Dưới đây là các khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng, bộ Y tế Việt Nam để phòng, tránh dịch viêm phổi cấp do virus corona lây lan.
Ngày 23/1, Việt Nam ghi nhận hai trường hợp bệnh xâm nhập là công dân đến từ Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc, hiện đang điều trị tại bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM.
Để phòng tránh bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona, người dân và các cơ sở y tế cần áp dụng một số hành động phòng ngừa hàng ngày như sau:
Đối với các cơ sở y tế
Để chủ động phòng và kiểm soát lây nhiễm bệnh dịch trong bệnh viện, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh yêu cầu giám đốc sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng Y tế các ngành, giám đốc các bệnh viện trực thuộc bộ Y tế chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện tốt các yêu cầu dưới đây.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (trái) kiểm tra tại bệnh viện Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: PLO |
Tại Khoa khám bệnh, Khoa cấp cứu: Tổ chức sàng lọc, phát hiện sớm và kiểm soát người bệnh nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm nCoV ngay tại nơi đón tiếp.
Bảo đảm đủ các phương tiện phục vụ phòng ngừa, đặc biệt trang phục phòng hộ cá nhân, dung dịch vệ sinh tay và khẩu trang y tế.
Bố trí khu vực chờ, khu vực khám riêng cho người bệnh nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm nCoV (có biển báo và chỉ dẫn rõ ràng).
Khi phát hiện có người bệnh nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm nCoV đủ tiêu chuẩn nhập viện, chuyển người bệnh vào nơi thu nhận người bệnh đúng quy định.
Người bệnh cấp cứu đến thẳng Khoa cấp cứu, thực hiện như các nội dung trên.
Tuân thủ phòng ngừa chuẩn (vệ sinh tay và vệ sinh hô hấp; sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân; phòng ngừa chấn thương do vật sắc nhọn; quản lý chất thải; vệ sinh bề mặt...) và phòng ngừa dựa theo đường lây truyền (đường tiếp xúc, đường giọt bắn và đường không khí).
Đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn người bệnh và người nhà người bệnh mang khẩu trang, vệ sinh hô hấp; khuyến khích tất cả người bệnh và người nhà mang khẩu trang khi đến Khoa khám bệnh (qua loa đài, hướng dẫn trực tiếp bằng poster, tờ rơi...).
Tăng cường vệ sinh sàn, bề mặt buồng bệnh bằng hóa chất khử khuẩn. Bảo đảm các phòng khám, phòng lưu người bệnh nhiễm nCoV được thông khí tốt.
Tại các khoa thu nhận, điều trị người nhiễm nCoV cần có biển cảnh báo tại khu vực cách ly. Hạn chế tối đa người ra vào khu vực cách ly.
Tuân thủ phòng ngừa chuẩn. Áp dụng cách ly phòng ngừa theo cả ba đường lây, đặc biệt lưu ý phòng ngừa cách ly lây truyền theo đường tiếp xúc và giọt bắn. Áp dụng phòng ngừa cách ly lây truyền qua đường không khí khi có các thủ thuật có thể tạo ra hạt khí dung. Bảo đảm đủ các phương tiện phục vụ phòng ngừa, đặc biệt dung dịch vệ sinh tay và khẩu trang y tế.
Bố trí kíp nhân viên y tế riêng để điều trị và chăm sóc người bệnh nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm nCoV. Kíp nhân viên y tế này không tham gia điều trị, chăm sóc các người bệnh khác nhằm phòng ngừa lây nhiễm. Bảo đảm thông khí buồng bệnh tối thiểu ba lần/ngày.
Áp dụng triệt để gói biện pháp phòng ngừa viêm phổi liên quan đến thở máy, nếu người bệnh có đặt nội khí quản và gói giải pháp phòng ngừa nhiễm khuẩn huyết bệnh viện.
Hạn chế di chuyển người bệnh nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm nCoV ra khỏi khu vực cách ly. Nếu cần vận chuyển, bố trí đường vận chuyển riêng, ít người lưu thông.
Người bệnh và người nhà mang khẩu trang y tế, đặc biệt khi vận chuyển người bệnh ra ngoài khu vực cách ly.
Dụng cụ sau khi sử dụng được thu gom, vận chuyển kín và xử lý tập trung tại Trung tâm Khử khuẩn - Tiệt khuẩn.
Đồ vải sau khi sử dụng được thu gom, vận chuyển kín và xử lý tập trung tại nhà giặt.
Tất cả chất thải rắn phát sinh trong khu vực cách ly được quản lý, xử lý như chất thải y tế nguy hại.
Tăng cường vệ sinh sàn, bề mặt buồng bệnh bằng hóa chất khử khuẩn theo quy định.
Tại các khoa phòng khác, bộ Y tế yêu cầu tuân thủ nội dung phòng ngừa chuẩn. Bảo đảm đủ các phương tiện phục vụ phòng ngừa, đặc biệt dung dịch vệ sinh tay và khẩu trang y tế. Bảo đảm thông khí buồng bệnh.
Phổ biến các poster, tờ rơi về các dấu hiệu nhận biết sớm bệnh. Hướng dẫn người bệnh và người nhà người bệnh mang khẩu trang y tế khi có các dấu hiệu ho, sốt...; thực hiện quy tắc che miệng khi ho, hắt hơi. Yêu cầu tất cả người bệnh và người nhà người bệnh của Khoa hô hấp mang khẩu trang.
Khi phát hiện có người bệnh có dấu hiệu nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm nCoV, chuyển người bệnh đến khoa tiếp nhận theo quy định.
Tăng cường vệ sinh sàn, bề mặt buồng bệnh bằng hóa chất khử khuẩn theo quy định. Thu thập, đóng gói, vận chuyển và xử lý bệnh phẩm xét nghiệm của người bệnh nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm nCoV bảo đảm an toàn theo đúng quy định.
Bên cạnh đó, cần hạn chế tối đa nhân viên y tế, người nhà người bệnh và khách thăm vào buồng cách ly. Người vào buồng cách ly phải tuyệt đối tuân thủ các hướng dẫn về dự phòng khi vào khu vực cách ly.
Cần che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi để làm giảm dịch tiết đường hô hấp. |
Đối với người dân
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh Hoa Kỳ, virus corona (nCoV) lây từ người sang người qua 3 con đường: Do người bệnh ho phát tán virus vào không khí phạm vi 3m (con đường chủ yếu); Bắt tay và tiếp xúc với người đang nhiễm bệnh; Tiếp xúc với bề mặt có chứa virus, sau đó chạm vào mũi, mắt, và miệng.
Hiện không có vắc-xin để ngăn ngừa nhiễm trùng nCoV. Cách tốt nhất để ngăn ngừa nhiễm trùng là tránh tiếp xúc với virus này.
Để phòng tránh bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona, Cục Y tế dự phòng, bộ Y tế Việt Nam khuyến cáo người dân cần áp dụng một số hành động phòng ngừa hàng ngày như sau:
Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh viêm đường hô hấp cấp tính; khi cần thiết phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách khi tiếp xúc.
Giữ ấm cơ thể, vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc họng bằng nước sát khuẩn miệng để phòng bệnh viêm phổi.
Cần che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.
Những người trở về từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc hoặc các tỉnh/ thành phố khác của Trung Quốc đang có dịch hoặc có tiếp xúc gần với người mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp tính do nCoV trong vòng 14 ngày nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời.
Khi phát hiện dịch bệnh cần thông tin, cho cơ quan y tế, chính quyền địa phương để giám sát, xử lý, ứng phó với dịch bệnh không để dịch bùng phát, lây lan.
Nguyễn Phượng(T/h)