Đề xuất này được Bộ Y tế đưa ra trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Hồ sơ dự án Luật đang được Bộ Tư pháp thẩm định.
Theo VnExpress, Bộ Y tế cho biết trong bối cảnh đổi mới liên tục của công nghệ và ảnh hưởng của tình hình đại dịch COVID-19 trong thời gian qua, việc mua bán theo phương thức thương mại điện tử ngày càng trở nên phổ biến. Tại Việt Nam, số lượng người tiêu dùng trên Internet trong năm 2015 là 23 triệu người, dự đoán đạt 40 triệu người trong năm 2025.
Chi tiêu hàng năm của người tiêu dùng Internet tại Việt Nam sẽ tăng từ 50 tỷ USD trong năm 2015 lên đến 99 tỷ USD trong năm 2025. Một số doanh nghiệp nước ngoài đã đề xuất Chính phủ Việt Nam khuyến khích thương mại điện tử cho dược phẩm đi kèm các biện pháp kiểm soát chất lượng.
Bộ Y tế cho rằng việc kinh doanh dược theo phương thức thương mại điện tử là xu hướng tất yếu; cung cấp nhiều cơ hội cho các nhà bán lẻ mở thêm kênh bán hàng, thị trường mới; quảng bá sản phẩm và mở rộng khả năng kinh doanh của doanh nghiệp.
Nội dung này chưa được quy định tại Luật Dược năm 2016, tuy nhiên nhiều các trang thương mại điện tử bán thuốc đã hoạt động thời gian qua. Do đó, Bộ Y tế cho rằng cần xây dựng quy định để tránh khoảng trống pháp lý đối với vấn đề này.
Theo Báo Dân trí, tại dự thảo luật, Bộ Y tế đề xuất bổ sung vào Điều 42 Luật Dược 2016 quy định "các cơ sở đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược được phép kinh doanh dược theo phương thức thương mại điện tử thông qua website, ứng dụng bán hàng cài đặt trên thiết bị điện tử của cơ sở; sàn giao dịch điện tử được cấp phép của ngành công thương đáp ứng điều kiện kinh doanh dược".
Tuy nhiên, cơ sở kinh doanh dược không được thực hiện việc bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội, livestream trực tuyến.
Ngoài ra, Điều 76, Điều 78, Điều 79 Luật Dược hiện hành quy định, các nội dung thông tin thuốc, quảng cáo thuốc phải được cơ quan quản lý phê duyệt. Thực tế, số lượng hồ sơ quảng cáo, thông tin thuốc rất nhiều, làm tăng thủ tục hành chính phải giải quyết cho cơ quan quản lý và doanh nghiệp.
Từ cơ sở đó, cơ quan soạn thảo đề xuất bãi bỏ thủ tục cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo thuốc (trừ trường hợp quảng cáo thuốc theo phương tiện tổ chức hội thảo, hội nghị, sự kiện giới thiệu thuốc).
"Việc quảng cáo thuốc thực hiện theo quy định của pháp luật về quảng cáo có liên quan. Tổ chức, cá nhân thực hiện quảng cáo thuốc (người quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng cáo, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo) phải chịu trách nhiệm về các thông tin do mình cung cấp", dự thảo luật nêu.
Như Quỳnh (T/h)