(ĐSPL) - Các bác sĩ đã đảo ngược cuống mạch tim của bệnh nhân từ bên phải về bên trái cho đúng với cấu tạo của tim được ghép, sau đó tạo chân đế để hạ quả tim mới vào.
Vừa qua, PGS.TS Nguyễn Hữu Ước, Trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch lồng ngực - Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), người trực tiếp ghép tim cho bệnh nhân Phan Thị Tuyến (27 tuổi), ở TP Yên Bái, bị tim bẩm sinh với quả tim nằm bên phải cho biết, sau 3 tháng được các bác sĩ tiến hành phẫu thuật, bệnh nhân Tuyến đã tự thở được, tình trạng sức khỏe đã tương đối ổn định. Hiện, bệnh nhân đang tiếp tục được điều trị tại khoa Phẫu thuật Tim mạch lồng ngực của bệnh viện.
Bệnh nhân Phan Thị Tuyến đã ổn định sức khỏe sau ca ghép tim. Ảnh: L.H |
Trước đó, vào đầu mùa hè, chị Tuyến bị sốc tim phải vào nhập viện tại Bệnh viện Việt Đức. Sau khi thăm khám, các bác sĩ ngạc nhiên phát hiện bệnh nhân có quả tim nằm bên phải lồng ngực. Đáng lo ngại hơn, quả tim này lại bị dị tật rất nặng, bất thường như: thất phải đường ra thể đảo gốc động mạch, thông sàn nhĩ thất toàn bộ, tĩnh mạch phổi lạc chỗ hoàn toàn, hẹp rất khít động mạch phổi. Tình trạng sức khỏe của bệnh nhân cũng rất yếu, suy kiệt, đã trải qua nhiều lần điều trị ở khắp các bệnh viện, mấy lần suýt chết, nên việc phẫu thuật càng tiềm ẩn rủi ro.
Sau một thời gian nghiên cứu kỹ bệnh án và có người hiến tim, vào tháng 6 vừa qua, Bệnh viện Việt Đức đã tiến hành triển khai ca ghép. Kíp phẫu thuật ghép tim do PGS.TS Nguyễn Hữu Ước dẫn đầu đã thành công trong việc đảo ngược cuống mạch tim của bệnh nhân từ bên phải về bên trái cho đúng với cấu tạo của tim được ghép, sau đó tạo chân đế để hạ quả tim mới vào.
Sau ghép vài ngày, quả tim mới đã hoạt động và bơm được máu. Tuy nhiên thận, phổi vẫn không hoạt động. Bệnh viện đã huy động các phương tiện hiện đại nhất để hỗ trợ, điều trị cho bệnh nhân. Một tháng sau khi ghép tim, thận đã hoạt động trở lại và sau 3 tháng, bệnh nhân đã tự thở được, sức khỏe đã tương đối ổn định.
Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Ước, đây là ca phẫu thuật ghép tim hy hữu nhất từ trước đến nay. Thành công của ca ghép tim này xứng đáng được đánh giá là một kỳ tích của nền y học Việt Nam.