Có ý kiến đề nghị phải duy trì hình phạt tử hình tội phạm tham nhũng để răn đe người khác không lợi dụng chức quyền để làm bậy.
Nhiều người lo ngại, trước tình hình tội phạm phức tạp hiện nay, nếu bỏ khung hình phạt tử hình cho 7 tội danh sẽ làm mất tính răn đe. Đối với tội tham nhũng, qua các vụ án kinh tế lớn bị đưa ra xét xử trong thời gian vừa qua, số bị cáo lợi dụng tín nhiệm, trách nhiệm để tham nhũng ngày càng gia tăng nên việc tòa xử án tử hình đối với người phạm tội rất được lòng người dân.
Ông Nguyễn Mạnh Hường, xã Hải Hòa, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa cho rằng trong điều kiện kinh tế đất nước còn khó khăn, phát triển chậm thì những thất thoát do tham nhũng là có tội với đất nước, phải duy trì hình phạt nghiêm khắc này để răn đe người khác không lợi dụng chức quyền để làm bậy.
Bỏ tử hình tội tham nhũng sao răn đe được người lợi dụng chức quyền? |
“Chúng tôi là những người dân về hưu, nghe Đài TNVN biết về việc góp ý vào Dự thảo Bộ luật hình sự sửa đổi, chúng tôi thảo luận với nhau là không đồng tình với việc bỏ tử hình với tội phạm tham nhũng. Trong khi chúng ta kỷ niệm 70 năm độc lập, biết bao xương máu của ông cha đã đổ xuống không tiếc để xây dựng đất nước này mà bây giờ người có quyền, có chức lại tham nhũng của công thì không thể chấp nhận được”, ông Nguyễn Mạnh Hường nêu ý kiến.
Các chuyên gia pháp luật phân tích có 3 lý do để dẫn tới việc bãi bỏ án tử hình tội phạm tham nhũng gồm: Thứ nhất thể hiện tính nhân văn; thứ 2 là không phải cứ tử hình nhiều mà tội phạm giảm mà phải có nhiều biện pháp khác; thứ 3 là tử hình khó thu hồi tài sản thiệt hại. Tuy nhiên, nếu cân nhắc giữa lợi ích và thiệt hại thì việc duy trì án tử hình đối với loại tội phạm tham nhũng là cần thiết để bảo đảm tính nghiêm minh của luật pháp.
Tiến sỹ - Luật sư Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng: “Một số tội danh mà bỏ xử phạt tử hình khác như vận chuyển trái phép ma túy, hiện các đối tượng vận chuyển khối lượng rất lớn nhưng không áp dụng được mức án cao nhất tử hình được, vậy thì chưa tương xứng. Do đó, tình hình tội phạm ngày một nghiêm trọng. Như vậy, vấn đề tách ra mà không quy định trong điều khoản kép tội mua bán gắn liền vận chuyển mà tách độc lập thì gặp khó khăn trong xử lý. Dù gì đối với tội danh liên quan đến ma túy phải xử lý ở mức hình phạt cao thì mới đủ sức răn đe”.
Về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên và các biện pháp thay thế xử lý hình sự áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội, hầu hết cử tri đồng tình với 2 khung tuổi từ 14-16 sẽ chịu trách nhiệm hình sự đối với một số tội và từ 16 tuổi trở lên chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm. Đối với việc bỏ tử hình cho đối tượng phạm tội từ 75 tuổi trở lên không nhận được đồng tình của cử tri.
Ông Nhâm Đức Giang, ở tỉnh Đắc Lắc nêu ý kiến: “Tôi thấy tội phạm ở Việt Nam đang trẻ hóa, các cháu thậm chí dưới 14 tuổi cũng phạm tội, phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, giết nhiều người. Thế thì chỗ này phải xác định tuổi như thế nào đó cho phù hợp. Tôi đồng ý với phương án 1 là người từ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người, tội hiếp dâm và liệt kê các tội như đã liệt kê ở đây. Ở nội dung tuổi 75 phạm tội, chúng ta có những chính sách, những quy định để bảo đảm những người 75 tuổi là ông, là bà được tôn trọng, được xã hội bảo vệ. Tuy nhiên, hiện nay, ở tuổi 75, vẫn có người phạm tội, thậm chí phạm tội hiếp dâm, nếu loại trừ tuổi 75 này không phải chịu hình phạt tử hình thì tôi nghĩ không phù hợp”.
Các nội dung khác cũng được cử tri góp ý như vấn trách nhiệm hình sự của tổ chức pháp nhân và loại tội tổ chức pháp nhân chịu trách nhiệm hình sự; về mức phạt tiền quy định không thấp hơn 1 triệu đồng như trong dự thảo không nhận được sự đồng tình bởi các ý kiến đều cho rằng quá thấp và không linh hoạt mà nên quy định theo mức lương cơ bản. Trong lĩnh vực giao thông, cử tri cho rằng quy định về các tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, tội cản trở giao thông đường bộ khó được thực thi.
Theo VOV
[mecloud]WX22PEjlN0[/mecloud]