+Aa-
    Zalo

    "Bông hồng" đặc biệt trong trụ sở CIA: Nữ điệp viên quan trọng của cả Trái đất, cống hiến thầm lặng không cần ai ghi nhận

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Đóng một vai trò quan trọng đối với sự phát triển của Trái đất nhưng bà Linda Zall vẫn luôn thầm lặng cống hiến mà không cần ai ghi nhận trong suốt nhiều năm qua.

    Đóng một vai trò quan trọng đối với sự phát triển của Trái đất nhưng bà Linda Zall vẫn luôn thầm lặng cống hiến mà không cần ai ghi nhận trong suốt nhiều năm qua.

    Bà Linda Zall là một "ngôi sao sáng" đã đóng góp cho sự phát triển vượt bậc của nước Mỹ trong nhiều thập kỷ qua. Tuy vậy, những công lao của bà phần lớn được giữ kín và chưa bao giờ được chia sẻ trên truyền hình. Duy chỉ có một cơ sở lưu trữ dữ liệu về các ấn phẩm khoa học còn lưu lại một vài bài báo về bà Linda Zall trong thời gian từ năm 1980 đến năm 2020.

    Bà Linda Zall đã có nhiều đóng góp lớn cho sự phát triển của Mỹ nhưng ít được ai biết đến. Ảnh: NYT

    Nguyên nhân của điều này là bởi bà đã phải giữ kín công việc của mình trong những năm làm việc theo quy định của Cục Tình báo Trung Ương (CIA). Mãi đến thời điểm hiện tại, khi đã ở tuổi 70, bà Zall mới bắt đầu kể lại những câu chuyện về "thời hoàng kim" của mình. 

    Niềm đam mê và đóng góp vĩ đại

    Chia sẻ về công việc trong CIA, bà cho biết: "Nó rất thú vị. Công việc ấy cho tôi rất nhiều niềm vui".

    Một trong những dự án đầu tiên của bà Linda Zall được miêu tả giống như một chiếc máy lưu trữ thông tin từ năm 1960, nhằm tạo ra một cơ sở mới để đánh giá tốc độ và phạm vi thay đổi của hành tinh. Nhờ vậy, hàng nghìn bản báo cáo nghiên cứu đã được ra đời, một số được lưu giữ tuyệt mật, một số được công khai và một số được thực hiện bởi Học viện Khoa học Quốc gia Mỹ.

    Các báo này cung cấp những thông tin quý giá về sự thay đổi của hành tinh trong các điều kiện môi trường khác nhau như khi có tuyết rơi, bão tuyết, biển băng và sông băng. 

    Ông Jeffrey K. Harris, từng làm việc với tiến sĩ Linda Zall với tư cách giám đốc Văn phòng Trinh sát Quốc gia, nhận xét: "Những việc này sẽ không xảy ra nếu không có sự đóng góp của bà ấy. Khi bạn phải cân nhắc về việc phá vỡ bức tường hay trèo qua nó để đạt được thành công thì bà ấy đã làm cả 2 việc này". 

    Bà Zall đã phân tích những hình ảnh thu được từ vệ tinh ngoài không gian để nghiên cứu sự thay đổi của Trái đất. 

    Một số người hâm mộ lớn nhất của bà chính là những thành viên còn sống trong nhóm 70 nhà khoa học ưu tú mà Tiến sĩ Zall đã tuyển dụng để sàng lọc và phân tích hàng núi hình ảnh từ một kho lưu trữ bí mật. Kho lưu trữ chủ yếu được tích lũy nhờ việc Washington theo dõi kẻ thù từ không gian. 

    Những tấm ảnh tuyệt mật được bà Zall sử dụng cho mục đích môi trường được lấy từ hệ thống vệ tinh do thám. Hệ thống này có khả năng cho ra hình ảnh cực kỳ chất lượng, đến mức nhìn ngay cả biển số xe cũng có thể được thấy rõ từ vũ trụ. Những hình ảnh chất lượng cao này đã giúp các nhà môi trường học nhận ra rằng 2 cực của Trái đất đang nóng lên, trở thành tâm điểm chịu ảnh hưởng với các đợt băng tan nhanh.

    D. James Baker, người chỉ đạo Cục Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia từ năm 1993 đến năm 2001 và từng làm việc cho tiến sĩ Zall, cho biết: "Những hình ảnh này cho chúng tôi những phép đo thực tế đầu tiên về số lượng băng và sự tan chảy dần của chúng từ năm này qua năm khác".

    Được biết, công việc trong lĩnh vực môi trường của bà Linda Zall bắt đầu từ năm 1990, khi cựu phó Tổng thống Al Gore, khi ấy còn là một thượng nghị sĩ đảng Dân chủ, viết một lá thư yêu cầu CIA đánh giá khả năng giải quyết vấn đề môi trường. Theo đó, CIA đã đưa tiến sĩ Linda Zall vào danh sách những người phụ trách vấn đề này và bà đã không để họ thất vọng.

    Bà Zall kể lại: "Tôi đã làm việc cả ngày lẫn đêm. Tôi vô cùng đam mê công việc này. Những thông tin tuyệt mật là những gì tôi yêu thích nhất".

    Đóng góp thầm lặng

    Bà Linda Zall là người con lớn nhất trong gia đình có 3 anh chị em tại North Hornell (New York, Mỹ). North Hornell vốn là một ngôi làng nép mình trong vùng đất nông nghiệp trập trùng gần Hồ Finger. Trong thời thơ ấu của mình, bà Zall từng sống với thiên nhiên và đã dành nhiều tình yêu với điều này. 

    Tiến sĩ Zall chia sẻ: "Tôi không hề ép mình phải yêu thiên nhiên. Chỉ là tôi không còn biết đến thứ gì khác ngoài vấn đề này. Chúng tôi từng dựng lều và tận hưởng không khí của thiên nhiên trên đồi đến mức từng suýt mất mạng". 

    Bà Linda Zall thời trẻ. Ảnh: Linda Zall

    Tới giữa những năm 1960, cha của bà Zall đã quyết định chuyển cả gia đình đến Ithaca (New York) để ông có thể theo học tiến sĩ khoa học thực phẩm tại Đại học Cornell. Chính quyết định này đã khơi dậy niềm đam mê và yêu thích khoa học của bà Zall. Năm 1976, bà nhận bằng tiến sĩ tại Đại học Cornell chuyên ngành kỹ thuật dân dụng và môi trường.

    Sau khi tốt nghiệp, bà Zall đã dần dần có được chỗ đứng cao hơn trong sự nghiệp. Từ năm 1975 đến năm 1984, bà làm việc cho Tập đoàn Vệ tinh Trái đất có trụ sở tại thủ đô Washington D.C. 

    Tới năm 1985, trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, bà Linda Zall đã được tuyển dụng vào làm việc tại CIA. Thời điểm ấy, các vệ tinh của Mỹ đang được sử dụng trong việc do thám và giám sát mọi hành động của phía Nga (khi ấy là Liên Xô). Bà đã tận dụng kỹ năng của mình để để cải thiện việc phân tích các hình ảnh do thám và lập kế hoạch cho các thế hệ vệ tinh do thám mới.

    Năm 1989, bà nhận nhiệm vụ mới là liên lạc viên của CIA cho Jasons - một nhóm các nhà khoa học ưu tú cố vấn cho Washington về các vấn đề quân sự và tình báo. 

    Tuy nhiên, đến năm 1991, Liên Xô bất ngờ tan rã. Sự sụp đổ của Liên Xô đồng nghĩa với việc các vệ tinh của Mỹ cần một mục tiêu khác để làm việc. Theo đó, trước câu hỏi của ông Al Gore về về công dụng của vệ tinh không gian, bà Linda Zall là người đã đề xuất sử dụng những hình ảnh này vào việc nghiên cứu môi trường. 

    Vào tháng 5/1992, một bài đăng của AP với tiêu đề "Các bức ảnh vệ tinh do thám có thể hỗ trợ trong nghiên cứu môi trường toàn cầu" đã mô tả chi tiết đề xuất của bà Linda Zall nhưng tuyệt nhiên không hề nhắc tới tên bà.

    Sau đó, bà Zall đã tuyển dụng một nhóm 70 nhà khoa học cùng mình làm việc trong lĩnh vực môi trường. Nhóm này có tên Medea.

    Jeff Dozier, một nhà thủy văn học về tuyết tại Đại học California, và là người được tuyển dụng vào nhóm của bà Linda Zall, nhớ lại: "Bà ấy muốn hiểu về thiên nhiên. Bà ấy thực sự rất tò mò về vấn đề này và bà ấy cũng rất giỏi trong việc lôi kéo chúng tôi".

    Điều này đã trở thành tiền đề để Tổng thống Bill Clinton yêu cầu giải mã hơn 800.000 dữ liệu mật mà vệ tinh thu thập được từ năm 1962 -1972 nhằm làm rõ những bí mật quân sự trong chiến tranh. Những hình ảnh được sử dụng không chỉ bao gồm căn cứ quân sự mà còn cả hình ảnh về các vùng đất trơ trụi do phá rừng và một vùng biển khô cằn đã cạn nước. 

    Nhóm Medea đã tạo động lực để Hải Quân Mỹ công bố các thông tin tuyệt mật thu được về đáy biển. Đến cuối năm 1995, một bản đồ mới về đáy biển được công bố, cho thấy được sự hiện diện của các khe nứt và núi lửa ở đó.

    Tiến sĩ Zall (giữa) và cựu phó Tổng thống Al Gore (bên phải) trong cuộc họp tại Nhà Trắng vào giữa  các quan chức tình báo và quốc phòng Mỹ-Nga vào tháng 12/1995. Ảnh: Linda Zall

    Nhận xét về dự án này, ông John A. Orcutt cho biết: "Đây là tấm bản đồ đầu tiên và toàn diện nhất về đáy biển toàn cầu". 

    Những hình ảnh này đã trở thành tiền đề cho các hình ảnh chi tiết mà chúng ta thấy ở Google Earth ngày nay. Thập niên 2000, nhóm Medea ít được quan tâm hơn và trở nên lặng lẽ dưới thời cựu Tổng thống George W. Bush. Tuy nhiên, đến cuối năm 2008, cựu Tổng thống Obama đã giúp mọi chuyện sôi động trở lại.

    Cuối năm 2009, CIA thành lập Trung tâm về Biến đổi khí hậu và An ninh quốc gia. Nhiệm vụ của cơ quan này là giúp các nhà hoạch định chính sách của Mỹ hiểu rõ hơn về tác động của lũ lụt, mực nước biển dâng, sự dịch chuyển dân số, sự bất ổn của các bang và sự cạnh tranh ngày càng cao đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên

    Tới năm 2013, tiến sĩ Linda Zall nghỉ hưu. Sau đó 2 năm, năm 2015, nhóm Medea cũng bị giải tán dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump. 

    Trong một buổi phỏng vấn gần đây, các thành viên cũ của nhóm Medea cho biết Tổng thống đương nhiệm Joe Biden có thể đang muốn thành lập một nhóm tương tự. Theo đó, bà Zall cũng tán thành ý tưởng này,  bà nói rằng nghiên cứu của Medea thực tế vẫn chưa được hoàn thành. 

    Minh Hạnh (Theo NY Times)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bong-hong-dac-biet-trong-tru-so-cia-nu-diep-vien-quan-trong-cua-ca-trai-dat-cong-hien-tham-lang-khong-can-ai-ghi-nhan-a358498.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan