+Aa-
    Zalo

    Bộ Y tế khuyến cáo 6 biện pháp phòng chống bệnh đầu mùa khỉ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Sau khi WHO ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu với bệnh đậu mùa khỉ, Bộ Y tế Việt Nam đã họp khẩn và đề ra các biện pháp chủ động phòng chống.

    Hôm 23/7, lần thứ hai trong vòng 2 năm, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu. Sau COVID-19, lần này, nguyên nhân là bệnh đậu mùa khỉ, căn bệnh đã lây lan tới hơn 70 nước với gần 17.000 người mắc chỉ trong vài tuần.

    Theo các phân tích gene sơ bộ các mẫu bệnh phẩm lấy từ người nhiễm bệnh, bộ gene bệnh đậu mùa khỉ đã có gần 50 đột biến kể từ năm 2018, nhiều hơn 6 hoặc 7 đột biến so với ước tính ban đầu của giới khoa học, theo báo New York Times.

    Không rõ liệu các đột biến có làm thay đổi phương thức lây truyền và mức độ nghiêm trọng của bệnh hay không. Tuy nhiên, phân tích ban đầu cho thấy bệnh đậu mùa khỉ có thể đã thích nghi để lây lan giữa người với người dễ dàng hơn so với trước năm 2018.

    Tuyên bố của WHO ngày 23/7 được ví tương đương một phát súng lệnh đòi hỏi các phản ứng quốc tế phối hợp. Đây là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu thứ bảy kể từ năm 2007.

    Gần như chắc chắn các nước thành viên sẽ bắt đầu đầu tư nguồn lực đáng kể để kiểm soát và ngăn chặn một đợt bùng phát. Trong trường hợp lý tưởng nhất, cảnh báo này được kỳ vọng sẽ khuyến khích các quốc gia chia sẻ vắc xin, phương pháp điều trị và các nguồn lực quan trọng khác để chặn đứng làn sóng lây nhiễm.

    bo y te khuyen cao 6 bien phap phong chong benh dau mua khi 02
    WHO ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu với bệnh đậu mùa khỉ. Ảnh: Gulf Today

    Các triệu chứng

    WHO cho biết hời kỳ ủ bệnh của đậu mùa khỉ thường là 5 đến 21 ngày. Quá trình nhiễm bệnh được chia làm hai giai đoạn.

    Đầu tiên là giai đoạn virus xâm nhập, kéo dài từ 0 đến 5 ngày, triệu chứng đặc trưng là sốt, nhức đầu dữ dội, nổi hạch (sưng hạch bạch huyết), đau lưng đau cơ và suy nhược cơ thể (thiếu năng lượng).

    Nổi hạch là điểm khác biệt của đậu mùa khỉ so với những bệnh khác, có biểu hiện ban đầu tương tự như thủy đậu, sởi, đậu mùa thông thường.

    Giai đoạn thứ hai là phát ban trên da, thường biểu hiện trong một đến ba ngày kể từ khi bệnh nhân bị sốt. Phát ban có xu hướng tập trung nhiều ở mặt và tứ chi hơn là thân. Phát ban tiến triển tuần tự, từ việc rát da (chưa nổi mẩn) đến sẩn ngứa (các nốt mẩn nhô cao), sau đó là mụn nước (tổn thương dứa dịch bên trong) và mụn mủ (tổn thương chứa dịch vàng).

    Biện pháp phòng ngừa

    Tại Việt Nam, ngay sau tuyên bố của WHO, Bộ Y tế đã tổ chức cuộc họp khẩn dưới hình thức trực tuyến, nhằm bàn phương án ứng phó với dịch đậu mùa khỉ, diễn ra chiều ngày 24/7.

    Tại Việt Nam, đến ngày 24/7/2022 chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ tuy nhiên theo các chuyên gia, nguy cơ bệnh đậu mùa khỉ có thể xâm nhập và gây bệnh ở nước ta là hoàn toàn có thể do bệnh dịch đã ghi nhận ở nhiều quốc gia, sự giao lưu đi lại thuận tiện và có xu hướng gia tăng giữa Việt Nam và các nước trên thế giới, trong khu vực.

    bo y te khuyen cao 6 bien phap phong chong benh dau mua khi 01
    Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị các đơn vị liên quan tập trung năng lực tăng cường giám sát và phát hiện bệnh đậu mùa khỉ. Ảnh: Sức khỏe & Đời sống

    Để chủ động phòng chống dịch bệnh đậu mùa khỉ ở nước ta, Bộ Y tế khuyến cáo người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:

    Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp; rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn ngay sau khi ho, hắt hơi. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.

    Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay.

    Người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng nghi ngờ cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời. Đồng thời, cần chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục.

    Tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh đậu mùa khỉ, tránh tiếp xúc trực tiếp với những vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh. Trong trường hợp nơi ở/nơi làm việc có người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh, cần thông báo cho cơ quan y tế để được tư vấn và xử trí kịp thời, không tự ý điều trị.

    Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ (khu vực Trung và Tây Phi), cần tránh tiếp xúc với động vật có vú (chết hoặc sống) như: động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng có thể chứa virus đậu mùa khỉ. Khi quay trở về Việt Nam cần chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương để được tư vấn.

    Đảm bảo an toàn thực phẩm; thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.

    Hoa Vũ (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bo-y-te-khuyen-cao-6-bien-phap-phong-chong-benh-dau-mua-khi-a545645.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Campuchia phát hiện ca mắc đậu mùa khỉ đầu tiên

    Campuchia phát hiện ca mắc đậu mùa khỉ đầu tiên

    Bệnh nhân đầu tiên ở Thái Lan mắc bệnh đậu mùa khỉ đã được tìm thấy sau khi trốn sang Campuchia. Người này được phát hiện tại một nhà khách ở Phnom Penh và anh ta đã được đưa đến Bệnh viện Hữu nghị Xô-viết Khmer để điều trị.