+Aa-
    Zalo

    Bụi trắng phát tán từ nhà máy Alumin Nhân Cơ có độc hại?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Muốn đánh giá mức độ độc hại của bột trắng phát tán từ Nhà máy Alumin Nhân Cơ, cần phải xác định chính xác Alumin đang ở công đoạn nào của quá trình sản xuất.

    Chuyên gia hóa học Trần Hồng Côn cho rằng, muốn đánh giá mức độ độc hại của bột trắng phát tán từ Nhà máy Alumin Nhân Cơ, cần phải xác định chính xác Alumin đang ở quá trình nấu kiềm hay ở công đoạn sấy khô.

    Hôm 28/6, người dân tại địa bàn xã Nhân Cơ (huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông) trình báo với cơ quan chức năng việc phát hiện bụi trắng bám trên cây trồng. Sau đó, Sở TN-MT Đắk Nông cùng Công ty nhôm Đắk Nông - TKV (đơn vị trực tiếp quản lý, vận hành Nhà máy sản xuất Alumin Nhân Cơ) cùng chính quyền địa phương tiến hành kiểm tra sự việc.

    Nhà máy Alumin Nhân Cơ phát tán bột Alumin ra ngoài môi trường. Ảnh: Vietnamnet

    Và theo thông tin từ ông Nguyễn Văn Hiệp, Phó giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Đắk Nông, sau khi kiểm tra hiện tượng trên, đoàn kiểm tra nhận định đây là bụi Alumin từ nhà máy phát tán ra ngoài môi trường.

    Cùng với đó, đại diện Nhà máy Alumin Nhân Cơ cũng thừa nhận, trong quá trình sản xuất, áp suất trong đường ống dẫn Alumin tăng nên khi xả vào bể chứa hở có gió lớn đã cuốn bột Alumin ra khỏi nhà máy, bay vào một số khu vực lân cận.

    Trước những băn khoăn của độc giả về tình trạng bụi trắng Alumin bị phát tán  như đề cập ở trên liệu có thể gây độc cho khu dân cư và môi trường, chuyên gia hóa học - PGS.TS Trần Hồng Côn (Khoa Hóa học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, bụi thải trên có chứa độc hay không và độc tính ở mức độ nào thì cần phải xác định được chính xác Alumin này đang ở công đoạn còn chứa kiềm hay công đoạn sấy khi đã trung tính.

    "Alumin xả vào bể chứa thủy phân thì nghĩa là đang chứa kiềm, thậm chí nồng độ kiềm khá cao. Theo đó, nó có khả năng ăn mòn cao. Khi người hít phải bụi này, phổi có thể bị ăn mòn; hoặc nếu trường hợp vết thương hở thì Alumin có thể xâm nhập vào tế bào, phá hủy cơ chế tự bảo vệ và miễn dịch từ bên trong tế bào. Còn nếu Alumin đang ở công đoạn sấy thì đã trung tính, không còn chứa độc tính về mặt hóa học mà chỉ còn độc tính về mặt cơ học. Cụ thể, trong trường hợp này, Alumin trung tính là một dạng bột trơ, mịn, gần giống như bụi mịn PM10 hay PM2.5, có thể lọt sâu vào phế nang của phổi, gây viêm nhiễm đường hô hấp" - PGS.TS Trần Hồng Côn phân tích.

    Cũng theo chuyên gia hóa học Trần Hồng Côn, trong trường hợp này, đơn vị phát tán bụi Alumin ra môi trường hoặc nhà chức trách trực tiếp xử lý bụi sẽ tốt hơn để người dân tự khắc phục, dọn dẹp. Vì bụi bị phát tán trên diện rộng nên cần phải lên phương án xử lý tổng thể, đồng bộ, kịp thời; giảm thiểu tác động tới dân cư và môi trường.

    Được biết, đây là lần thứ hai Công ty Nhôm Đắk Nông - TKV xảy ra sự cố môi trường. Trước đó, tháng 7/2016, đơn vị này đã để tràn kiềm ra suối Đắk Yao, gây ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân ven suối.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bui-trang-phat-tan-tu-nha-may-alumin-nhan-co-co-doc-hai-a195429.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan