; hay sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được bổ nhiệm chức vụ; để được tuyển dụng vào cơ quan, tổ chức, đơn vị. Mỗi hành vi đi kèm với mục đích thì sẽ có hình thức kỷ luật tương ứng, có thể bị cảnh cáo, cách chức hay buộc thôi việc và người làm bằng giả và sử dụng bằng giả còn có thể bị khởi tố theo quy định tại Điều 266 của Bộ luật Hình sự.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ca-mau-nhieu-quan-xa-dung-bang-gia-de-giu-ghe-va-leo-cao-a70471.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan