Lý giải nguyên nhân nhiều công ty trả lại giấy chứng nhận, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP.HCM cho rằng “chủ yếu là do DN này sản xuất quá ít”.
Từ đầu năm đến nay, thị trường vàng trang sức, mỹ nghệ đìu hiu. Kinh doanh ế ẩm nên nhiều công ty đành phải trả giấy phép sản xuất vàng.
Khảo sát hàng loạt cửa hàng tại khu chợ kinh doanh vàng trên đường Lê Thánh Tôn, quận 1, TP.HCM cho thấy mãi lực rất thấp.
Một số chủ cửa hàng cho hay từ khi dịch COVID-19 bùng phát đến nay gần như chỉ mở cửa để phục vụ khách quen, rất hiếm khách vãng lai tới mua bán vàng. Tại nhiều khu vực kinh doanh vàng khác trên địa bàn TP.HCM cũng rơi vào tình trạng tương tự.
Trước tình trạng trên, một số cửa hàng vàng phải tạm đóng cửa, số còn lại hoạt động cầm chừng.
Chia sẻ về vấn đề trên, một chủ một DN tư nhân kinh doanh vàng tại chợ Trần Nhân Tôn, quận 10 cho biết: Kinh doanh vàng trong vài tháng trở lại đây khó khăn vô cùng. Lý do trước đây khi nền kinh tế phát triển, thu nhập của người dân ổn định hoặc tăng cao nên mới mạnh tay chi tiền mua sắm những mặt hàng xa xỉ, trang sức, vàng bạc. Còn hiện nay nền kinh tế khó khăn, thu nhập giảm sút, người lao động mất việc… nên sức tiêu thụ vàng trang sức giảm theo.
Một chủ tiệm vàng khác trên đường Lê Thánh Tôn, quận 1 cho biết thêm, từ sau tết đến nay chỉ có vài ngày tình hình mua bán vàng nhộn nhịp nhờ ngày vía Thần tài, sau đó hoạt động lay lắt. Đặc biệt, trong tháng 4 vừa qua, toàn bộ tiệm kinh doanh vàng phải đóng cửa nghỉ một tháng theo quy định giãn cách xã hội. Sau khi mở cửa hoạt động trở lại vào đầu tháng 5 tình hình mua bán không khả quan, thi thoảng mới có khách quen.
Buôn bán quá ế ẩm, 6 doanh nghiệp trả giấy chứng nhận kinh doanh vàng. Ảnh minh họa |
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP.HCM cho hay, chỉ riêng trong 3 tháng đầu năm nay đã có sáu công ty trả lại giấy phép sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. Còn nếu tính từ khi Nghị định 24/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng có hiệu lực đến thời điểm này đã có 75 DN trả lại giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.
Lý giải nguyên nhân nhiều công ty trả lại giấy chứng nhận, ông Minh cho rằng “chủ yếu là do DN này sản xuất quá ít”. Báo cáo hằng quý cho thấy có những đơn vị chỉ sản xuất… vài chỉ vàng/quý.
Được biết, trên địa bàn TP.HCM hiện có 837 điểm được cấp phép giao dịch mua bán vàng miếng thuộc 20 tổ chức tín dụng và 12 doanh nghiệp.
Thêm vào đó, 4 doanh nghiệp được tạm nhập vàng nguyên liệu để tái xuất sản phẩm cho hạn ngạch năm 2020 gồm Công ty TNHH XNK Huỳnh Thái, Công ty cổ phần Quốc tế Hoàn Thiện, Công ty TNHH vàng bạc đá quý Kim Hoàng Phát, và Công ty TNHH Nữ trang Danish.
Ngoài các đơn vị hoạt động, sản xuất kinh doanh vàng, NHNN chi nhánh TP.HCM còn cho biết có 15 tổ chức kinh tế hoạt động thu chi ngoại tệ tiền mặt trong kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng; 18 doanh nghiệp trực tiếp nhận và chi trả ngoại tệ (trong đó có Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam thông báo tạm ngưng hoạt động chi nhánh tại TP.HCM từ ngày 15/12/2019 đến 14/12/2020); 64 tổ chức kinh tế, tổ chức tín dụng làm đại lý chi trả ngoại tệ tại 69 điểm; và số đại lý đổi ngoại tệ là 98.
Báo cáo này được Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM gửi cho các cơ quan ban ngành trên địa bàn như Sở Kế hoạch và Đầu tư, Công thương, Thông tin truyền thông, Khoa học công nghệ, Hải quan, công an… để phối hợp quản lý các hoạt động ngoại hối, kinh doanh vàng trên địa bàn.
Vũ Đậu(T/h)