Su-57 là nỗ lực lớn của Nga trong việc phá thế độc tôn của Mỹ về việc sở hữu chiến đấu cơ tàng hình, nhằm phục vụ cho sứ mệnh tác chiến không đối không.
Tiêm kích đa nhiệm Su-57. Ảnh: Getty |
Tháng 6/2019, Bộ Quốc phòng Nga và Công ty Sukhoi đã ký hợp đồng, theo đó, 76 máy bay Su-57 đầu tiên sẽ được hoàn tất vào năm 2027, dự kiến trang bị cho 3 trung đoàn triển khai tại 3 khu vực chiến lược của Nga nằm ở phía tây bắc, tây nam và vùng Viễn Đông.
Chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 của Nga, Sukhoi Su-57 (còn có biệt danh PAK FA, hoặc T-50) là máy bay chiến đấu phản lực tàng hình đa năng, hai động cơ, một chỗ ngồi, được phát triển từ năm 2002 để vượt qua các hệ thống phòng không của đối phương, phá hủy mọi loại mục tiêu trên không tầm xa và gần, tấn công các mục tiêu trên mặt đất và trên biển.
Su-57 có chiều dài 19,8m, sải cánh 13,95m, cao 4,74m, trọng lượng rỗng 18 tấn, trọng lượng cất cánh tối đa 35 tấn, tải trọng nhiên liệu 10,3 tấn, tải trọng vũ khí 8 tấn; có thể đạt tốc độ tối đa Mach 2, bay siêu hành trình Mach 1,6, tầm bay cực đại tốc độ siêu âm 1.500km và 4.500km khi mang tối đa nhiên liệu trong - ngoài; trần bay 20km.
Mẫu Su-57 thử nghiệm sử dụng động cơ phản lực Izdeliye-117, phiên bản Su-57 sản xuất hàng loạt sử dụng động cơ phản lực Izdeliye-30, cung cấp lực đẩy cao hơn 30%, cho phép máy bay hoạt động ở độ cao tới hơn 21 km so với mực nước biển.
Su-57 được thiết kế để phá hủy mọi loại mục tiêu trên không. Ảnh: AP |
Su-57 được thiết kế chủ yếu phục vụ cho sứ mệnh tác chiến không đối không. Máy bay có khả năng mang theo một tải trọng vũ khí lớn lên tới 10 tên lửa không đối không.
Su-57 có 2 khoang vũ khí lớn dưới bụng với kích thước 4,6x1 m mỗi khoang, cùng 2 khoang vũ khí nhỏ bên hông. Su-57 có thể mang theo 4 tên lửa không đối không ngoài tầm nhìn RVV-MD trong khoang lớn và 2 tên lửa không đối không hồng ngoại R-73.
Đặc biệt, Su-57 có thể mang 4 tên lửa không đối đất Kh-38, hoặc 4 tên lửa chống bức xạ Kh-58. Đây là tính năng mà F-22 không có. Su-57 có khả năng cơ động rất cao. Một số nguồn tin nói rằng khả năng cơ động của Su-57 nhỉnh hơn F-22. Su-57 có thể cơ động đột ngột để tránh tên lửa và chuyển sang vị trí phản công đối phương.
Điểm mấu chốt tạo nên sự cơ động ưu việt của Su-57 là được trang bị động cơ kiểm soát vector lực đẩy 3 chiều. Trong khi đó, động cơ của F-22 chỉ có khả năng kiểm soát vector lực đẩy 2 chiều. Chiến đấu cơ của Nga được trang bị hệ thống tìm kiếm và theo dõi mục tiêu hồng ngoại OLS-50M mà F-22 Raptor không có.
Mộc Miên (T/h)