Theo báo cáo của các đơn vị nhập khẩu vắc xin, khả năng cung ứng vắc xin dại trong tháng 5 năm 2018 và các tháng tiếp theo đủ đáp ứng cho nhu cầu tiêm chủng của người dân.
Hiện nay, theo thông báo của Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế có 4 vắc xin phòng bệnh dại được cấp giấy đăng ký lưu hành là vắc xin Verorab do Công ty Sanofi Pasteur, Pháp sản xuất, vắc xin Abhayrab do Công ty Human Biologigical Institute, Ấn Độ sản xuất, vắc xin Speeda do Công ty Liaoning Chengda Biotechnology, Trung Quốc, sản xuất, vắc xin Indirab do Công ty Bharat Biotech International, Ấn Độ sản xuất.
Trong đó 3 loại vắc xin đã được nhập khẩu là vắc xin Verorab, Abhayrab và Speeda, dự kiến cuối tháng 5/2018 vắc xin Indirab sẽ được nhập khẩu về Việt Nam.
Theo báo cáo của các đơn vị nhập khẩu vắc xin, khả năng cung ứng vắc xin dại trong tháng 5 năm 2018 và các tháng tiếp theo đủ đáp ứng cho nhu cầu tiêm chủng của người dân.
Cụ thể là: Số lượng vắc xin phòng dại sử dụng trung bình mỗi năm khoảng 1.300.000 liều; lượng nhập khẩu vắc xin phòng dại năm 2017 khoảng 1.467.000 liều. Kế hoạch cung ứng vắc xin phòng dại trong năm 2018 (dự kiến) của các công ty là: Vắc xin Verorab khoảng 493.000 liều; vắc xin Abhayrab khoảng 1.400.000 liều; vắc xin Indirab khoảng 300.000 liều; vắc xin Speeda đã nhập khẩu 2.200 liều trong năm 2018 và nếu các cơ sở tiêm chủng có nhu cầu thì cơ sở tiếp tục nhập khẩu các lô tiếp theo.
Ảnh minh họa. |
Như vậy, theo báo cáo của các công ty nhập khẩu, sản xuất thì khả năng cung ứng vắc xin phòng dại trong năm 2018 cho thị trường Việt Nam chỉ tính riêng Veorab, Abhayrab và Indirab (chưa bao gồm) Speeda là 2.193.000 liều (cao gấp 149% so với tổng số lượng vắc xin phòng dại đã nhập khẩu trong năm 2017 và cao gấp 169% so với số lượng vắc xin phòng dại sử dụng trung bình mỗi năm).
Để chủ động trong công tác phòng bệnh dại trong mùa hè, thời gian bệnh có xu hướng tăng cao, đảm bảo nhu cầu tiêm chủng của người dân, Cục Y tế dự phòng yêu cầu các cơ sở tiêm chủng thực hiện tiêm phòng dại cần khẩn trương xây dựng kế hoạch dự trù, dự trữ vắc xin, chủ động thay thế nguồn cung vắc xin khi nguồn cung vắc xin hiện tại thiếu hụt, liên hệ với các đơn vị nhập khẩu, cung ứng để được cung cấp vắc xin kịp thời.
Cục Quản lý dược cũng đề nghị trước mắt các cơ sở nhập khẩu ưu tiên cung ứng vắc xin phòng dại cho các đơn vị, địa phương có báo cáo về việc thiếu vắc xin; đồng thời, rà soát qui định cung ứng vắc xin trong nội bộ của đơn vị để đảm bảo rút ngắn thời gian đưa vắc xin ra lưu hành trên thị trường.
Mỹ An (T/h)