Sáng 9/10, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đã tổ chức hội nghị trực tuyến tiếp xúc cử tri ngành y tế TP.HCM. Tham dự hội nghị có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi.
Theo báo Dân Trí, tại buổi làm việc, đa số ý kiến của các bác sĩ đều mong muốn sớm có hướng dẫn, quy định về việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ nhỏ. Các y bác sĩ nhận định đây là một trong những vấn đề cấp thiết cần thực hiện khi TP.HCM cùng cả nước từng bước mở lại các hoạt động.
Cụ thể, bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho biết trong đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4, thành phố cùng cả nước đã ghi nhận hàng nghìn trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 là trẻ em. Trong đó, dù phần lớn trẻ em nhiễm bệnh ở mức độ nhẹ nhưng vẫn tồn tại một số trường hợp trẻ béo phì, có bệnh khiến bệnh tiến nặng, cần can thiệp ECMO và thậm chí tử vong.
Trong khi đó, hiện nay, số ca mắc COVID-19 là trẻ em được ghi nhận tại nhiều quốc gia trên thế giới đang tăng cao. Trước sự lây lan của biến chủng Delta, trẻ em đang là một trong những đối tượng có nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 cao khi chưa được tiêm vaccine ngừa bệnh. Do đó, bác sĩ Hùng nhận định: "TP.HCM có khoảng 1,8 triệu trẻ em đang độ tuổi tới trường. Khi người lớn đã được chích ngừa đa số, sự nguy hiểm của dịch bệnh sẽ dồn về nhóm đối tượng này".
Ngoài ra, bác sĩ Hùng nói thêm, TP.HCM đã đưa ra lộ trình dự kiến cho các em học sinh trở lại trường học vào tháng 1/2022. Như vậy, thành phố còn 3 tháng để thực hiện việc tiêm vaccine cho các em để đảm bảo an toàn khi trở lại trường học.
Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 nhận định thành phố có đủ điều kiện để thực hiện kế hoạch tiêm chủng cho trẻ em. Ông chỉ ra Chính phủ và Quốc hội đã phê chuẩn mua 10 triệu liều vaccine Abdala, loại vaccine có thể tiêm cho trẻ em. Bên cạnh đó, vaccine Pfizer cũng đang đề xuất tiêm cho trẻ trên 5 tuổi và có thể sẽ được phê duyệt trong thời gian tới.
Đồng tình với bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng, bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM), cho rằng việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em là vấn đề cấp thiết, cần Chính phủ và Bộ Y tế nhanh chóng ban hành hướng dẫn.
Bác sĩ Tuyết dẫn chứng, hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã triển khai tiêm cho trẻ trên 12 tuổi, thậm chí trên 2 tuổi. Khoa học cũng đã chứng minh mức độ hiệu quả của tính an toàn, hiệu quả về việc tiêm vaccine phòng bệnh cho nhóm đối tượng trẻ em.
Báo Tuổi trẻ cho biết, tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đã có phản hồi với những đề xuất trên. Trong đó, ông Thuấn chia sẻ Bộ Y tế đang xây dựng hướng dẫn, dự kiến tháng 10 bắt đầu triển khai tiêm chủng cho trẻ em từ 12-17 tuổi. Sau đó, sẽ mở rộng ra các nhóm tuổi thấp hơn.
Theo ông Thuấn, trong chuyến thăm Cuba vừa qua, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị và đang chờ nước bạn sớm gửi hồ sơ vaccine tiêm cho trẻ em để Việt Nam xem xét.
Được biết, dự kiến từ ngay đến cuối năm, ít 120 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 sẽ về tới Việt Nam. Dự tính trong năm 2021, Việt Nam sẽ tiêm phủ ít nhất 1 mũi vaccine ngừa COVID-19 cho hơn 70% dân số trên 18 tuổi.
Minh Hạnh (T/h)