Từ việc coi thường pháp luật
Theo lời khai của Mai Xuân Quyết, vào một ngày trong tháng 7/2013, hắn vào bản Cây Cà, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) để nhặt đá về xây móng nhà bếp, phát hiện trên hốc đá có một quả mìn tự tạo hình bầu dục, trọng lượng khoảng 40gam. Phía trong là thuốc nổ cùng với một kíp nhôm màu trắng và một đoạn dây cháy chậm dài khoảng 12cm. Thấy vậy, Quyết đã cầm về và đưa cất sau chuồng gà mà không cho ai biết.
Một thời gian sau, khi chứng kiến việc nhà bố vợ mình là ông Nguyễn Văn Tô để bò nhà ăn hết hoa màu của hàng xóm và bị nhà này kiện lên xã, lên huyện. Sau khi xã, huyện can thiệp, bố vợ Quyết buộc phải đền cho hàng xóm con bò đã ăn hết hoa màu của họ. Quyết đã cho rằng, ông Chủ tịch xã Trường Sơn bênh vực hàng xóm nên bố vợ Quyết mới mất bò. Ấm ức thay bố vợ và nuôi hận trong lòng, sau nhiều đêm nằm suy nghĩ, hắn chợt nhớ đến quả lựu đạn mà mình nhặt được còn giấu sau chuồng gà. Một kế hoạch đã nhanh chóng lướt qua đầu hắn. Ngày 13/9/2013, Quyết nảy sinh ý định ném mìn vào nhà ông Nguyễn Văn Sỹ, Chủ tịch UBND xã Trường Sơn để cảnh cáo. Nghĩ là làm, hắn ra chuồng gà lấy quả mìn mà mình đã cất giấu, gắn thêm một đoạn dây mềm vào đầu dây cháy chậm rồi đi bộ đến nhà ông Sỹ. Khi đến nơi, Quyết châm lửa ném vào hàng rào nhà ông này rồi bỏ chạy và sau đó nghe tiếng nổ lớn. Sau khi gây án xong, hắn quay về nhà ngủ như không có chuyện gì xảy ra.
Đến ngày hôm sau, khi cơ quan điều tra lên làm việc và nhận thấy việc mình làm có thể bại lộ, Quyết đã ra đầu thú và khai nhận toàn bộ hành vi của mình. Rất may, sau khi ném mìn vào nhà ông Sỹ, do khoảng cách ném mìn khá xa so với nhà của ông này nên không bị thiệt hại gì về người và của.
Phiên tòa sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Quảng Ninh vào tháng 3/2014 đã tuyên phạt bị cáo Mai Văn Quyết 9 tháng tù giam cho tội Tàng trữ, sử dụng trái phép vật liệu nổ. Không đồng tình với mức án mà Tòa án huyện Quảng Ninh đưa ra, cho rằng, mức án như vậy là quá nhẹ, không đủ sức răn đe, ông Nguyễn Văn Sỹ đã làm đơn kháng cáo lên Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Bình. Ngày 23/4/2014, TAND tỉnh Quảng Bình đã xử phúc thẩm và tuyên phạt Mai Văn Quyết thêm 3 tháng tù và tổng hình phạt là 12 tháng tù giam cho tội Tàng trữ, sử dụng trái phép vật liệu nổ nhưng chưa gây hậu quả nghiêm trọng.
Bị cáo Mai Văn Quyết trước vành móng ngựa. |
Nỗi sợ hãi còn đọng lại
Mặc dù hành động ném mìn vào nhà ông Nguyễn Văn Sỹ của Mai Văn Quyết đã xảy ra một thời gian và không ai bị thương tích, hay thiệt hại về tài sản, nhưng đối với gia đình ông cán bộ xã này, nỗi sợ hãi, lo âu vẫn bao trùm. Hệ lụy từ hành vi mất nhân tính đó đã đè lên gia đình ông Sỹ không nhẹ. Từ một người chủ tịch xã đầy uy tín, sau sự việc bỗng dưng nảy sinh sự gièm pha, dẫn đến sự tín nhiệm của ông có phần giảm sút.
Ông Sỹ nói: “Mặc dù, gia đình chúng tôi không ai bị làm sao cả nhưng các thành viên trong nhà đều bị khủng hoảng về tinh thần nghiêm trọng. Vợ con tôi không ai dám ra khỏi nhà vì sợ bị trả thù, đêm nằm ngủ không yên giấc, luôn trong trạng thái đề cao cảnh giác. Sau khi sự việc xảy ra, hầu như phần lớn người dân ai cũng lo sợ, nhất là bị trả thù nên không ai dám tố giác tội phạm cả. Nếu không đồng tình với tôi, anh Quyết có thể làm đơn kiện lên huyện, lên tỉnh, chứ đe dọa tính mạng cả gia đình tôi như thế thì nguy hiểm quá!”.
Sau mỗi vụ án, kẻ gây tội thì phải đền tội, đó là điều tất yếu. Tuy nhiên, điều đọng lại sau vụ án này chính là hâụ quả về tinh thần mà gia đình bị hại phải hứng chịu, cũng như cách xử sự của người dân trước những tranh chấp khiếu kiện. Không thõa mãn với cách làm của chính quyền, người dân quay sang hằn thù cá nhân và tìm cách trả thù cho hả giận. Cũng may, hậu quả chưa nghiêm trọng nên tính mạng của gia đình ông Sỹ vẫn được bảo toàn. Nhưng thiết nghĩ, nếu như quả mìn hôm ấy rơi trúng vào nơi gia đình ông Sỹ đang ngủ thì không biết hậu quả sẽ như thế nào. Mặt khác, qua đây cũng cho thấy một điều đáng suy ngẫm, ở đâu đó, chính quyền địa phương chưa thực sự tạo được niềm tin của người dân nên họ không thể giải quyết các bức xúc bằng khiếu kiện, thay vào đó là những hành động vi phạm pháp luật. Chính vì vậy, làm tốt công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật và tạo niềm tin cho nhân dân ở cơ sở là điều mà chính quyền địa phương cần suy ngẫm.