+Aa-
    Zalo

    Bộ Y tế ban hành hướng dẫn tạm thời xác định 4 cấp độ dịch

    (ĐS&PL) - Bộ Y tế vừa ban hành hướng dẫn tạm thời về các tiêu chí để phân cấp dịch COVID-19 theo 4 mức độ gồm đỏ, cam, vàng và xanh.

    Pháp Luật TP.HCM đưa tin, bộ Y tế hiện đã ban hành hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết số 128 của Chính phủ nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 (gọi tắt là hướng dẫn).

    Theo đó, bộ Y tế phân cấp dịch COVID1-19 ở 4 cấp độ, tương ứng với quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” được Chính phủ ban hành ngày 12/10 (theo Nghị quyết 128).

    Việc phân cấp độ dịch sẽ dựa trên 3 tiêu chí: Tỷ lệ ca mắc mới tại cộng đồng/số dân/thời gian; Độ bao phủ vaccine; Đảm bảo khả năng thu dung, điều trị của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh các tuyến.

    bo y te chinh thuc co huong dan xac dinh 4 cap do dich
    Bốn cấp độ dịch được phân loại theo tiêu chí do bộ Y tế hướng dẫn. Ảnh: Pháp Luật TP.HCM

    Tiêu chí 1 là số ca mắc mới trong cộng đồng/ 100.000 người/tuần (ca mắc mới), được phân theo bốn mức độ từ thấp đến cao theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới (mức 1: 0 - < 20; mức 2: 20 – <50; mức 3: 50 - <150; mức 4: ≥150).

    Trong khi đó, tiêu chí 2 là tỷ lệ người từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất một liều vaccine ngừa COVID-19, phân theo hai mức (≥70% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất một liều vaccine; <70% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất một liều vaccine).

    Theo bộ Y tế, nếu không đạt được tiêu chí 3 thì không được giảm cấp độ dịch, đồng thời phải tăng lên một cấp độ dịch nếu không đạt được yêu cầu về việc tiêm vaccine. Cụ thể, trong tháng 10/2021, tối thiểu 80% người từ 65 tuổi trở lên được tiêm đủ liều vaccine. Từ tháng 11/2021, tối thiểu 80% người từ 50 tuổi trở lên được tiêm đủ liều vaccine.

    Bộ Y tế đề nghị các tỉnh và thành phố xây dựng kịch bản và phương án bảo đảm công tác y tế phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 theo từng cấp độ dịch; tổ chức triển khai khi có dịch xảy ra trên địa bàn.

    Bên cạnh đó, cần xây dựng kế hoạch thu dung, chăm sóc, điều trị người mắc COVID-19 (F0), đặc biệt kế hoạch bảo đảm đáp ứng về giường ICU. Ngoài ra, phải cập nhật số liệu và quản lý phần mềm báo cáo các cơ sở thu dung, điều trị F0.

    Bộ Y tế cũng lưu ý, việc xét nghiệm phải được thực hiện theo địa bàn nguy cơ và nhóm nguy cơ, không chỉ định xét nghiệm đối với việc đi lại của người dân; chỉ thực hiện xét nghiệm đối với trường hợp đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa) và các trường hợp nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 3.

    Với người đã tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19 và người mắc COVID-19 đã khỏi bệnh, chỉ xét nghiệm khi có yêu cầu điều tra dịch tễ; với trường hợp cách ly y tế hoặc theo dõi y tế và trường hợp đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa).

    Việc cách ly y tế áp dụng đối với người đến từ địa bàn có dịch (địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc vùng cách ly y tế), người tiếp xúc gần (F1) được thực hiện theo hướng dẫn hiện hành của bộ Y tế.

    Đối với người cao tuổi, người có bệnh nền, phụ nữ mang thai, người dưới 18 tuổi (trẻ em), có thể thực hiện cách ly tại nhà và có người chăm sóc cách ly cùng.

    Trong một diễn biến liên quan, bộ Y tế cũng vừa lý giải nguyên nhân khiến nguồn cung vaccine ngừa COVID-19 khan hiếm.

    bo y te chinh thuc co huong dan xac dinh 4 cap do dich1
    Bộ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết tốc độ tiêm vaccine của Việt Nam hiện nay ở mức độ cao so với nhiều nước trên thế giới. Ảnh minh họa: Bộ Y tế

    Lao Động dẫn lời Bộ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, thời gian qua với nỗ lực lớn trong chiến lược vaccine, đặc biệt là tích cực thực hiện ngoại giao vaccine, Việt Nam đã tiếp nhận hơn 80 triệu liều vaccine ngừa COVID-10.

    Theo Bộ trưởng bộ Y tế, việc tiếp cận vaccine ngừa COVID-19 ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới chưa thể tự sản xuất được vaccine gặp không ít khó khăn. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đã nêu ra 3 khó khăn chính.

    Thứ nhất là những vấn đề pháp lý liên quan đến mua bán, nhập khẩu vaccine. Chúng ta phải chấp nhận hầu hết các điều kiện mà các nhà cung ứng vaccine đưa ra như vấn đề thoả thuận bồi hoàn, miễn trừ về trách nhiệm, bảo mật thông tin và rủi ro liên quan đến giao hàng không đúng thời hạn.

    Thứ hai là khan hiếm nguồn cung ứng vaccine trên toàn cầu ngay từ đầu cho đến bây giờ vẫn đang diễn ra. Hiện nay, ngay cả cơ chế COVAX cũng chưa đạt được kế hoạch cung ứng vaccine cho các nước, trong đó có Việt Nam.

    Thứ ba là các nước thay đổi chính sách trong tiêm chủng vaccine như mở rộng đối tượng tiêm, tiêm tăng cường mũi 3, vì vậy có sự điều chỉnh trong chính sách cung ứng vaccine làm chúng ta cũng bị ảnh hưởng theo.

    Bộ trưởng bộ Y tế thông tin thêm, trong thời gian qua Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tiếp tục có những chỉ đạo rất quyết liệt để tăng tốc tìm kiếm nguồn cung vaccine ngừa COVID-19 cho Việt Nam.

    “Tốc độ tiêm vaccine của nước ta hiện nay ở mức độ cao so với nhiều nước trên thế giới, có nhiều ngày vượt trên 1 triệu liều/ngày. Chúng tôi hy vọng có thể đạt mức cao hơn về số lượng mũi tiêm trong ngày”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho hay.

    Đinh Kim(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bo-y-te-ban-hanh-huong-dan-tam-thoi-xac-dinh-4-cap-do-dich-a516159.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan