+Aa-
    Zalo

    Bước tăng vốn khủng của Vạn Cường và đường về tay đại gia Nguyễn Thủy Nguyên của Vivaso

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Sau khi tăng vốn điều lệ gần 7 tỷ đồng, công ty Vạn Cường của ông Nguyễn Thủy Nguyên đã mạnh dạn chi cả trăm tỷ đồng để mua cổ phần doanh nghiệp thuộc Bộ GTVT.

    Sau khi tăng vốn điều lệ gần 7 tỷ đồng, công ty Vạn Cường của ông Nguyễn Thủy Nguyên đã mạnh dạn chi cả trăm tỷ đồng để mua cổ phần doanh nghiệp thuộc Bộ GTVT điển hình là Vivaso.

    Ông Nguyễn Thủy Nguyên - Chủ tịch HĐQT Công ty Vạn Cường (nguồn: Zing.vn)

    Công ty TNHH liên hợp xây dựng Vạn Cường (Công ty Vạn Cường) được thành lập từ tháng 4/1992 với vốn điều lệ ban đầu là 6,898 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông sáng lập của Vạn Cường gồm: Nguyễn Thủy Nguyên (90,49%), Nguyễn Yên Đỗ (7,25%), Nguyễn Hồng Nguyên (2,17%) và Nguyễn Ngọc Hưng (0,09%). Công ty này do ông Nguyễn Thủy Nguyên làm Chủ tịch HĐQT và cũng là người đại diện pháp luật.

    Năm 2013, Vạn Cường có sự góp mặt của cổ đông mới là bà Lê Hải Yến. Bà Yến chính là vợ ông Nguyễn Thủy Nguyên và sở hữu 39,49% vốn điều lệ được chuyển nhượng từ ông Nguyên.

    Theo tìm hiểu của PV, từ năm 2005, Vạn Cường của ông Nguyễn Thủy Nguyên đã có những hợp đồng kinh tế với nhiều doanh nghiệp thuộc Bộ Giao thông và vận tải (Bộ GTVT).

    Có thể kể đến như: hợp đồng kinh tế số 28/HĐKT-XL-VEC/2007 giữa Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) và Liên danh Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 5 và Công ty Vạn Cường; hợp đồng xây dựng số 189/XĐXD-CIPM giữa Liên danh công ty Đầu tư Xây dựng Quyết Tiến và Công ty Liên hợp xây dựng Vạn Cường với Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long về việc thi công gói thầu số 04 "Xây dựng đường Gom phía Vĩnh Long" thuộc dự án "Xây dựng Cầu Cần Thơ"; hay hợp đồng số 54/HĐ-XD ký giữa Tổng công ty xây dựng công trình Giao thông 8 và Công ty Vạn Cường…

    Năm 2014 đánh dấu tên tuổi của Vạn Cường bằng việc thâu tóm cổ phần tại Tổng công ty vận tải thủy (Vivaso).

    Theo hồ sơ xác định giá trị DN do đơn vị tư vấn - Cty Hợp danh Kiểm toán Việt Nam công bố ngày 16/9/2013, giá trị doanh nghiệp của Vivaso trước khi tiến hành cổ phần hóa là 327 tỷ đồng (tròn số). Tại thời điểm đó, Vivaso đang quản lý sử dụng gần 50ha đất tại nhiều tỉnh, thành miền Bắc, trong đó có khá nhiều vị trí thực sự là “vàng” đối với doanh nghiệp.

    Ngoài ra, Vivaso là một thương hiệu khá mạnh trong lĩnh vực vận tải thủy, bộ và xếp dỡ hàng hóa; bên cạnh đó, còn có một hệ thống cảng với nhiều nhà xưởng, kho bãi tại các đầu mối giao thông quan trọng…

    Được Bộ GTVT "bật đèn xanh" Vạn Cường của ông Nguyễn Thủy Nguyên dễ dàng mua lại 45% cổ phần của Vivaso

    Từng trả lời Báo Pháp luật Việt Nam, cựu Chủ tịch Vivaso Phạm Ngọc Đích cho biết: “Sau khi định giá doanh nghiệp, ngày 19/3/2014, tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, chúng tôi bán đấu giá thành công 550.700 cổ phần, số còn lại (hơn 14 triệu cổ phần) chúng tôi xin phép Bộ GTVT cho trực tiếp thương thảo với các nhà đầu tư đã tham dự đấu giá thành công ngày 19/3/2014 để bán tiếp cho đến hết ngày 4/4/2014. Nhưng ngay sau đó, có chỉ đạo từ Bộ là phải đàm phán bán cho nhà đầu tư Cty Liên hợp xây dựng Vạn Cường”.

    “Ngày đầu IPO chỉ bán được hơn 5 tỷ đồng cổ phần, số còn lại chưa ai mua nhưng ngay sau đó, Công ty Vạn Cường đã “đổ” vào một lúc cả trăm tỷ đồng để mua khiến chúng tôi hết sức ngạc nhiên! Thậm chí, lúc ấy tôi còn tự thắc mắc không biết họ lấy đâu ra mà nhiều tiền thế? Tiền đó là “bẩn” hay “sạch?” – ông Đích cho biết.

    Và với việc được Bộ GTVT giới thiệu, sau đó Vạn Cường đã dễ dàng mua 14 triệu cổ phần của Vivaso với giá 140 tỷ đồng, và trở thành cổ đông lớn với tỷ lệ sở hữu 45%.

    Theo tìm hiểu của PV, thông tin từ Công thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp thể hiện, tháng 7/2015 Vạn Cường của ông Nguyễn Thủy Nguyên mới có bước tăng vốn từ 6,898 tỷ đồng lên 300 tỷ đồng.

     Trước đó, trong ngày 24/6/2014, Công ty Vạn Cường có hai giao dịch dùng Khoản phải thu từ hợp đồng thi công xây dựng công trình số 06/THDC/2011/HĐKT giữa Ban Quản lý Dự án I và Vạn Cường, và Khoản phải thu từ hợp đồng 03/HDXD giữa Ban quản lý dự án xây dựng đường Cao tốc Nội Bài -Lào Cai và Vạn Cường có trị giá hơn 300 tỷ đồng, làm tài sản đảm bảo tại Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank) – chi nhánh Hoàn Kiếm.

    Từng chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Thủy Nguyên cho rằng ngành “vận tải thủy nghèo, cổ phần bán không ai mua”. Thế nhưng, năm 2016, Bộ GTVT quyết định bán nốt cổ phần tại Vivaso, ông Nguyên và một người “quen” cùng tham gia đấu giá.

    Theo đó, Bộ GTVT đấu giá 7.349.131 cổ phần của Vivaso với giá khởi điểm theo 1 cổ phần là 10.119 đồng tương ứng giá khởi điểm theo lô 74,37 tỷ đồng.

    Có 3 nhà đầu tư đủ điều kiện tham gia đấu giá đều là các nhà đầu tư cá nhân. Danh sách công bố là bà Phạm Thị Linh, ông Nguyễn Thủy Nguyên và bà Dương Thị Huyền Quyên.

    Kết quả, một cá nhân trúng thầu với giá trúng cả lô 74,37 tỷ đồng, tương ứng mức chênh so với giá khởi điểm vỏn vẹn 4 triệu đồng. Nhà đầu tư ra mức giá thấp nhất 74,366 tỷ đồng, xấp xỉ bằng giá khởi điểm.

    Điểm đáng chú ý, trong 3 cá nhân đăng ký đấu giá thì có hai người có địa chỉ đăng ký thường trú cùng nhau, đó là ông Nguyễn Thủy Nguyên và bà Dương Thị Huyền Quyên.

    Bà Quyên cũng chính là một “mắt xích” giúp Vạn Cường và ông Nguyên nắm nhiều cổ phần, giúp nâng cao tỷ lệ sở hữu tại một số doanh nghiệp thuộc Bộ GTVT trong những đợt cổ phần hóa.

    THỦY TIÊN

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/buoc-tang-von-khung-cua-van-cuong-va-duong-ve-tay-dai-gia-nguyen-thuy-nguyen-cua-vivaso-a317687.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan