+Aa-
    Zalo

    Bóc trần mánh khóe “móc hầu bao” nhà đầu tư từ các “sàn thương mại điện tử”

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Với thủ đoạn tinh vi, các “tác giả” của “sàn thương mại điện tử” có thể dễ dàng “móc hầu bao” từ người tham gia giao dịch, chiếm đoạt hàng tỷ đồng.

    Nhiều bị hại sập bẫy sàn giao dịch “ảo”

    TAND tỉnh Thanh Hóa chuẩn bị mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, theo Điều 290 BLHS, đối với các bị cáo Vũ Đức Đạt (35 tuổi, trú tại phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội); Trần Văn Thành (31 tuổi, trú tại phường Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) và Nguyễn Vĩnh Khiêm (35 tuổi, trú tại xã Bảo Bình, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai).

    Các đối tượng trên là “tác giả” của “sàn thương mại điện tử” có thể điều chỉnh được thắng thua của các giao dịch.để mang lại lợi ích cho mình.

    boc tran manh khoe moc hau bao nha dau tu tu cac san thuong mai dien tu
    Nhiều bị hại "sập bẫy" sàn giao dịch chứng khoán "ảo".

    Cáo trạng của VKSND tỉnh Thanh Hóa quy kết: Do từng đầu tư tham gia vào nhiều sàn giao dịch tiền ảo bị thua lỗ, nên Trần Văn Thành tìm hiểu thì biết được các sàn có sự gian lận để thu lợi bất chính từ tiền của người tham gia nên tháng 11/2019, Thành đã nảy sinh ý định tạo ra một sàn giao dịch tiền ảo để hưởng lợi từ các giao dịch của người chơi

    Để thực hiện ý đồ của mình, Trần Văn Thành đã liên hệ thuê Nguyễn Vĩnh Khiêm (là Giám đốc Công ty CP Codosa Holding) hoạt động trong lĩnh vực lập trình, phần mềm, giúp Thành lập trình website Tradenew.io giao dịch tiền ảo với các chức năng can thiệp được vào kết quả giao dịch của người tham gia (nhà đầu tư) theo hướng có lợi cho mình, sau đó đưa vào sử dụng kêu gọi nhà đầu tư. Thành trả công cho Khiêm số tiền 165 triệu đồng.

    Trong giai đoạn Thành làm chủ sàn; từ tháng 01/2020, để vận hành sàn giao dịch và kêu gọi người đầu tư kiếm lợi nhuận; Thành giới thiệu sàn Tradenew.io có nguồn gốc của nước ngoài mà Thành là người đại diện của sàn tại Việt Nam và hướng dẫn họ cách tham gia sàn.

    Để phát triển hệ thống, Thành đưa ra các chính sách thưởng phần trăm “hoa hồng” theo doanh số, lượng giao dịch, trợ giá mua bán USDT để khuyến khích họ đi tìm kiếm người đầu tư.

    Hồ sơ nêu rõ “Thành sẽ xuất hiện trên video zoom làm “chuyên gia” đọc lệnh, dẫn dắt người tham gia… Thành cam kết sau mỗi buổi zoom, người đầu tư sẽ thu lợi nhuận từ 1- 3% và nếu bị thua cả 8 lệnh thì sẽ được bồi thường 100% số vốn”.

    Để tham gia giao dịch, người đầu tư phải vào web Tradenew.io để đăng ký tài khoản. Sau khi có tài khoản, người chơi sử dụng đồng tiền ảo USDT để giao dịch. Trên sàn biểu thị hai trạng thái Buy và sell (tăng và giảm), đây là trạng thái tăng và giảm của các cặp tiền ảo trên thị trường so với đồng USDT của sàn. Các cặp tiền ảo đó bao gồm: BTC/USDT; ETH/USDT; LTC/USDT …

    Người chơi sẽ dự đoán tỷ lệ tăng/giảm giữa đồng tiền ảo trên thị trường và đồng USDT của sàn. Số tiền USDT dùng để đặt cược trên mỗi giao dịch do người chơi tự lựa chọn, người chơi sẽ lựa chọn một trong hai lệnh Buy hoặc Sell.

    Thời gian cho một giao dịch là 1 phút, trong đó, 30 giây đầu để người chơi lựa chọn và đặt lệnh, 30 giây sau để chờ kết quả giao dịch. Sau khi kết thúc giao dịch, nếu kết quả giá đồng tiền ảo (BTC, ETH, LTC,…) tăng so với đồng USDT thì người đặt lệnh Buy sẽ thắng được số tiền đã đặt, người đặt lệnh Sell sẽ thua hết số tiền đã đặt; nếu  đồng tiền ảo (BTC, ETH, LTC,…) giảm so với đồng USDT thì người đặt lệnh Buy sẽ thua hết số tiền đã đặt, người đặt lệnh Sell sẽ thắng được số tiền đã đặt.

    Sau khoảng 3 tháng thấy làm ăn không hiệu quả, Thành nhượng lại sàn giao dịch cho Vũ Đức Đạt (có quan hệ họ hàng xa với Thành). Đạt tiếp tục nhờ Khiêm hỗ trợ, duy trì hoạt động cho sàn.

    Nhằm phát triển sàn, Đạt tiếp tục đưa ra các chính sách tỷ lệ % “hoa hồng” hấp dẫn nhằm thu hút khách tham gia.

    Theo thống kê từ cơ quan chức năng, trong thời gian vận hành hoạt động sàn giao dịch, Trần Văn Thành chiếm đoạt tiền của 3 bị hại với tổng số tiền gần 29 triệu đồng. Trong khi sang Đạt điều hành, chỉ trong vòng 5 tháng, Đạt đã chiếm đoạt của 65 bị hại với tổng số tiền hơn 8,4 tỷ đồng.

    Tranh cãi xung quanh việc định tội danh

    Đánh giá về bản chất, cách thực hiện giao dịch trên sàn tương tự như hành vi đánh bạc, người chơi sẽ nạp tiền Việt Nam Đồng để mua điểm/chip/đồng giao dịch tại sòng bạc, sau đó sẽ dùng điểm đó để tham gia cá cược, người chơi có thể cược tài/xỉu hoặc lớn/nhỏ,… và kết thúc mỗi ván bạc thì người thắng cược sẽ được nhận số tiền tương ứng với số tiền mình đặt cược, người thua cược sẽ mất số tiền mình đặt cược.

    boc tran manh khoe moc hau bao nha dau tu tu cac san thuong mai dien tu 2
    Luật sư Tạ Văn Phú – Giám đốc Công ty Luật Ánh Sáng Việt.

    Thực tế, nhiều vụ án đánh bạc online đã được triệt phá với hình thức tương tự. Người chơi khi tham gia họ hiểu rõ luật chơi, quy định trên sàn; Tự nguyện mua tiền ảo USDT (giống như mua điểm/chíp/đồng), việc mua bán này là hoàn toàn tự nguyện giữ người chơi và sàn, không có dấu hiệu ép buộc hay lừa dối. Quá trình tham gia chơi (giao dịch) người chơi chỉ đặt chọn giữa Buy và Sell (tăng và giảm) sau đó chờ kết quả trong vòng 30 giây. Thằng thì được gấp đôi số tiền mình đặt cược (sau khi trừ phí quản lý 3%), thua thì mất hết số tiền mình cược.

    Trong vụ án này, mặc dù đồng USDT không có giá trị lưu hành trên thị trường, nhưng đó là đồng trung gian để giao dịch trên sàn Tradenew.io. Người chơi tạo tài khoản và nạp tiền, đổi lấy đồng USDT để tham gia giao dịch, bất cứ khi nào người chơi cũng đều có thể đặt lệnh yêu cầu rút tiền. Bản chất đồng USDT chỉ là đồng trung gian để người chơi sử dụng để cá cược, người chơi thằng hoặc thua là kết quả của việc cá cược giá trị tăng/giảm các đồng tiền ảo trên thị trường. Giá trị của đồng USDT cố định khi người chơi mua vào là 23.500 đồng và khi bán ra là 22.500 đồng.

    Trong số các bị hại theo Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thanh Hóa, không có bị hại nào phản ánh về việc không thể đổi tiền USDT sang Đồng Việt Nam. Do đó, việc các bị can nhận tiền của người chơi để đổi lại cho họ đồng USDT chính là cách thức nhà cái trong đánh bạc nhận tiền đổi điểm và ngược lại. Quá trình sàn Tradenew.io hoạt động, tất cả người chơi khi có yêu cầu đổi đồng USDT ra Việt Nam đồng đều được chấp nhận đổi và nhận được đầy đủ tiền. Hoàn toàn chưa xảy ra trường hợp Vũ Đức Đạt (với vai trò của chủ sàn-nhà cái) từ trối đổi đồng USDT sang Việt nam đồng trả cho người chơi.

    Mục đích của sàn Tradenew.io là để kiếm lợi nhuận từ việc mua bán đồng USDT nội bộ và hưởng % hoa hồng từ các giao dịch của người chơi, BẢN CHẤT đây là hành vi tổ chức đánh bạc và có thu tiền quản lý, thu phí. Bản thân những người chơi tham gia giao dịch trên sàn không mang lại lợi nhuận trực tiếp cho người quản lý sàn nhưng quá trình tham gia mua đồng trung gian để giao dịch và giao dịch đã gián tiếp mang lại lợi nhuận (3%) cho người quản lý sàn.

    Với hành vi cáo buộc nêu trên, Cơ quan VKSND tỉnh Thanh Hóa truy tố ra trước TAND tỉnh để xét xử đối với các bị cáo Vũ Đức Đạt, Nguyễn Vĩnh Khiêm và Trần Văn Thành cùng về tội Sử dụng mạng viễn thông, phương tiện điện tử để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, theo Điều 290 BLHS.

    Dưới góc nhìn pháp lý, Luật sư Tạ Văn Phú – Giám đốc Công ty Luật Ánh Sáng Việt (Đoàn Luật sư Tp.Hà Nội) nhận thấy: Hành vi của Vũ Đức Đạt và các đồng phạm có dấu hiệu phạm tội Tổ chức đánh bạc theo quy định tại Điều 322 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017.

    Luật sư Tạ Văn Phú cho rằng: Hoạt động của sản Tradenew.io không thoả mãn bất cứ dấu hiệu nào được quy định tại Điều 290 của Bộ luật hình sự 2015 (Không phải lừa đảo thương mại điện tử vì đây không phải sàn thương mại, không bán hàng hoá, đồng USDT không phải hàng hoá và không được lưu thông trên thị trường; không phải kinh doanh tiền tệ, vì đây là tiền ảo không được pháp luật Việt Nam công nhận nên không được xác định là tiền tệ, mặc dù có mô hình của kinh doanh đa cấp nhưng việc mua/bán đồng USDT không phải là hoạt động bán hàng nên không thể coi là bán hàng đa cấp….

    Điều 290 quy định Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản là “1. Người nào sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử thực hiện một trong những hành vi sau đây, nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 173 và Điều 174 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

    a) Sử dụng thông tin về tài khoản, thẻ ngân hàng của Cơ quan, tổ chức, cá nhân để chiếm đoạt tài sản của chủ tài khoản, chủ thẻ hoặc thanh toán hàng hóa, dịch vụ;

    b) Làm, tàng trữ, mua bán, sử dụng, lưu hành thẻ ngân hàng giả nhằm chiếm đoạt tài sản của chủ tài khoản, chủ thẻ hoặc thanh toán hàng hóa, dịch vụ;

    c) Truy cập bất hợp pháp vào tài khoản của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm chiếm đoạt tài sản;

    d) Lừa đảo trong thương mại điện tử, thanh toán điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn, kinh doanh đa cấp hoặc giao dịch chứng khoán qua mạng nhằm chiếm đoạt tài sản;

    đ) Thiết lập, cung cấp trái phép dịch vụ viễn thông, internet nhằm chiếm đoạt tài sản”.

    T.V

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/boc-tran-manh-khoe-moc-hau-bao-nha-dau-tu-tu-cac-san-thuong-mai-dien-tu-a538420.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan