(ĐSPL) - Để giảm thiểu tác hại của hiện tượng cá chết hàng loạt, Bộ Tài nguyên - môi trường (TN-MT) vừa có văn bản yêu cầu các tỉnh ven biển phải báo cáo ngay khi có hiện tượng bất thường để kịp xử lý.
Tuổi Trẻ đưa tin, trước tình trạng cá biển, bao gồm cả cá nuôi chết hàng loạt trên vùng biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế, Bộ TN-MT đang tích cực phối hợp Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương, UBND các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế và các cơ quan khác có liên quan xác định các nguyên nhân gây ra tình trạng nêu trên.
Đồng thời, trong thời gian xác định nguyên nhân tình trạng cá chết hàng loạt và các giải pháp khắc phục hậu quả, để giảm thiểu thiệt hại, ngăn ngừa tác động xấu đến sức khỏe, sinh kế của người dân, cộng đồng dân cư ven biển và môi trường sinh thái, Bộ TN-MT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố có biển kịp thời thông báo cho Bộ TN-MT.
Hình ảnh cá chết hàng loạt tại các tỉnh ven biển miền Trung. (Ảnh: Tuổi Trẻ) |
Ngoài ra, Bộ TN-MT cũng đề nghị các tỉnh, thành thực hiện ngay các biện pháp cấp bách, quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, ổn định tâm lý người dân trước các thông tin về nguyên nhân gây ra cá chết hàng loạt chưa được cơ quan có thẩm quyền xác minh, công bố.
An Ninh Thủ Đô cho biết, Bộ TN-MT cảnh báo, thời gian tới, nắng nóng có khả năng làm nhiệt độ nước biển gần bờ tăng cao, làm gia tăng tốc độ phân hủy chất hữu cơ có nguồn gốc từ nước thải, rác thải, có thể gây ra hiện tượng phú dưỡng, làm bùng phát tảo độc, lan truyền dịch bệnh và các chất độc hại. Thêm vào đó, hiện tượng gia tăng phân tầng mật độ nước biển do nhiệt độ tăng cao sẽ dẫn đến làm giảm lượng ô xy trong các lớp nước sâu là một trong những nguyên nhân có thể tiếp tục gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt.
Để phòng tránh các hiện tượng nêu trên, đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển chỉ đạo tổ chức thu gom, xử lý rác thải tại bờ biển; ngăn chặn mọi hình thức đổ rác thải tại các khu vực ven biển, ven sông; tăng cường giám sát công tác bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất ở vùng đất ven biển, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường biển.
Cơ quan chức năng khám nghiệm hiện tượng cá chết hàng loạt. (Ảnh: An Ninh Thủ Đô) |
Trước đó, trao đổi với Tri Thức Trực Tuyến, ông Hoàng Dương Tùng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho hay, hiện có 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế thông tin về Bộ này về hiện tượng cá chết nhiều ở ven biển.
Trước thông tin trên, chiều 21/4, Bộ NN&PTNT cũng có công văn hỏa tốc đề nghị UBND các tỉnh ven biển chỉ đạo các cơ quan chức năng triển khai xử lý cá chết, phối hợp các cơ quan chuyên môn Trung ương lấy mẫu để xác định nguyên nhân, đồng thời thống kê thiệt hại, khôi phục sản xuất và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Đối với việc xử lý cá chết, Bộ yêu cầu các địa phương nghiêm cấm người dân sử dụng cá chết làm thực phẩm dưới mọi hình thức; khẩn trương tổ chức thu gom cá chết và tiêu hủy để hạn chế ô nhiễm môi trường; hướng dẫn người dân phân biệt cá chết bất thường với cá khai thác trên biển và cá nuôi; yêu cầu người dân không thu gom cá chết để tiêu thụ trên thị trường.
Bộ NNP&TNT cũng đề nghị các địa phương cử cán bộ có chuyên môn liên quan phối hợp với các đoàn công tác của Bộ và các cơ quan Trung ương lấy mẫu, xét nghiệm, xác định nguyên nhân cá chết, đề xuất các biện pháp khắc phục và thông báo kịp thời để người dân biết.
Trước hiện tượng bất thường trên, ngày 24/4, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã thị sát hai xã Kỳ Hà, Kỳ Phương (thị xã Kỳ Anh).
Ông Nguyễn Quốc Hà, Chủ tịch thị xã Kỳ Anh cho biết, số lượng cá chết trên địa bàn tới nay khoảng 10 tấn. Là khu vực đông dân, trong đó có nhiều người nước ngoài sinh sống và làm việc, việc cá biển chết nhiều gây tâm lý bất an.
Về nguyên nhân cá chết, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đại diện tỉnh Hà Tĩnh cho hay vẫn đang truy tìm. "Độc tố làm cá chết có thể là sinh học, hóa học hay là một loại nào khác. Cũng không loại trừ khả năng có một số chất độc như cyanua", ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Nông nghiệp nêu quan điểm.
Bày tỏ lo ngại trước những loại độc tố có thể khiến cá chết, Phó thủ tướng yêu cầu cần tìm hiểu rõ xuất xứ từ đâu. "Nếu thấy mình chưa đủ khả năng để kết luận thì hãy hợp tác với quốc tế. Nhiều tổ chức quốc tế có đầy đủ thiết bị, có thể học hỏi kinh nghiệm từ họ để tìm nguyên nhân cá chết".
Thiên An(Tổng hợp)
(Nguồn: Tuổi Trẻ, An Ninh Thủ Đô, Tri Thức Trực tuyến)
Xem thêm video tin tức:
[mecloud] gVM63qgtYo[/mecloud]