+Aa-
    Zalo

    Bộ VH, TT&DL nói về việc “xử” các chương trình hài nhảm trên truyền hình

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Mới đây, chương trình Táo Quân 2018 gây xôn xao dư luận khi nhận được phản ứng từ cộng đồng LGBT.

    Mới đây, chương trình Táo Quân 2018 gây xôn xao dư luận khi nhận được phản ứng từ cộng đồng LGBT. Sau sự việc ồn ào này, nhiều người đặt ra câu hỏi: Bộ VH, TT&DL đã có những động thái gì để hạn chế những nội dung hài nhảm phát sóng trên truyền hình?

    Nếu xem truyền hình mà gặp Trấn Thành, Thành Trung là… tắt tivi

    Theo tìm hiểu của PV, trong gần hai năm qua, nhiều chương trình hài “nở rộ” trên truyền hình, thu hút được  khán giả. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn có những chương trình bị gọi là hài nhảm xuất hiện trên  sóng truyền hình.

    Sự kiện - Bộ VH, TT&DL nói về việc “xử” các chương trình hài nhảm trên truyền hình

    Trấn Thành và Trường Giang trong chương trình Thách thức danh hài.

    Chia sẻ với PV, diễn viên Trần Lan Phương cho biết: “Nhiều người cứ hỏi, diễn viên trẻ mới ra trường mà không được lên sóng VTV thì có buồn không? Chúng tôi không thấy chạnh lòng, vì diễn viên bây giờ có nhiều cơ hội lắm, nếu không được lên VTV (đài Truyền hình Việt Nam)  họ có thể lên các đài truyền hình địa phương. Bởi, hiện nay, nhiều chương trình hài mới được phát sóng. Tuy nhiên, nếu không có bản lĩnh, các diễn viên ấy  thường rơi vào việc diễn hài bị nhạt. Không có sự ứng biến linh hoạt, họ có thể nói những câu “xàm xàm” trên sân khấu mà khán giả không cười được, vì vậy chương trình sẽ bị chê tơi tả...”.

    Liên quan đến vấn đề này, nghệ sĩ Vượng râu  chia sẻ: “Việc lạm dụng các chương trình hài trên sóng truyền hình hiện nay đang ở mức... bội thực. Nhiều đài cứ kêu gọi được nhà tài trợ là lên kịch bản cho chương trình hài. Thêm nữa, các chương trình ấy thi nhau mời các nghệ sĩ tự nhận là... danh hài lên truyền hình. Đến nỗi, một buổi tối, bật truyền hình nào cũng có mặt các danh hài ấy nên khán giả thấy nhàm và nhạt. Gần như gameshow hài nào cũng chạy đua để mời Trấn Thành, Việt Hương, Đại Nghĩa, Trường Giang...

    Cách sản xuất chương trình theo kiểu “mỳ ăn liền” này khiến các nghệ sĩ dù là cũng trở nên hết vốn và hết cả duyên hài. Nhiều kịch bản hài nhạt, không được kiểm duyệt  nên mới loạn như bây giờ”.

    Sự kiện - Bộ VH, TT&DL nói về việc “xử” các chương trình hài nhảm trên truyền hình (Hình 2).

    Chương trình Ơn giời, cậu đây rồi được phát sóng trên VTV3.

    Một nhà văn (xin được giấu tên) cũng từng tâm sự: “Nếu xem truyền hình, các chương trình hài mà gặp Trấn Thành hoặc Thành Trung trên đó, tôi sẽ tắt tivi ngay. Vì đó là những gương mặt quá cũ, lại hay nói nhảm. Họ cứ nghĩ rằng, nói nhiều khán giả sẽ cười nhưng không phải vậy. Từ lâu rồi, họ đã trở thành “con rối” trong mắt tôi. Do chạy show nhiều, tham gia quá nhiều chương trình truyền hình hài nên Trấn Thành và Thành Trung cũng liên tục mắc lỗi. Tôi cho rằng, các cơ quan quản lý nên kiểm duyệt kịch bản những chương trình này để không còn “rác” trên truyền hình nữa”.

    Diễn viên Thu Trang (nhà hát Tuổi trẻ) chia sẻ: “Không thể phủ nhận, một số chương trình hài trên truyền hình được mở ra đã tìm kiếm được một số gương mặt mới tài năng. Tuy nhiên, bên cạnh đó, do nhiều chương trình được mở ra nhưng do không kiểm soát được nội dung nên nhà sản xuất đã “thả phanh” với những tiểu phẩm dễ dãi. Đạo diễn thường nói đến rating (lượng người xem - PV) khi đề cập đến các chương trình trên truyền hình, nhưng làm nghệ thuật theo kiểu hài nhảm, thì nhiều nghệ sĩ chân chính cũng rất ngại khi được mời tham gia chương trình này. Chúng tôi cũng mong các cơ quan quản lý kiểm soát tốt nội dung chương trình để hài bớt nhảm, bớt bị khán giả ném đá”.

    Cấm diễn đến 12 tháng với nghệ sĩ diễn hài không đúng với thuần phong, mỹ tục của Việt Nam   

    Sự kiện - Bộ VH, TT&DL nói về việc “xử” các chương trình hài nhảm trên truyền hình (Hình 3).

    Ông Vương Duy Biên – Thứ trưởng bộ VH,TT&DL.

    Ông Vương Duy Biên – Thứ trưởng bộ VH,TT&DL cho hay: “Đúng là trên truyền hình hiện nay có nhiều chương trình hài nhảm nhí, việc này cần xem xét lại. Cuối năm 2017, bộ VH,TT&DL đã thu thập các ý kiến để chuẩn bị xây dựng nghị định mới về các hoạt động nghệ thuật biểu diễn, ghi hình ca múa nhạc - sân khấu... Trước mắt, Bộ sẽ ghi nhận ý kiến để quản lý tốt hơn. Ở các đài địa phương, Giám đốc đài truyền hình chịu trách nhiệm về nội dung của chương trình phát sóng. Cũng phải nói rằng, những chương trình hài chất lượng mới được khán giả ủng hộ lâu dài”.

    Sự kiện - Bộ VH, TT&DL nói về việc “xử” các chương trình hài nhảm trên truyền hình (Hình 4).
    Ông Hoàng Minh Thái - Vụ trưởng vụ Pháp chế (bộ VH,TT&DL).

    Ông Hoàng Minh Thái - Vụ trưởng vụ Pháp chế (bộ VH,TT&DL) chia sẻ, nếu các nghệ sĩ tham gia nhiều chương trình hài nhảm, không phù hợp với thuần phong mỹ tục ở Việt Nam thì có thể đề xuất việc cấm đi diễn. “Từ 5/5/2017, Nghị định 28/2017/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực VH,TT&DL và quảng cáo chính thức có hiệu lực, với nhiều quy định cụ thể và mức phạt tăng đối với người nổi tiếng có hành vi không phù hợp.

    Nghị định mới đã bổ sung hình phạt chính là: Đình chỉ hoạt động 12 tháng đối với người biểu diễn tái phạm hành vi biểu diễn nghệ thuật, trình diễn có nội dung truyền bá tệ nạn xã hội, không phù hợp với truyền thống văn hóa Việt Nam”.

    “Không chỉ cấm diễn bằng Nghị định của Nhà nước mà khán giả cũng cần nghiêm khắc hơn với những chương trình hài, những tiểu phẩm hài nhảm nhí, động chạm đến những người yếu thế trong xã hội. Điều này sẽ hạn chế tốt nhất các nghệ sĩ trẻ lên truyền hình, muốn nổi tiếng bằng những scandal ồn ào. Nghị định 28 đã quy định rõ thẩm quyền xử lý của từng cơ quan. Quy định đã ban hành, đã có hiệu lực, các bên cần nghiêm túc thực thi” – ông Thái cho hay.     

    Hài Bắc đang lạm dụng hình ảnh răng vẩu, gương mặt biến dạng, đi nghiêng, đi lệch để gây cười

    PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái chia sẻ: “Một thời, hài Nam chuyên trị lấy hình hài xấu xí của con người như răng vẩu, gương mặt biến dạng, đi nghiêng, đi lệch để gây cười. Bây giờ, miền Nam hạn chế cách gây cười kiểu này thì miền Bắc lại bắt đầu lạm dụng. Hai miền Nam – Bắc là hai không gian văn hóa khác nhau, nhưng trong bối cảnh hiện nay, việc một số nghệ sĩ Bắc như Xuân Bắc, Tự Long tham gia các chương trình do đơn vị phía Nam tổ chức là một chiều hướng tốt. Cách đón nhận của khán giả hai miền với hài kịch không tương đồng, thói quen thưởng thức cũng đầy khác biệt. Những ý kiến trái chiều và so sánh là không thể không có. Do vậy, muốn làm tốt, nghệ sĩ vừa phải giỏi ứng biến vừa phải giữ được bản sắc của mình”.

     

    Lạc Thành

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bo-vh-ttdl-noi-ve-viec-xu-cac-chuong-trinh-hai-nham-tren-truyen-hinh-a220974.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Táo Quân bị chê, biên kịch phản pháo

    Táo Quân bị chê, biên kịch phản pháo

    Tác giả Cù Trọng Xoay (Đinh Tiến Dũng) và Song Hà – 2 trong số những người đã chắp bút nên kịch bản Táo Quân 2018 đã lên tiếng xung quanh những ồn ào về chương trình.