+Aa-
    Zalo

    Cá heo chết trước sóng thần - sự trùng hợp ngẫu nhiên?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Trong các thảm họa thiên nhiên con người từng hứng chịu thì sự thay đổi của các động vật tại nơi xảy ra thảm họa được quan tâm rất nhiều.

    (ĐSPL) - Trong các thảm họa thiên nhiên con người từng hứng chịu và có ghi chép về sự thay đổi trước và sau thảm họa thì sự thay đổi của các động vật tại nơi xảy ra thảm họa được quan tâm rất nhiều. 

    “Nếu cá heo có khả năng dự báo trước các hiện tượng sóng thần thì trên khắp thế giới hiện tượng này đã được cảnh báo. Do vậy, việc cá heo chết có thể chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên mà thôi”, ông Vũ Việt Hà (Trưởng phòng Nguồn lợi, viện Nghiên cứu Hải Sản) đã nói như vậy với PV khi được hỏi về việc cá heo nhảy lên bờ chết la liệt ở Nhật Bản hôm 10/4 vừa qua khiến người ta lo sợ về nguy cơ xảy ra trận “đại hồng thủy”.

    Nhiều động vật có khả năng đặc biệt

    Ông Vũ Việt Hà cho biết: Trước hết, chúng ta cần hiểu cá heo là gì? Cá heo là tên gọi chỉ một nhóm loài động vật có vú thuộc bộ cá voi (Catacea) sống ở nước. Trên thế giới hiện nay có khoảng 40 loài phân bố chủ yếu ở các đại dương và một số con sông lớn trên thế giới.

    Cá heo chết được người dân Nhật bản đưa đi chôn cất. 

    Cá heo có một đặc điểm sinh học mà ít loài cá hay động vật nào có đó là khả năng cảm nhận và phát ra những sóng âm, sóng siêu âm. Nghĩa là những dao động nhỏ trong nước mà con người hoặc những động vật khác có thể không nghe được nhưng cá heo có thể cảm nhận được. Đó cũng chính là vũ khí khi cá heo đi săn hoặc là ngôn ngữ để chúng liên lạc với nhau qua sóng âm.

    Như vậy, có thể thấy, động đất và sóng thần là các hiện tượng thiên nhiên thường xuyên xảy ra ở dưới lòng đất trong đó có các đại dương. Các hiện tượng xảy ra trong đại dương ít nhiều cũng sẽ ảnh hưởng tới các sinh vật sinh sống trong đại dương, trong đó có cá heo. Việc cảm nhận hay dự báo trước được sóng thần, động đất hay những thay đổi đột ngột trong lòng đại dương của cá heo đã được quan tâm nhiều, song chưa có lý giải chính xác cho vấn đề này.

    Trong các thảm họa thiên nhiên con người từng hứng chịu và có ghi chép về sự thay đổi trước và sau thảm họa thì sự thay đổi của các động vật tại nơi xảy ra thảm họa được quan tâm rất nhiều. Không chỉ có cá heo mà một số loài động vật khác kể cả những loài động vật bậc thấp cũng có những thay đổi mang tính dự báo khi sắp xảy ra những thảm họa tại nơi chúng sinh sống. Theo những tài liệu ghi nhận được thì có rất nhiều loài động vật có khả năng linh cảm được những mối nguy hiểm đến với chúng từ thiên nhiên.

    Khoảng 150 con cá heo nhảy lên bờ biển ở Đông Bắc Nhật Bản hôm 10/4 khiến nhiều người lo sợ nguy cơ xảy ra trận “đại hồng thủy”.

    Trước đây, một nhân viên trạm hải đăng thuộc miền Nam Ấn Độ cho biết, vào tháng 12/2004, anh ta thấy một đàn linh dương bỗng nhiên di chuyển qua khu vực bãi biển hướng về những khu đồi gần đấy chỉ vài giờ trước khi những cơn sóng thần từ tâm chấn ngoài khơi tấn công vào đất liền.

    Nhiều nhân chứng cho biết tại khu nghỉ mát Phuket Thái Lan, những chú voi phục vụ du lịch gần bãi biển đã rống lên và lồng lộn phá xích, chạy vào đất liền trước khi những cơn sóng dữ ập vào.

    Từ linh cảm về một tai họa tự nhiên sắp xảy ra, loài hồng hạc ở khu vực này cũng đã rời bỏ những vùng đất trũng để bay đến những vùng núi cao. Các công nhân tại một sở thú ở Malaysia lấy làm ngạc nhiên khi thấy hầu hết các loài động vật bỗng nhiên có những biểu hiện lạ như tìm chỗ ẩn nấp và từ chối ra ngoài mặc dù đã đến bữa ăn. 

    Xem thêm video: Kỳ lạ cá voi lưng gù tưởng nhầm mình là cá heo.

    Riêng tại Srilanka, thảm họa sóng thần năm ngoái đã giết chết hơn 30.000 người, nhưng hầu hết các loài động vật lớn như voi, dê và nhiều loài động vật hoang dã khác ở khu vực này vẫn bình an vô sự. Trận sóng thần này cũng đã giết chết khoảng 2.000 động vật khác nhau tại một khu bảo tồn ở miền Nam Ấn Độ, trong khi loài lợn lòi thì vô sự, bình an. 

    Tại khu triển lãm hải dương học ở Florida, 14 con cá mập bỗng nhiên rời bỏ nơi sống khoảng 12 giờ trước khi cơn bão Charlie đổ bộ vào khu vực này hồi năm 2004, trong khi nhiều năm qua chúng không hề đi xa hơn 1km.

    Theo các nhà sinh vật học, loài cá mập đã di cư đến những vùng nước sâu ở đại dương để lánh nạn và chỉ quay lại 2 tuần sau mặc dù trước đó chúng chưa bao giờ có thói quen di cư tự nhiên này. Việc giải thích cho những hiện tượng trên được các nhà khoa học rất quan tâm song tới nay vẫn chưa có những lý giải thỏa đáng. Mọi lý giải vẫn đang dựa trên sự linh cảm của động vật hoang dã mà thôi.

    Trên quan điểm một nhà khoa học, sự tập trung và chết của cá heo tại vùng biển gần bờ Nhật Bản cho thấy đã có sự thay đổi đột ngột về một yếu tố nào đó trong môi trường cá heo sinh sống. Do có sự thay đổi này mà đàn cá heo đã rời bỏ nơi chúng đang sinh sống, dạt vào vùng gần bờ. Chính sự thay đổi này ảnh hưởng trực tiếp tới đàn cá heo như kiếm thức ăn, cạnh tranh nhau hoặc bị sinh vật khác tấn công. Cộng với việc thay đổi môi trường sống dẫn tới nhiều cá thể cá heo trong đàn bị chết.

    Cá heo chết ở Nhật Bản: Không phải là điềm báo!

    Về hiện tượng 150 con cá heo vừa nhảy lên bờ biển hôm 10/4 ở Nhật Bản, ông Vũ Việt Hà khẳng định: Không thể nói đây là một điềm báo vì chưa có cơ sở chắc chắn. Việc cá heo dạt bờ và chết được giải thích ở trên. Tuy vậy, chúng ta có thể thấy chỉ bắt gặp khoảng 150 cá thể cá heo chết và một số ít được cứu sống. Như vậy, có thể thấy chỉ một đàn hoặc một vài đàn trong quần đàn cá heo có sự thay đổi này. Còn lại các đàn cá khác vẫn sinh sống trong vùng biển này. Nếu thực sự có sóng thần hay động đất thì sẽ có nhiều hơn một vài đàn cá heo như thế này.

    Ông Vũ Việt Hà (Trưởng phòng Nguồn lợi - viện Nghiên cứu Hải Sản) cho rằng, chưa có kết luận chính xác về việc cá heo dự báo thiên tai.

    Khi PV hỏi: “Cũng trong thời điểm trước trận động đất, sóng thần xảy ra tại Nhật Bản 3 năm trước cũng có hiện tượng cá heo nhảy lên bờ chết hàng loạt, theo ông có mối liên quan gì không?”, ông Vũ Việt Hà nói: "Thời điểm 3 năm trước, có hiện tượng này cũng có thể chỉ là sự trùng lặp ngẫu nhiên. Điều này chúng ta có thể hiểu rằng không chỉ có Nhật Bản có sóng thần mà rất nhiều vùng biển khác trên thế giới cũng có sóng thần. Tuy vậy ít có những ghi nhận cá heo dạt vào bờ và chết trước khi có sóng thần xảy ra.

    Các trận sóng thần xảy ra gần đây như trận sóng thần năm 2004 ở Ấn Độ Dương ảnh hưởng tới Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ và Srilanka, tuy vậy, tại các bãi biển ảnh hưởng không có nơi nào ghi nhận có hiện tượng trên. Điều đó cho thấy, nếu cá heo có khả năng dự báo trước thì các hiện tượng sóng thần trên khắp thế giới đều xảy ra hiện tượng này. Do vậy đây có thể chỉ là sự trùng lặp ngẫu nhiên mà thôi".           

    “Chưa có cơ sở khoa học nào để khẳng định cá heo có khả năng dự báo sóng thần hay động đất. Các nghiên cứu về vấn đề này đang được quan tâm song chưa có kết luận chính xác nào cho vấn đề này”, ông Vũ Việt Hà chia sẻ.

    ĐỨC KẾ - ĐỨC ANH

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ca-heo-chet-truoc-song-than---su-trung-hop-ngau-nhien-a91443.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan