(ĐSPL) - Khi tới ngân hàng rút tiền, chị M. tá hỏa khi toàn bộ 7,3 tỷ đồng trong tài khoản do mình đứng tên đã bị Quý chuyển đi hết.
Theo báo Tiền Phong, ngày 17/11, TAND TP Hà Nội tuyên phạt Trần Ngọc Quý (SN 1970, ở quận 1, TP.HCM) về Tội sử dụng trái phép tài sản. Nạn nhân trong vụ án là tình cũ của Quý: chị N.H.M (ở Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Trần Ngọc Quý tại tòa - Ảnh: báo Tiền Phong |
Báo Vnexpress thông tin, Trần Ngọc Quý và chị M. từng có thời gian cùng nhau đầu tư chứng khoán. Tháng 2/2012, chị M. đăng ký số điện thoại của Quý khi mở tài khoản ngân hàng, uỷ quyền cho anh ta thực hiện giao dịch. Do chưa lần nào dùng đến tài khoản, chị M. sau đó không nhớ có việc này.
Đầu tháng 7/2013, bán căn nhà trên khu phố cổ với giá 12,6 tỷ đồng, chị M. đến ngân hàng này mở tài khoản để giao dịch. Được thông báo đã có tài khoản cũ, chị M. nói người mua chuyển trước 7,3 tỷ đồng vào đây.
Do đăng ký theo dõi biến động số dư tài khoản qua tin nhắn, thấy báo có tiền chuyển vào tài khoản, Quý đã rút hết 7,3 tỷ đồng chuyển sang tài khoản của mình.
Còn chị M. khi đi rút tiền mới hay toàn bộ đã bị Quý rút từ trước. Chị không thể liên lạc với Quý mà chỉ nhận được email xin lỗi.
Tại phiên tòa, Quý khai từng quan hệ tình cảm với chị M. trong thời gian cùng kinh doanh chứng khoán.
Xác định việc Quý lấy tiền của chị M. đã phạm vào tội Sử dụng trái phép tài sản của người khác, tòa tuyên phạt 5 năm tù giam.
Điều 142, Bộ luật hình sự Việt Nam năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định về tội sử dụng trái phép tài sản : 1. Người nào vì vụ lợi mà sử dụng trái phép tài sản của người khác có giá trị từ năm mươi triệu đồng trở lên gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến năm năm: a) Phạm tội nhiều lần; b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng; d) Tái phạm nguy hiểm. 3. Phạm tội gây hậu qủa đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến bảy năm. 4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến hai mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo |
PHƯƠNG ANH(Tổng hợp)
Xem thêm video tại đây:
[mecloud]b4oVtxKL0R[/mecloud]