Tay đeo tràng hạt, mặc trang phục áo nâu kiểu sư, sãi nhà chùa, một số kẻ lười lao động đã hành nghề bói toán quanh các bệnh viện để mưu sinh. Bằng cách "phán" theo tâm lý người bệnh, các đối tượng này hù dọa những người nhẹ dạ khiến họ lo lắng, tin theo. “Thầy bói” có thể thu nhập bạc triệu mỗi ngày.
"Cò mồi" dẫn khách
Theo phản ánh của người dân sống quanh khu vực bệnh viện Nhiệt Đới (số 764, đường Võ Văn Kiệt, phường 1, quận 5, TP.HCM), thời gian qua, xuất hiện một số thầy bói dạo mặc áo nhà chùa. Theo đó, những người này cùng một đội ngũ "cò mồi" lảng vảng tại các quán nước, khu vực nghỉ chân ven đường vào bệnh viện. Khi thấy người ở xa đến khám bệnh, họ lân la đến làm quen, giúp đỡ xách đồ rồi phán những điều về tướng số người bệnh.
Vì sự tò mò, muốn biết những điều thầy bói nói, người bệnh sẽ hỏi thêm một số điều liên quan về mình. Ngay lập tức, các "cò mồi" và "thầy bói" sẽ mời khách tới quán nước để coi số mệnh, tử vi. Với việc nắm bắt tâm lý con bệnh, các thầy bói luôn “phán” những điều đúng với hiện tại người bệnh như: Bệnh nặng, sức khỏe yếu, mắt vàng, da nhăn, tay run, giọng nói yếu, sắp tới sẽ gặp vấn đề về sức khỏe, gia đình có người bệnh lâu ngày khó khỏi. Trong vai một người bệnh, PV tìm đến các quán nước trước bệnh viện Nhiệt Đới tìm hiểu. Sau vài lần chờ đợi, PV đã gặp được người cần tìm.
Phụ nữ là khách "sộp" của các "thầy bà" bói dạo. |
Trong góc quán nước nhỏ, một “bà thầy bói” trạc tuổi 60, đầu cạo trọc, mặc trang phục như người tu hành, tay đeo tràng hạt ngồi chờ khách. Một lúc sau, có người đàn ông dắt một người phụ nữ (khoảng 30 tuổi, quê Đồng Nai đi tái khám) đến gặp "thầy". Rất nhanh, "thầy" đảo bài qua lại rồi bắt bài lên, lật bài xuống, “phán” như đinh đóng cột: “Con chữa bệnh phần xác, còn phần tâm thì về đi cúng để các thánh giải hạn cho. Nếu không, bệnh nặng, chữa mãi tiền mất mà bệnh không mất nhé”.
Để tiếp cận, tôi bỏ 100.000 đồng theo cách mà người phụ nữ kia vừa làm để được xem bói. Sau đó, "thầy" vừa nhắc tôi đảo bài vừa hỏi: “Con đi khám bệnh hay người nhà đi khám”. PV trả lời: “Con chờ người nhà khám”. Người này tiếp tục lật lá bài Át chuồn nói: “Gia đình con có hạn vào tháng 4, tháng 5 âm nha. Trong nhà có người bệnh tình nặng, không thuyên giảm. Việc này, bị “ông bà” quở đấy....”. PV hỏi lại chi tiết, "thầy" giải thích rằng nhà có “bà cô” chết yểu không có mộ nên đang lang thang vất vưởng. Người nhà không thờ cúng nên bà tìm theo con cháu bám víu. "Do bà cô giận con cháu không lo nhà cửa, mộ phần mới hành người nhà mang bệnh. Ngay cả con (ý nói PV), cũng lúc đau vai, lúc đau lưng, lúc đau đầu. Con tưởng do thời tiết, do làm việc ngồi lâu nhưng không phải đâu, là do bà cô ngồi lên đầu, lên cổ con đó...", "thầy" này phán.
Thu bạc triệu mỗi ngày
Chỉ trong vài tiếng đồng hồ, ngay tại quán nước, đã có 4 vị khách được “cò mồi” dẫn đến cho "thầy" xem bói. Theo quan sát, PV nhận thấy, người đến ngồi để thầy xem mặt, phán số đều đặt 100.000 đồng tạ lễ. Không những thế, trong lúc "cò" đi kiếm khách, "thầy" cũng tự thân mời gọi người đến uống nước, nghỉ chân tại quán nước xem bói. Thậm chí, người này còn sẵn sàng "giảm nửa giá" cho khách có hoàn cảnh khó khăn.
Theo ghi nhận của PV, trước khi gieo quẻ, thầy đều có công thức chung là đưa bộ bài cũ cho khách. Theo đó, nếu khách là đàn ông sẽ đảo 7 lượt, phụ nữ đảo 9 lượt. Cùng lúc đó, "thầy" hỏi về lý lịch con mồi. Sau đó, dựa vào những gì người bệnh vừa nói về bản thân, gia đình, người này sẽ phán theo. Khách thường là những phụ nữ trung niên, người ở tỉnh xa hay các tỉnh miền Tây lên khám bệnh.
Chị Đỗ Th. (bán nước gần bệnh viện Nhiệt Đới) chia sẻ: “Mấy bà thầy bói và "cò mồi" nhìn những người lạ mặt mới mời xem bói. Người quen ở đây không ai tin cả. Dù bói dạo vậy nhưng có ngày họ kiếm ra tiền triệu. Để tạo niềm tin cho khách lạ, họ thường mặc đồ nhà chùa giống người căn cao quả nặng, thánh thần, bị “người trên” hành rồi cho số làm cô đồng, cô quả để sống và làm việc nghĩa, việc thiện.
Qua đó, bắt bóng người mê tín để phán quẻ tướng số. Chúng tôi sống lâu ở đây nên nắm rõ quy luật làm ăn của họ. Trong quá trình hành nghề, các bà bói liên kết với các “cò mồi” là xe ôm, người bán hàng rồi chia phần trăm tiền bói...”. Qua tìm hiểu, PV được biết, những thầy bói dạo kiểu này liên tục thay đổi chỗ hành nghề nhằm qua mặt chính quyền và người dân. Họ chỉ bói vài buổi/tuần ở khu vực bệnh viện Nhiệt Đới. Sau đó, các "thầy" lại di chuyển đến những bệnh viện tuyến Trung ương đông người như: Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh viện Từ Dũ, bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, bệnh viện Ung bướu...
Một bác sĩ làm việc tại bệnh viện Nhiệt Đới thông tin: "Tại bệnh viện đã dán giấy thông báo cho người tới khám bệnh cần giữ gìn đồ đạc tư trang cẩn thận, tránh để móc túi, lừa tiền, tránh xa những “cò” dẫn bốc số, khám bệnh nhanh và người lạ dụ dỗ, trong đó có những người hành nghề bói toán. Việc bói dạo thường diễn ra ngoài khu vực bệnh viện, ở các quán nước. Người dân không nên tin, theo những gì thầy bói phán. Có bệnh phải trị bằng phương pháp khoa học. Những người bói toán chỉ phán đoán dựa vào tâm lý lo lắng của người bệnh để kiếm tiền, trục lợi".
Trao đổi với PV, đại diện Công an TP.HCM cho biết, hiện tượng giả danh thầy chùa, thầy tướng số, phong thủy, hành nghề bói toán đã được nhiều người dân phản ánh tới cơ quan chức năng. Việc mang tiền túi ra để cúng thầy bói, tin theo những lời họ nói chỉ rơi vào những người nhẹ dạ, cả tin, mê tín. Còn thực tế, “thầy bói” không phải thần thánh mà đoán biết được mọi việc hiện tại, tương lai của chúng ta hay việc chữa lành bệnh tật. Rất nhiều vụ việc các đối tượng thầy cúng, bói do tuyên truyền mê tín dị đoan, lừa đảo... đã bị công an xử lý. Thiết nghĩ, người dân cần cảnh giác, đừng biến mình thành nạn nhân của trò bói toán, lừa bịp. |
Huệ Trần
Bài đăng trên báo giấy Đời sống & Pháp luật chủ nhật số 20