+Aa-
    Zalo

    Bóc mẽ những chiêu trò của "lang băm vườn"

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - “Thần y” Bùi Tiến An còn rất trẻ (SN 1986) nhưng khi nói chuyện, “thần y” này cho biết: “Tôi làm nghề cũng đã 20 năm”! Như vậy tính sơ sơ, thầy lang này đã làm nghề khi mới 7 - 8 tuổi (?!)

    (ĐSPL)- “Thần y” Bùi Tiến An còn rất trẻ (SN 1986) nhưng khi nói chuyện, “thần y” này cho biết: “Tôi làm nghề cũng đã 20 năm”! Như vậy tính sơ sơ, thầy lang này đã làm nghề khi mới... 7 - 8 tuổi (?!)

    Không hiếm trường hợp bệnh nhân bị chấn thương nhưng mê muội tin theo lời “lang băm”, dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Theo cảnh báo của bác sĩ và những thông tin từ bạn đọc, PV đã xâm nhập thực tế để phanh phui những thủ đoạn của lang băm trục lợi từ tâm lý “có bệnh thì vái tứ phương” của một số người.

    Những cách chữa bệnh siêu dị

    Theo chỉ dẫn, chúng tôi tìm đến nơi làm việc của thầy Bùi Tiến An (huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình), người đã chữa bệnh cho bà X.. Tiếp chúng tôi là một thanh niên nói năng giảo hoạt. Đó chính là thầy lang chuyên chữa trị gãy xương Bùi Tiến An mà mọi người hay gọi là “thần y”.

    Phòng làm việc của thầy An được bài trí rất “hiện đại”, ngoài tấm biển đỏ chói đề “thầy thuốc điều trị Bùi Tiến An, trong phòng còn treo các tấm ảnh lớn minh họa về cơ thể con người và nhất là cấu tạo của bộ xương. Qua trò chuyện được biết, bài thuốc gia truyền chữa gãy xương được truyền lại cho Bùi Tiến An từ 7 đời trước. “Thần y” Bùi Tiến An còn rất trẻ (SN 1986) nhưng khi nói chuyện, “thần y” này cho biết: “Tôi làm nghề cũng đã 20 năm”! Như vậy tính sơ sơ, thầy lang này đã làm nghề khi mới 7 - 8 tuổi (?!)

    Nói về công việc của mình, thầy An tự tin khẳng định: “Chưa có ca nào tôi chịu bó tay, kể cả những ca chấn thương nặng hay bị tai nạn giao thông tôi cũng chữa được. Có những ca chữa trị ở bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) 7 - 8 tháng không khỏi nhưng về nhờ tôi lại chữa được. Có một điểm đặc biệt là tôi chữa bệnh theo nghề nghiệp. Người công chức, nhân viên văn phòng có cách chữa khác, còn đối với người lao động nặng thì phải có phương pháp khác. Cho dù là gãy xương giống nhau nhưng không phải ai cũng cùng một cách chữa”.

    Có một điều đặc biệt là, người bệnh muốn được “thầy” An chữa trị phải có một cái lễ nhỏ là chai rượu, trầu cau và đặc biệt là phải “có thành ý”. Như vậy, dù tiếng là “chữa miễn phí” nhưng mỗi ngày thầy cũng phải kiếm được tiền triệu.

    Tiếp đến là trường hợp ông lang Hợp (xã Mão Điền, Thuận Thành, Bắc Ninh) cũng có cách chữa bệnh kỳ dị không kém. Chỉ với một cái kim băng đen, buộc một sợi dây cước lướt trên bàn tay nữ đồng nghiệp đi cùng tôi, ông Hợp phán: “Cô có 2 đứa con gái”. Cô bạn tỏ vẻ ngạc nhiên: “Cháu mới có một đứa mà”. ông Hợp thoáng bối rối: “Có thể đứa thứ hai sẽ là con gái. Nhưng yên tâm, ta sẽ điều chỉnh cho cô để có con trai” (thực tế, cô bạn đồng nghiệp đang có một cậu con trai 2 tuổi - PV).

    Sau khi đã làm thủ tục xong với đồng nghiệp đi cùng, ông Hợp quay sang yêu cầu tôi lại gần để bắt mạch vì nghĩ tôi là “chồng”. Cũng bằng biện pháp quay tròn chiếc kim băng, lướt nhẹ kim băng vài cái lên lòng bàn tay, ông Hợp bảo: “Anh chỉ có 30\% tinh trùng Y thôi… hơi yếu. Nhưng thế cũng còn tốt chán, nhiều đứa gặp ta chỉ có 10\% thôi mà sau khi uống thuốc rồi vẫn sinh được con trai”.

    Ngay cả cặp vợ chồng khám trước chúng tôi khai với ông Hợp là vợ 35 tuổi, chồng 40 tuổi, đã có 3 cô con gái. Theo lời kể thì chị bốc thuốc ở đây 3 năm, dính thai 3 lần nhưng lần nào cũng hỏng. Chị nói liến thoắng với tôi: “Uống thuốc này tăng cường môi trường cho Y khoẻ mạnh, tiêu diệt X. Bạn bè, người thân chị nhiều người uống đã sinh được con trai”. Với vẻ mặt hớn hở lạ thường, chị làm chúng tôi không nhịn được cười.

    Còn “thần y” Hoàng Văn Viện (sinh năm 1969, trú xã Mỹ Thái, huyện Lạng Giang, Bắc Giang) thì lại chữa bách bệnh bằng cách dẫm đạp. Trong thời gian có mặt chúng tôi được tận mắt chứng kiến “thần y” chữa cho hàng chục người bệnh. Người bệnh nặng nhất là cụ Trần Thị S., 76 tuổi người Thuận Thành, Bắc Ninh. Cụ S. được con cháu dùng cáng, thuê ô tô mang đến, theo như lời người thân của cụ S. thì cụ bị tai biến mạch máu não. Nằm chán bệnh viện, con cháu phải đưa cụ về nhà thay nhau chăm sóc. Dù biết rõ với bệnh tật của cụ đến bệnh viện còn trả về thì cũng chẳng hy vọng gì. Nhưng trước áp lực của con cháu nên vợ chồng anh con cả phải đích thân đưa cụ đi. Mỗi lần chứng kiến “thần y” chữa trị cho mẹ mình. Tôi thấy anh không dám nhìn, thường đứng ra một góc hút thuốc, chỉ có người con dâu mỗi lần nghe tiếng mẹ kêu lại nhón chân lên xuýt xoa. Cụ S. chỉ còn da bọc xương, chân tay loẻo khẻo. Thế nhưng “thần y” vẫn dùng những độc chiêu như: ấn, bóp, bẻ, thậm chí là dẫm đạp rồi bắt cụ lúc cử động chân, lúc đưa tay lên, lật qua lật lại như cá mòi. “Phải đưa tay lên như kiểu bắt chuột ấy, có co chân lên không, nếu không tôi còn bóp cho đau hơn đấy”, lời “thần y” Viện. Khổ thân cụ già đã bệnh tật lại ốm yếu, đến thở còn chẳng ra hơi mà vẫn phải kêu “oái”, rồi thều thào “đau lắm”.

     PV bóc mẽ những thủ đoạn của “lang băm vườn”
    Cụ S được người nhà đưa đến nhà lang băm vườn chữa bệnh.

    Chờ cho hết thời gian bị “thần y” hành hạ thân xác người mẹ già khoảng 10 phút, hai vợ chồng anh con trai cả mới đến người nâng chân, người bế ngang lưng đưa mẹ xuống cáng. “Này tôi nói cho nhà chị biết, đã đến đây chữa trị là phải dừng tất cả các loại thuốc mà cụ đang dùng kể cả thuốc bổ đấy nhé”. Một tiếng nho nhỏ của cô con dâu cụ S. đáp lại “đội ơn thầy”. Trước khi ra về cô còn dúi xuống chiếu 50.000 đồng.

    Điều không thể hiểu nổi là cách đây khoảng 2 năm, khi báo chí mới đề cập đến trường hợp lang băm Hoàng Văn Viện, ông này còn ở trong căn nhà cấp 4, xập xệ. Bẵng đi một thời gian, khi quay lại thì chúng tôi giật mình bởi thầy lang này đã xây một ngôi biệt thự hoành tráng tiền tỷ ngay trên nền đất cũ. Có điều là người tới chữa bệnh không còn đông như trước, có thể mọi người ít nhiều đã nhìn thấy bộ mặt thật của một “thần y” xuất thân từ nghề thợ mộc.

    Chính quyền địa phương lúng túng

    Khi tìm gặp chính quyền, cơ quan chức năng nơi các “thần y” hành nghề, có một điểm chung là các cán bộ địa phương đều tỏ ra lúng túng trong việc xử lý các trường hợp chữa bệnh lừa đảo này.

    Bà Hồ Xuân - Chi cục trưởng Chi cục Dân số tỉnh Bắc Ninh, nơi ông lang Hợp hành nghề, cho biết: “Chúng tôi sẽ đề xuất với sở Y tế xử phạt nghiêm khắc đối với các cơ sở y tế có các dấu hiệu lựa chọn giới tính trên địa bàn tỉnh. Các hành vi “xem mạch” thai nhi là con trai hay con gái, bốc thuốc sinh con theo ý muốn là một trong những việc “tiếp tay”, thúc đẩy cho việc lựa chọn giới tính thai nhi, khắc sâu định kiến trọng nam, khinh nữ của người dân. Không ít trường hợp đi siêu âm là con gái đã phá thai để đến tìm thầy bốc thuốc”.

    Trao đổi với ông Vũ Văn Mạnh - Phó Chủ tịch UBND xã Mão Điền, nơi ông Hợp hành nghề, ông Mạnh cho biết: “Chúng tôi đã thành lập tổ công tác kết hợp với cơ quan chức năng huyện, tỉnh để yêu cầu ông Hợp dừng ngay việc làm của mình. Thậm chí chính quyền cũng đã lập biên bản xử phạt hành chính. Chúng tôi cũng đã thành lập 2 tổ công tác do công an xã và dân quân thường xuyên đóng chốt vào thứ 7 và chủ nhật ngay phía trước đường ra vào nhà ông Hợp để sớm phát hiện, tuyên truyền vận động người dân ở các địa phương khác đến không nên có niềm tin mù quáng”. Thực tế, ông Hợp vẫn lén lút thực hiện hành vi trái phép của mình.

    Ông Hoàng Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Thái (huyện Lạng Giang, Bắc Giang) nơi ông lang Hoàng Văn Viện “chữa bệnh bằng cách giẫm đạp” thì lại cho biết, chính quyền “bó tay” không biết xử lý ông này như thế nào (!).

    Ông Quý phân trần: “Chúng tôi đã lập đoàn kiểm tra liên ngành cùng với Phòng y tế huyện Lạng Giang đến gia đình ông Hoàng Văn Viện để làm việc theo nội dung phản ánh của dư luận. Tuy nhiên, ông Viện không nhận mình hành nghề y nên không ký vào biên bản. Sau đó đoàn đã thống nhất nếu ông Viện có hành nghề mát xa thì đề nghị chính quyền địa phương giám sát báo cáo lên cấp trên. Chúng tôi cũng không biết phải xử lý như thế nào”.

    Hỏi ông Quý về việc lang băm này sau một thời gian hành nghề đã xây được một ngôi biệt thự hoành tráng từ tiền “lòng thành” của những người bệnh, thì ông này lại giải thích: “Có thể tiền ông ấy kiếm được do làm mộc và chăn nuôi lợn gà. Còn từ đó đến nay chúng tôi cũng đã tổ chức tuyên truyền nên người đến chữa cũng đã giảm hẳn”.

    Cẩn thận biến chứng từ lang vườn

    Đem những thắc mắc về việc chữa bệnh kỳ quái của các “thần y” đến trao đổi với bác sĩ Võ Quốc Hưng, Trưởng Khoa Khám xương và Điều trị ngoại trú BV Việt Đức, vị bác sĩ này cho biết: “Phải thừa nhận rằng trước đây khi chưa có bệnh viện và điều kiện chữa trị như hiện nay thì người dân thường phải đến nhờ “ông lang, bà mế” trong việc điều trị những căn bệnh thông thường. Về cơ bản thì xương gãy sẽ tự liền được, do vậy, một người không biết gì về y học, cứ bó xương gãy tương đối đúng cách cũng khỏi, vấn đề là xương có liền được như cũ hay không mà thôi. Nếu như chỗ gãy chỉ phục hồi được khoảng 30 - 40\% thì sẽ phải mổ xẻ, đập xương ra làm lại, thậm chí có những biến chứng nguy hiểm”.

    Bác sĩ Nguyễn Trọng Tài, Phòng Chỉ đạo tuyến BV Việt Đức khuyến cáo: “Với những chấn thương lớn như gãy xương đùi thì không thể điều trị bằng bó lá hay đắp cao mà buộc phải phẫu thuật bởi xương đùi là xương lớn, các mảnh gãy có thể gây tổn thương đến dây thần kinh, mạch máu, đâm vào phần mềm rất nguy hiểm và đau đớn. Một số trường hợp gãy xương như: Gãy đầu dưới xương quay, gãy xương cành tươi ở trẻ em, gãy mâm chày không lệch... nếu được kéo nắn đúng vị trí và cố định thật tốt thì sau 4 -6 tuần, xương sẽ tự liền mà không cần can thiệp gì thêm.

    Trong khi đó, nhiều thầy lang không có hoặc có rất ít kiến thức khoa học về giải phẫu cơ thể người nên không thể bảo đảm là xương của người bệnh đã trở về đúng vị trí hay chưa. Họ chỉ sờ nắn bên ngoài rồi chẩn đoán theo cảm giác chủ quan để đắp thuốc, bó lá cho người bệnh. Với cách này, họ có thể thành công với những trường hợp gãy xương kín, rạn xương không quá nghiêm trọng. Các loại lá mà họ dùng đắp cho bệnh nhân có tác dụng giảm sưng, đau nên người bệnh cảm thấy bớt khó chịu hơn là bó bột. Vì thế, nhiều người nghĩ rằng đắp thuốc lá hiệu quả hơn nhưng trên thực tế là rất nguy hiểm”.

    Mới đây, thầy lang Nguyễn Duy Hợp (60 tuổi trú tại thôn Thủng, xã Mão Điền, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) người được mệnh danh là thần y có khả năng chữa bệnh vô sinh và điều chỉnh sinh con theo ý muốn được một phen “mừng hụt”. Vợ chồng anh Nguyễn Văn H. xã bên cho người đến tận nhà mời thầy đến dự buổi tổ chức ăn mừng sinh “quý tử”. Khi rượu đã ngà ngà chủ nhà mới gọi thầy đến gần đứa trẻ kéo tã sang một bên hỏi: “Thầy nhìn kỹ đi đây là trai hay gái”. Lúc này thầy lang Hợp chỉ còn biết ú ớ nói: “Tôi xin được bồi thường” rồi chuồn lẹ.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/boc-me-nhung-chieu-tro-cua-lang-bam-vuon-a35206.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan