Mới đây, chủ đầu tư dự án BOT Quốc lộ 91 Cần Thơ - An Giang có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ công tác thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ hoàn vốn Quốc lộ 91.
Chủ đầu tư khẳng định, công tác tổ chức thu phí hoàn vốn tại trạm thu phí T2 đúng quy định tại Thông tư của Bộ Tài chính và Hợp đồng BOT. Quá trình thu phí sau gần 3 năm, báo cáo tài chính cho thấy dự án đã “âm” 99,2 tỷ đồng.
Trong quá trình khai thác dự án nhiều chủ xe, chủ phương tiện gây rối tại Trạm thu phí T2. Từ tháng 2/2018, liên tục xảy ra tình trạng các phương tiện cố tình dừng lại giữa các làn thu phí gây ùn tắc, mất an toàn giao thông và an ninh trật tự. Đặc biệt từ sau khi cầu Vàm Cống khánh thành (ngày 19/5/20/19), tình trạng trên càng trở nên nghiêm trọng và nằm ngoài tầm kiểm soát. Mặc dù vậy, theo thoả thuận tại Hợp đồng BOT cũng như pháp luật hiện hành lại chưa có chế tài xử lý đối với các trường hợp này.
Sau các sự cố, thực hiện chỉ đạo từ cơ quan chức năng, chủ đầu tư đã phải xả trạm T2 từ 25/5. Việc dừng thu phí này đã dẫn đến doanh thu sụt giảm nghiêm trọng.
Trạm BOT T2. Ảnh: Pháp luật TP.HCM |
Với thực trạng trên, Công ty cổ phần Đầu tư Quốc lộ 91 Cần Thơ - An Giang đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan có phương án nhận lại dự án, hoàn trả chi phí đầu tư để có nguồn trả nợ ngân hàng, ổn định tình hình sản xuất kinh doanh, không làm ảnh hưởng đến người lao động.
Cũng theo chủ đầu tư, trong trường hợp Chính phủ không có phương án nhận lại dự án thì để đảm bảo duy trì thực hiện Hợp đồng BOT theo đúng thoả thuận đã được ký kết giữa Nhà đầu tư và Chính phủ (Bộ GTVT), đề nghị Chính phủ có phương án hỗ trợ dự án phần chi phí giải phóng mặt bằng (khoảng 400 tỷ đồng) và chi phí xây dựng QL91B (khoảng 480 tỷ đồng), dự án chỉ thu phí tại Trạm T1 để hoàn vốn chi phí đầu tư xây dựng Quốc lộ 91.
Được biết, trước đó, hồi tháng 5, thông tin với báo chí, ông Nguyễn Văn Khang - Chủ tịch HĐQT Công ty Quốc lộ 91 Cần Thơ - An Giang, chủ đầu tư BOT T2 cho biết, dự án BOT T2 có tổng đầu tư là 1.720 tỷ, doanh thu hơn 10 tỷ/tháng trong khi lãi vay phải trả khoảng 10,5 tỷ đồng/tháng.
Công ty cổ phần BOT Quốc lộ 91 được biết đến là công ty con của Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Cường Thuận IDICO với tỷ lệ sở hữa gần 60%.
Theo Báo cáo tài chính đã kiểm toán của Cường Thuận IDICO trong các năm 2016, 2017 và 2018 cho thấy, doanh thu của công ty tại BOT Quốc lộ 91 đạt 519 tỷ đồng. Cụ thể, năm 2016 đạt doanh thu gần 363 tỷ đồng, năm 2017 đạt gần 127 tỷ đồng và năm 2018 đạt 29,5 tỷ đồng.
Cùng với đó, Báo cáo tài chính quý I/2019 cũng cho biết, Công ty BOT quốc lộ 91 hoạt động có lãi. Và trong những năm qua, mỗi năm, Cường Thuận IDICO thu về hàng trăm tỷ đồng từ các dự án BOT.
Công ty BOT quốc lộ 91 được thành lập vào tháng 5/2014 với mục đích thực hiện Dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 91 đoạn Km14+000 - Km50+889 theo hình thức BOT. Công ty này có vốn điều lệ 235 tỷ đồng với 3 cổ đông sáng lập gồm: Công ty cổ phần đầu tư phát triển Cường Thuận IDICO; Tổng Công ty phát triển khu công nghiệp và cá nhân ông Nguyễn Văn Khang. Theo Báo cáo tài chính quý I/2019 của Cường Thuận IDICO, công ty này đang sở hữu 59,57% (tương đương 168 tỷ đồng) vốn điều lệ của BOT quốc lộ 91. |
Vũ Đậu