+Aa-
    Zalo

    Bóng đá Việt Nam: Mô hình kỳ quặc nhất thế giới

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Ngoài thể thức thi đấu mang tính căn bản, những gì cấu tạo nên hệ thống thi đấu đều hỗn loạn đến mức bất hợp lý, triệt tiêu mọi nguồn lực phát triển.

    Không ai có thể xác định được mô hình của hệ thống các giải đấu cao nhất của bóng đá Việt Nam. Ngoài thể thức thi đấu mang tính căn bản, những gì cấu tạo nên hệ thống thi đấu đều hỗn loạn đến mức bất hợp lý, triệt tiêu mọi nguồn lực phát triển. Ấy vậy VFF vẫn cứ bình chân như vại dù mỗi năm nhận 10 tỷ đồng từ VPF và có đến 30\% cổ phần trong công ty này.

    Kỳ quặc nhất thế giới

    Không đâu trên thế giới mà số lượng CLB bên dưới ít phân nửa so với bên trên. Nếu sự bất hợp lý ấy do hoàn cảnh, thôi thì cũng tạm chấp nhận, đằng này đã ít rồi mà còn có số lượng đội thăng hạng gấp đôi so với đội xuống hạng. Nghĩa là chẳng ở đâu, được lên hạng dễ hơn bị xuống hạng như tại Việt Nam. Có mùa, dù chỉ 8 đội hạng Nhất nhưng đến 2,5 suất lên chuyên nghiệp, dẫn đến việc các đội như Cần Thơ, Đồng Tháp đá 14 trận chỉ thắng 6, tức là chưa đến 50\% nhưng vẫn đường hoàng lên đá V-League. Tình hình còn tệ hơn nếu xét đến các giải hạng Nhì, hạng Ba, nơi mà đội nào muốn thăng hạng thậm chí còn được… cảm ơn.

    An Giang xin dừng cuộc chơi sau khi xuống hạng năm 2014. Ảnh: Dũng Phương

    Như vậy, bóng đá Việt Nam đang được vận hành theo một cách phản khoa học và chắc chắn, nó không liên quan đến bất kỳ mô hình nào của bóng đá chuyên nghiệp. Người ta đầu tư cho các đội hạng Nhất để thăng hạng cốt là để có lợi nhuận từ việc được đá V-League, đằng này các đội từ hạng Nhất lên gần như phải đầu tư một lần nữa với con số gấp 2-3 lần. Thế mới có chuyện truyền thống lẫy lừng như Đồng Tháp vừa nhận vé thăng hạng đã hô… giải thể. Hay chuyện các đội ở V-League rớt xuống hạng Nhất không thoải mái thì thôi, đằng này cũng xin giải thể vì… thiếu nợ.

    Cái hình tháp ngược của bóng đá Việt Nam dẫn đến một tình trạng đó là phân nửa cầu thủ đang đá V-League thực ra chỉ đủ tầm đá hạng Nhất. Về nguyên tắc, số lượng cầu thủ hạng Nhất phải đông gấp đôi so với V-League thì mới có thể phát hiện tài năng, đằng này có những cầu thủ mùa này đá được chục trận thì mùa sau đã phải “nhồi” đến 30 trận, làm sao không sinh ra đá bậy, đá láo.

    Chẳng giống ai

    Đã gọi là bóng đá chuyên nghiệp tức là đầu tiên, mọi thành phần của CLB phải chuyên nghiệp. Trong 8 đội dự giải hạng Nhất mùa này, chỉ có Hà Nội tạm xem là CLB chuyên nghiệp, 7 đội còn lại thực ra vẫn được bao cấp bởi địa phương và ngành. Họ sẽ làm gì nếu thăng hạng? chẳng cần làm gì cả, cứ lên V-League là được xem như chuyên nghiệp mặc dù các điều khoản trong quy chế chuyên nghiệp được nêu khá chi tiết.

    Nó khác hẳn những mô hình chuyên nghiệp trên thế giới. Việc đầu tiên, người ta phải xác định các đội có đủ tiêu chuẩn chuyên nghiệp trước, sau đó mới phân hạng. Thông thường sẽ mất 2-3 mùa không có chuyện lên – xuống hạng. Ông nào không đáp ứng được, cứ vui vẻ về sân chơi nghiệp dư, khi nào đủ điều kiện thì bắt đầu tham gia từ giải thấp nhất. Hệ thống thi đấu của các quốc gia tiên tiến đều có đến 4-5 cấp độ: Chuyên nghiệp – bán chuyên – nghiệp dư – phong trào. Với hệ thống phân cấp theo tiêu chuẩn thì cho dù một CLB thuộc một trường đại học vẫn có thể dự giải chuyên nghiệp nếu hội đủ tiêu chí, ngược lại sẽ có chuyện một thành phố lớn nhưng chẳng có CLB chuyên nghiệp. Trong khi đó, tại Việt Nam thì cứ là đội trực thuộc địa phương thì đương nhiên đá hạng Nhì, đá tốt thì lên hạng Nhất, tốt nữa thì V-League, miễn là chịu bỏ tiền ra để hoạt động còn các tiêu chuẩn thì “tới đâu hay tới đó”. Hoàn toàn không có khái niệm “đầu tư bóng đá”, đây là nguồn gốc của kiểu “thích thì chơi, chán thì nghỉ” nhiều năm qua.

    Chẳng giống cả…Việt Nam

    Trước khi V-League ra đời, hệ thống thi đấu của bóng đá Việt Nam lại vô cùng chặt chẽ, thậm chí còn mang tính chuyên nghiệp hơn hiện nay. Ví dụ như ở mùa giải đầu tiên năm 1980, có 15 đội thì chỉ 5 đến từ các địa phương, 10 đội còn lại thuộc các ngành hoặc công ty. Mà để có một Tổng cục Đường sắt thì phải có hệ thống thi đấu ngành đường sắt tuyển chọn ra đội tuyển mạnh nhất để thi thố với các ngành khác. Với các địa phương, họ phải trải qua những giải đấu hạng A2 khu vực để trở thành đội A1. Tại TPHCM những năm 80, giải đấu toàn thành có thể nói chất lượng còn cao hơn V-League hiện nay với hàng chục đội bóng đại diện cho sở, ngành, công ty… trên địa bàn. Chuyện giành giật cầu thủ diễn ra như cơm bữa và bản thân cầu thủ khi đó cũng chỉ “ăn, ngủ, đá bóng, nhận tiền” chẳng khác gì cầu thủ chuyên nghiệp hiện nay. Đây là lý do mà có những thời điểm, đội tuyển quốc gia chưa chắc “ngon lành” hơn các đội tuyển TPHCM hay Thể Công, Công an…

    Phần móng của bóng đá Việt Nam khi đó to lớn đến mức, nhiều tỉnh 5-7 đội A2, mỗi huyện lỵ đều có sân bóng với sức chứa 5.000 - 7.000 khán giả và thi đấu liên tục từ giải cấp tỉnh đến giải khu vực toàn quốc.  Chính cái hệ thống lọc khổng lồ đó đã tạo nên những địa phương có truyền thống bóng đá chứ không phải chỉ cần bỏ tiền ra là bầu Đức có ngay một CLB vô địch V-League ngay tại Gia Lai, nơi chỉ là một vùng trắng trước đó.

    Dư người làm, thiếu người suy nghĩ

    Ba giải đấu cao nhất: V-League, hạng Nhất, Cúp Quốc gia đã giao cho VPF. Từ U.21 đến U.19, U.17, U.15 cũng có các đơn vị ngoài xã hội phụ giúp. Việc kinh doanh các thương hiệu đội tuyển quốc gia khoán cho Dentsu, xem ra VFF chẳng có quá nhiều việc để làm.

    Thật ra thì cũng chẳng ai cần một tổ chức quản lý như họ làm gì, công việc chính vẫn là hoạch định chiến lược, nghiên cứu thực tế phát sinh và điều chỉnh các luật lệ trong hoạt động bóng đá. Khổ nỗi, đây lại chính là phần yếu nhất của VFF.

    Như khi vừa được bầu, ông Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng đã tuyên bố sẽ kiếm hơn 300 tỷ cho bóng đá Việt Nam. Nghe thì cũng mừng nhưng chẳng ai hiểu kiếm 300 tỷ để làm gì khi đó hoàn toàn không phải là chức năng của một liên đoàn? Kiếm bằng cái gì  khi mà từ đội tuyển đến các giải chuyên nghiệp đã được “khoán”? Và quan trọng hơn, tại sao ông chủ tịch lại nói về tiền trong khi cái người ta cần là tầm, tức là tư duy, là khả năng hoạch địch chiến lược và vận động các nguồn thực để thực hiện.

    Rốt cục thì sao? Thuê HLV Miura cũng thuộc dạng “vừa bán, vừa cho”, đội tuyển suốt 2 năm qua đá chưa được chục trận giao hữu, áo thi đấu của đội tuyển từ Lining (Trung Quốc), lên được Nike, giờ xuống thành Grand (Thái Lan). Từ đầu nhiệm kỳ 7 đến nay, nếu không có hiện tượng U.19 thì đời sống bóng đá Việt Nam cực kỳ nghèo nàn và tiền thì cũng chẳng thấy, kể cả trên chiếc áo của các đội tuyển.

    Đội tuyển quốc gia từng được hãng Nike tài trợ áo đấu. Ảnh: Hoàng Hùng

    Trong khi đó, việc để V-League bị cắt đến 5 khúc, thi đấu thực sự chỉ có 5 tháng với 26 trận là không ổn về mật độ. Các giải hạng Nhất và Cúp Quốc gia vẫn có số trận tối thiểu, thời gian ngưng thi đấu của các CLB chuyên nghiệp từ mùa này sang mùa tới mỗi lúc một dài hơn gây lãng phí cho những nhà đầu tư, tài trợ, đó đều là những chuyện mà ở vị trí của mình, lãnh đạo VFF như ông chủ tịch cần phải suy nghĩ để làm sao cải thiện đời sống bóng đá nội địa.

    Còn nữa, quy chế chuyên nghiệp yêu cầu các CLB phải có đủ 3 tuyến trẻ nhưng tổng cộng số trận đấu để hệ thống trẻ này thi đấu chỉ hơn 1 tháng. Nhiều lắm thì một cầu thủ trẻ chỉ đá  được 20 trận mỗi năm do các giải trẻ vẫn đang tiến hành theo hình thức VCK thay vì tổ chức theo hình thức “League”. Với chừng đó trận đấu, làm sao có thể giúp cầu thủ trẻ tiến bộ.

    Theo SGGP

    Video đang được xem nhiều: [mecloud]ewctC8iznG[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bong-da-viet-nam-mo-hinh-ky-quac-nhat-the-gioi-a115486.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.