Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết ngành y đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm giá thuốc...
Báo Dân trí đưa tin, chiều ngày 29/9, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến báo cáo việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3 của Quốc hội trước phiên họp toàn thể của Uỷ ban Các vấn đề xã hội.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Ảnh: Báo VnExpress |
Chính phủ nhận định, quỹ BHYT năm 2016 mất cân đối thu - chi là 831 tỉ đồng, nhưng tính đến hết năm, quỹ dự phòng khám chữa bệnh BHYT đã bù đắp và số dư còn hơn 47.000 tỉ đồng. Dự kiến cuối năm nay, quỹ dự phòng còn hơn 38.000 tỉ đồng và năm 2018 còn 23.410 tỉ đồng. Với nguồn kinh phí này, quỹ đủ cân đối ít nhất là đến hết năm 2019.
Nguyên nhân gia tăng chi quỹ BHYT, Chính phủ cho rằng, do mức đóng không thay đổi trong khi đã có sự điều chỉnh về mức hưởng; tình trạng lạm dụng quỹ BHYT, trong đó có hiện tượng chỉ định sử dụng thuốc bổ trợ, dịch vụ kỹ thuật nhiều hơn mức cần thiết so với yêu cầu chuyên môn, cho người bệnh nhập viện khi tình trạng bệnh chưa thực sự cần thiết.
Lý giải vấn đề này, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho hay, nguyên nhân là do việc tăng giá dịch vụ y tế, mà điển hình nhất là giá giường bệnh vì chi phí khám bệnh.
Cùng với đó, chính sách thông tuyến cũng là một nguyên nhân khiến quỹ BHYT tăng chi vì việc ứng dụng nhiều kỹ thuật cao hơn, người dân được hưởng dịch vụ tốt hơn, chất lượng khám chữa bệnh ở các bệnh viện vệ tinh hơn hẳn.
“Bên cạnh đó, người dân giờ nhận thức cao hơn, số lượt người đi khám bệnh ngày càng tăng, kể cả ở khu vực đô thị lẫn vùng sâu vùng xa", bà Tiến nói.
Về tình trạng trục lợi quỹ bảo hiểm, Bộ trưởng Kim Tiến nhìn nhận xác nhận có hiện tượng lạm dụng nhưng kết luận là trục lợi thì theo "tư lệnh" ngành y tế, cần phải thanh kiểm tra để có bằng chứng cụ thể. Theo bà Tiến, Bộ đã đề xuất lập tổ đặc nhiệm để cùng thanh tra bảo hiểm xã hội kiểm tra và dự kiến mời các đoàn đại biểu Quốc hội ở địa phương cùng tham gia, giám sát.
Báo VietnamNet cũng thông tin thêm, tại cuộc họp, Bộ trưởng Tiến cũng cho hay, thời gian qua Bộ Y tế đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ, thực hiện tốt quy tắc ứng xử của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh.
Theo bà Tiến, Bộ Y tế đã ban hành và chỉ đạo các cơ sở y tế thực hiện đổi mới phong cách, thái độ phục vụ, phê duyệt kế hoạch triển khai cơ sở y tế xanh - sạch - đẹp. Đồng thời, đẩy mạnh tập huấn kỹ năng giao tiếp, ứng xử của cán bộ y tế, đặc biệt là nhân viên y tế làm việc trong môi trường độc hại, nặng nhọc, căng thẳng, dễ sinh cáu gắt như khoa ngoại, sản, nhi, hồi sức cấp cứu…
Bộ cũng tích cực kiểm tra, rà soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm đạo đức nghề nghiệp, quy tắc ứng xử do người dân, báo chí đưa tin phản ánh. Việc này được làm song song với lắp đặt các hộp thư góp ý ở các cơ sở khám chữa bệnh và tiếp tục duy trì hoạt động của đường dây nóng.
Báo VnExpress cho hay, liên quan đến giá thuốc, vật tư, trang thiết bị, Bộ trưởng Y tế cho biết đang xây dựng tiêu chí để lựa chọn một số loại vật tư kỹ thuật cao, sử dụng nhiều, có giá trị lớn nhằm thí điểm đấu thầu tập trung. Sau khi xây dựng danh mục, Bộ Y tế sẽ có hướng dẫn cụ thể cho từng mặt hàng.
Bộ cũng đang xây dựng phần mềm quản lý đấu thầu thuốc - hóa chất, vật tư tiêu hao và trang thiết bị y tế. Về quản lý giá thuốc, Bộ trưởng khẳng định: "Việc đấu thầu tập trung đã gần đến giai đoạn cuối, bắt đầu vận dụng đàm phán giá".
Để đảm bảo thuốc biệt dược gốc phục vụ nhu cầu điều trị, Bộ Y tế dự kiến thí điểm đàm phán giá thuốc biệt dược gốc hết hạn bảo hộ bằng độc quyền sáng chế. Nếu đàm phán giá không thành công sẽ đưa vào đấu thầu rộng rãi với thuốc nhóm 1 đã có nhiều số đăng ký, đáp ứng nhu cầu điều trị.
"Thuốc gần hết bản quyền, trong đó thuốc biệt dược dứt khoát phải đàm phán giảm giá, có loại giảm 4%, có loại giảm nhiều hơn", Bộ trưởng Tiến khẳng định. Bà cho biết, đối với thuốc lưu hành trên thị trường, Bộ Y tế quản lý giá thuốc theo nguyên tắc cạnh tranh trên cơ sở công khai minh bạch bằng hình thức kê khai, niêm yết giá.
(Tổng hợp)